23:41 ICT Chủ nhật, 22/12/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 129796
    • Tháng hiện tại: 2509115
    • Tổng lượt truy cập: 65438212

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Một số quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện và những quyền lợi của người tham gia

    Thứ sáu - 19/06/2020 14:29

    TS. Lê Văn Đức - Khoa Đào tạo cơ bản
    Công ước 102 (năm 1952) của Tổ chức lao động quốc tế không quy định về các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện. Vì vậy, có thể hiểu đây là chính sách an sinh xã hội riêng của mỗi quốc gia, có thực hiện hay không và thực hiện như thế nào do chính sách mỗi quốc gia đó quy định trong các văn bản pháp luật của quốc gia mình (1). Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thì “bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất” (2). Như vậy, bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội mà người lao động tự nguyện tham gia, được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng bảo hiểm xã hội.
    1. Một số quy định về bảo hiểm xã hội tự nguyện
    1.1. Đối tượng tham gia và các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện
    Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đều có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (3).
    Như vậy, khác với bảo hiểm xã hội bắt buộc, đối tượng chủ yếu mà bảo hiểm xã hội tự nguyện hướng tới là những người lao động không tham gia quan hệ lao động, như: xã viên hợp tác xã, người buôn bán tự do, tự tạo việc làm, hành nghề tự do; người làm việc trong khu vực không hưởng tiền lương, tiền công có cơ hội tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng hai chế độ hưu trí và tử tuất. Việc thực hiện bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ là điều kiện để mở rộng hơn nữa đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. sẽ có hàng chục triệu người tùy thuộc vào khả năng của mình có nguyện vọng lựa chọn việc tham gia loại hình bảo hiểm xã hội mới đáp ứng mục tiêu an sinh xã hội trong xu thế phát triển của xã hội.
    Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng 02 chế độ: Hưu trí và tử tuất (4). Có thể nói, với đối tượng và các chế độ này người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể đảm bảo cuộc sống cho họ và gia đình khi không thể tiếp tục làm việc. So với chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hưởng ít quyền lợi (không có chế độ ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp), nhưng hình thức bảo hiểm này vẫn không thể thiếu và là cơ hội để huy động các đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội.
    1.2. Mức đóng và phương thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyên
    1.2.1. Mức đóng
    Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập do mình lựa chọn (5)
    Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn (700.000 đồng) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở (29.800.000 đồng) (6). Do đó, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là 154.000 đồng/tháng và mức đóng cao nhất là 6.556.000 đồng/tháng. Như vậy, tùy điều kiện người tham gia có thể chọn mức thu nhập tháng sao cho phù hợp. Ví dụ: 1.000.000; 1.050.000 đồng; 4.500.000 đồng…
    1.2.2. Phương thức đóng
    Hiện nay có tất cả 06 phương thức đóng mà người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có thể lựa chọn: đóng hàng tháng, thời điểm đóng trong tháng; đóng 03 tháng một lần, thời điểm đóng trong 03 tháng; đóng 06 tháng một lần, thời điểm đóng trong 04 tháng đầu; đóng 12 tháng một lần, thời điểm đóng trong 07 tháng đầu; một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 05 năm một lần; một lần cho những năm còn thiếu đối với người đã đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm.
    Cụ thể mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện 2020 trong một số trường hợp (7):
    - Đóng 03 tháng/lần: Mức đóng = Mức hàng tháng x 3;
    - Đóng 06 tháng/lần: Mức đóng = Mức hàng tháng x 6;
    - Đóng 12 tháng/lần: Mức đóng = Mức hàng tháng x 12;
    - Đóng một lần cho nhiều năm về sau (không quá 05 năm/lần): Mức đóng = Tổng mức đóng của các tháng đóng trước;
    - Đóng một lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm): Mức đóng = Tổng mức đóng của các tháng còn thiếu (Có áp dụng lãi).
    Người đóng 03 tháng/lần, 06 tháng/lần, 12 tháng/lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau sẽ được hoàn trả một phần tiền đã đóng trước đó khi:
    - Dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;
    - Hưởng bảo hiểm xã hội một lần;
    - Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.
    Đáng chú ý, hiện nay khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể:
    - Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo (46.200 đ/tháng);
    - Bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo (38.500 đ/tháng);
    - Bằng 10% đối với các đối tượng khác (15.400 đ/tháng).
    Theo đó, thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng). Việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội của Nhà nước đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được thực hiện từ ngày 01/01/2018.
    Ví dụ: chọn mức thu nhập hàng tháng để đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện là 1.550.000 đ/tháng, nếu thuộc đối tượng hộ cận nghèo thì mức đóng hàng tháng sẽ là: 1.550.000 đồng x 22% = 341.000 đồng - 38.500 đồng (mức hỗ trợ hộ cận nghèo) = 302.500 đồng.
    Lưu ý: 
    Trường hợp đã đủ tuổi nghỉ hưu mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm thì người tham gia tiếp tục đóng theo một trong 05 phương thức trên cho đến khi thời gian đóng còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu (theo phương thức 6).
    Người đang tham gia có thể thay đổi phương thức đóng hoặc mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng sau khi thực hiện xong phương thức đóng đã lựa chọn trước đó.
    1.3. Mức hưởng bảo hiểm xã hội tự nguyện
    1.3.1. Chế độ hưu trí
    - Lương hưu hàng tháng. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đủ điều kiện hưởng lương hưu sẽ được hưởng lương hưu hàng tháng (8):
    Mức lương = Tỷ lệ hưởng x Bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (9)
    Trợ cấp một lần (10):
    Mỗi năm đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ hưởng lương hưu 75% được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
    Bảo hiểm xã hội một lần (11):
    Chỉ áp dụng với một số trường hợp nhất định (12), mức hưởng tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được:
    + 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (đóng trước năm 2014);
    + 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (đóng từ năm 2014 trở đi);
    + Đóng chưa đủ 01 năm thì hưởng bằng số tiền đã đóng, tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
    1.3.2.Chế độ tử tuất
    Trợ cấp mai táng (13): Bằng 10 lần mức lương cơ sở (mức trợ cấp hiện tại là 14,9 triệu đồng), dành cho người có thời gian đóng từ đủ 60 tháng trở lên hoặc đang hưởng lương hưu.
    Trợ cấp tuất (14): Đối với thân nhân của người đang đóng hoặc đang bảo lưu thời gian đóng, cứ mỗi năm:
    + 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (đóng trước năm 2014);
    + 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (đóng từ năm 2014 trở đi);
    + Tối đa 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội nếu đóng chưa đủ 01 năm;
    + Tối thiểu 03 tháng mức bình quân tiền lương và thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội nếu tham gia cả bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện.
    Đối với thân nhân của người đang hưởng lương hưu:
    + 48 tháng lương hưu đang hưởng nếu chết trong 02 tháng đầu hưởng lương hưu;
    + Cứ hưởng thêm 01 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng nếu chết vào những tháng sau đó.
    2. Quyền lợi của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện
    Người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện khi đáp ứng đủ các điều kiện nhất định thì được hưởng các quyền lợi nhất định sau đây:
    Thứ nhất, được hưởng lương hưu hàng tháng khi có đủ các điều kiện: Nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi; đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.Trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu hàng tháng.
    Thứ hai, ngoài lương hưu, người tham gia còn có thể được hưởng trợ cấp một lần nếu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% khi nghỉ hưu. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%. Theo đó, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
    Thứ ba, trường hợp người tham gia có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên hoặc người đang hưởng lương hưu chết thì người lo mai táng được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 lần mức lương cơ sở (mức trợ cấp hiện tại là 14,9 triệu đồng).
    Thứ tư, trường hợp người đang đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, đang hưởng lương hưu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tuất một lần. Mức trợ cấp tuất một lần thực hiện theo quy định của pháp luật (15).
    Thứ năm, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí khi đang hưởng lương hưu, với mức hưởng bảo hiểm y tế tương ứng là 95% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
    Thứ sáu, được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng bảo hiểm xã hội hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo (46.200 đ/tháng); bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo (38.500 đ/tháng); bằng 10% đối với các đối tượng khác (15.400 đ/tháng). Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm (120 tháng).
    Ngoài ra, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sẽ được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội mà không tiếp tục tham gia Bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.
    - Sau một năm không tiếp tục đóng Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
    Mức hưởng Bảo hiểm xã hội một lần được tính theo số năm đã đóng Bảo hiểm xã hội, cứ mỗi năm được tính như sau: 1,5 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng Bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ một năm thì mức hưởng bảo hiểm xã hội bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội.
    Tài liệu tham khảo:
    (1) Công ước số 102 (1952) của Tổ chức lao động quốc tế về các quy phạm tối thiểu về an sinh xã hội
    (2) Khoản 3 Điều 3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
    (3) Khoản 4 Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
    (4) Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
    (5) Khoản 1 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
    (6) Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09 tháng 11 năm 2018 và Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016 – 2020)
    (7)Khoản 2 Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP
    (8) Điều 74 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
    (9) Nghị định 134/2015/NĐ-CP)
    (10) Điều 75 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
    (11) Điều 77 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
    (12) Khoản 1 Điều 77 Luật bảo hiểm xã hội
    (13) Điều 80 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
    (14) Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2014)
    (15) Khoản 2 và khoản 3 Điều 81 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình