14:41 ICT Thứ hai, 07/10/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 126891
    • Tháng hiện tại: 1243459
    • Tổng lượt truy cập: 55937457

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Quy định về điều kiện, thủ tục và mức hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ hiện nay

    Thứ năm - 09/07/2020 09:54

    Khoa Đào tạo cơ bản
    Chế độ bảo hiểm thai sản là một trong các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, lúc đầu chế độ bảo hiểm thai sản được thiết kế chỉ dành cho lao động nữ - lao động đặc thù gắn với chức năng sinh đẻ và nuôi con. Công ước số 102 của Tổ chức lao động quốc tế (1) quy định đối tượng được bảo vệ trong chế độ trợ cấp thai sản cũng chỉ “người phụ nữ”, bao gồm các chế độ trong thời kỳ thai nghén, khi sinh con và hậu sinh. Pháp luật lao động của Việt Nam trong một thời gian dài cũng theo xu hướng này chỉ áp dụng đối với lao động nữ. Cùng với quan điểm và tiến bộ trong chính sách pháp luật về bình đẳng giới, quan niệm về chế độ thai sản cũng dần được thay đổi. Hiện nay, chế độ thai sản được áp dụng cho cả lao động nam và lao động nữ, trong đó lao động nữ là đối tượng áp dụng chủ yếu bởi tính đặc thu của lao động nữ cũng như đặc điểm riêng của chế độ bảo hiểm thai sản. Chế độ bảo hiểm này nhằm bảo vệ thu nhập của người lao động bị gián đoạn trong thời kỳ mang thai, khi sinh con và hậu sinh, như: lao động nữ và nam phải nghỉ việc do thực hiện các biện pháp tránh thai; lao động nữ nghỉ việc đi khám thai; lao động nữ nghỉ việc để sinh con; lao động nam nghỉ việc khi vợ sinh con; lao động nữ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thời gian nghỉ sinh con; lao động nam và nữ nghỉ việc khi nhận nuôi con nuôi… Vì thế, việc làm rõ các điều kiện, thủ tục và mức hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ luôn là nội dung được quan tâm.
    Như vậy, có thể hiểu: chế độ bảo hiểm thai sản là tổng hợp các quy định của Nhà nước nhằm đảm bảo thu nhập và đảm bảo sức khỏe cho lao động nữ nói riêng khi mang thai, sinh con và cho người lao động nói chung khi nuôi con, nhận con nuôi sơ sinh, thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình (2).
    1. Điều kiện, thủ tục để người lao động hưởng chế độ thai sản khi sinh con
    1.1. Điều kiện hưởng chế độ thai sản với người lao động nữ sinh con
    Theo quy định hiện nay, người lao động nữ sinh con được hưởng chế độ thai sản nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau (3):
    - Đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
    - Lao động nữ sinh con đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
    Trong đó, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được xác định như sau (4):
    + Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
    + Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con (trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì được tính theo trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng).
     Chị A sinh con ngày 18/01/2017 và tháng 01/2017 có đóng bảo hiểm xã hội, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 02/2016 đến tháng 01/2017, nếu trong thời gian này chị A đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị A được hưởng chế độ thai sản theo quy định (5).
     Tháng 8/2017, chị B chấm dứt hợp đồng lao động và sinh con ngày 14/12/2017, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 12/2016 đến tháng 11/2017, nếu trong thời gian này chị B đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì chị B được hưởng chế độ thai sản theo quy định (6).
    * Lưu ý: Trường hợp, người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội mà chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước khi sinh hoặc nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi thì vẫn được hưởng chế độ thai sản.
    1.2. Thủ tục hưởng chế độ thai sản đối với người lao động nữ sinh con
    * Thứ nhất, Lao động nữ sinh con cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau đây (7):
    - Bản sao giấy khai sinh; hoặc trích lục khai sinh; hoặc bản sao giấy chứng sinh;
    - Trường hợp con chết sau khi sinh, ngoài hồ sơ nêu trên còn phải có bản sao giấy chứng tử; hoặc trích lục khai tử; hoặc bản sao giấy báo tử;
    - Trường hợp con chết ngay sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh thì thay bằng trích sao hoặc tóm tắt hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ thể hiện con chết;
    - Trường hợp lao động nữ mang thai hộ sinh con hoặc người mẹ nhờ mang thai hộ nhận con cần có thêm bản sao của bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vàvăn bản xác nhận thời điểm giao đứa trẻ của bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
    * Thứ hai, sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ thai sản, người lao động nộp hồ sơ như sau:
    - Trường hợp người lao động còn làm việc, thì người lao động nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động để lập hồ sơ nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết chế độ cho người lao động. Thời hạn nộp hồ sơ không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
    - Trường hợp người lao động đã chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc trước thời điểm sinh con thì người lao động nộp hồ sơ và xuất trình thêm sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú để được giải quyết chế độ theo quy định.
    2. Mức hưởng chế độ thai sản
    2.1. Thời gian nghỉ thai sản
    2.1.1. Về thời gian nghỉ khám thai. Theo quy định của pháp luật hiện nay:
    “Trong thời gian mang thai, lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai 05 lần, mỗi lần 01 ngày. Trường hợp ở xa cơ sở khám, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường thì được nghỉ 02 ngày cho mỗi lần khám thai” (8).
    Mức hưởng = {Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày} x 100% x số ngày nghỉ.
    Như vậy, với quy định này thì thời gian nghỉ khám thai năm 2020 của lao động nữ không có gì thay đổi so với năm 2019 trước đó.
    * Lưu ý: Thời gian này tính theo ngày làm việc không kể ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hàng tuần.
    2.1.2. Về thời gian nghỉ khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý
    Theo pháp luật hiện hành, khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý, lao động nữ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền với thời gian tối đa: “10 ngày nếu thai dưới 05 tuần tuổi; 20 ngày nếu thai từ 05 - 13 tuần tuổi; 40 ngày nếu thai từ 13 - 25 tuần tuổi; 50 ngày nếu thai từ 25 tuần tuổi trở lên” (9).
    - Mức hưởng = {Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc/30 ngày} x 100% x số ngày nghỉ.
    * Lưu ý: Thời gian này tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hàng tuần.
    2.1.3. Về thời gian nghỉ thực hiện biện pháp tránh thai
    Để đảm bảo sức khỏe cho người lao động quy định hiện nay, có nêu:
    Khi thực hiện các biện pháp tránh thai, người lao động được hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám, chữa bệnh. Thời gian nghỉ tối đa: “07 ngày đối với lao động nữ đặt vòng tránh thai; 15 ngày đối với người lao động thực hiện biện pháp triệt sản” (10).
    Như vậy, cả lao động nam và lao động nữ khi thực hiện biện pháp tránh thai đều được nghỉ việc hưởng chế độ này.
    - Mức hưởng = {Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc/30 ngày} x 100% x số ngày nghỉ.
    * Lưu ý: Thời gian nghỉ tính cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hàng tuần.
    2.1.4. Về thời gian nghỉ sinh
    Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định, cụ thể thời gian nghỉ sinh của người lao động được quy định như sau:
    Đối với lao động nữ. “Lao động nữ sinh con được nghỉ việc trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp sinh đôi trở lên thì từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng”.
    Đối với lao động nam. Lao động nam đang đóng BHXH khi vợ sinh con được nghỉ: “05 ngày làm việc; 07 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi; 10 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi; sinh 3 trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc; 14 ngày làm việc nếu vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật” (11).
    - Mức hưởng = {Mức bình quân tiền lương đóng bảo hiểm xã hội 6 tháng liền kề trước khi nghỉ việc/24 ngày} x 100% x số ngày nghỉ.
    * Lưu ý: Thời gian nghỉ được tính trong khoảng 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
    2.1.5. Về thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh
    Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ: Trong khoảng 30 ngày đầu trở lại làm việc ngay sau khi nghỉ thai sản mà sức khỏe chưa phục hồi thì lao động nữ được nghỉ tối đa: “10 ngày nếu sinh một lần từ 02 con trở lên; 07 ngày nếu sinh con phải phẫu thuật; 05 ngày đối với các trường hợp khác” (12).
    * Lưu ý: Thời gian nghỉ bao gồm cả ngày nghỉ lễ, tết, ngày nghỉ hàng tuần.
    2.2. Tiền thai sản:
    Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014, thì:
    Lao động nữ sinh con được trợ cấp 1 lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con. Trường hợp sinh con nhưng chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp 1 lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh cho mỗi con (13).
    Theo Nghị quyết số 86/2019/QH14, từ nay đến ngày 30/6/2020, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng và từ ngày 01/7/2020, mức lương cơ sở là 1.600.000 đồng/tháng.
    Theo đó:
    + Nếu sinh con trước ngày 01/7/2020, mức trợ cấp 01 lần cho mỗi con là 1.490.000 đồng x 2 = 2.980.000 đồng (14).
    + Nếu sinh con từ ngày 01/07/2020, mức trợ cấp 01 lần cho mỗi con là 1.600.000 đồng x 2 = 3.200.000 đồng (15)
    Như vậy, có thể thấy nếu như sinh con từ ngày 01/7/2020 trở đi thì mức trợ cấp 01 lần cho mỗi con tăng 220.000 đồng so với thời điểm trước.
    Tiền chế độ tính theo tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Theo quy định hiện nay, thì: Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (16).
    Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
    * Ví dụ: Chị A đóng Bảo hiểm xã hội từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2019 với mức 05 triệu đồng/tháng. Từ tháng 01/2020 đến tháng 02/2020, mức lương đóng bảo hiểm xã hội là 06 triệu đồng/tháng. Tháng 3/2020, chị nghỉ sinh con.
    Như vậy, mức bình quân tiền tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi chị A nghỉ việc sinh con là 5,5 triệu đồng/tháng. Đây chính là mức hưởng chế độ thai sản hàng tháng của chị. Nếu nghỉ sinh đủ 06 tháng thì tổng số tiền thai sản mà chị nhận được là 5,5 triệu đồng/tháng x 6 = 33 triệu đồng.
    2.3. Tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh
    Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định:
    Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở (17).
    Tương tự như tiền trợ cấp 01 lần, mức lương cơ sở được lấy làm căn cứ để tính tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh.
    + Nếu sinh con trước ngày 01/7/2020, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh là 1.490.000 đồng x 30% = 447.000 đồng/ngày (18).
    + Nếu sinh con từ ngày 01/07/2020, tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh là là 1.600.000 đồng x 30% = 480.000 đồng/ngày (19).
    Như vậy, nếu như sinh con từ ngày 01/7/2020 trở đi thì tiền dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh tăng 33.000 đồng/ngày so với thời điểm trước.
    Chế độ bảo hiểm thai sản cũng như các chính sách xã hội đối với lao động nữ nói chung, vừa tạo điều kiện để lao động nữ thực hiện tốt chức năng làm mẹ, vừa tạo điều kiện để họ thực hiện tốt công tác xã hội. Qua các quy định về điều kiện, thủ tục và mức hưởng có thể thấy những quy định hiện nay về chế độ thai sản tương đối cơ bản, rõ ràng và việc thực hiện chế độ thai sản thời gian qua đã giúp cho hàng triệu lượt người, mà chủ yếu là lao động nữ, giải quyết được những vấn đề của đời sống và chăm sóc thai nhi, con nhỏ, quyền lợi hưởng... Tuy nhiên, trong thực tiễn quá trình thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội về thai sản vẫn còn nhiều bất cập, vướng mắc. Vì thế, trong thời gian tới, cần tập trung vào việc hoàn thiện pháp luật để đảm bảo các quyền và lợi ích cho người lao động, nhất là lao động nữ; đồng thời cũng cần coi trọng các công tác khác như tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức pháp luật về thai sản, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra… để nâng cao hiệu quả của chế độ thai sản trong xã hội.
    TÀI LIỆU THAM KHẢO
     (1) Điều 48 Công ước số 102 năm1952 của Tổ chức lao động quốc tế
    (2) Giáo trình Pháp luật An sinh xã hội, Nxb Đại học Quốc gia Hà nội, 2019.  
    (3) Khoản 2, khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
    (4) Khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015
    (5) Ví dụ 13 điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015
    (6) Ví dụ 14 điểm b khoản 1 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015
    (7) 2.2.2. Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH ngày 31/1/2019 
    (8) Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014

    (9) Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
    (10) Điều 37 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
    (11) Điều 34 Luật Bảo hiêm xã hội 2014
    (12) Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
    (13) Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
    (14) Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09/11/2018
    (15) Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019.
    (16) Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
    (17) Khoản 3 Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014
    (18) Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09/11/2018
    (19) Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019.

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình