Sáng 31/8, với sự phối hợp của Dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Đề án kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp. Đây là hoạt động nằm trong kế hoạch thực hiện Nghị định số 96/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhấn mạnh, Nghị định số 96/2017/NĐ-CP có nhiều quy định mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ. Nghị định này đã “cập nhật” cả những nội dung mới của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Đấu giá tài sản, Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định số 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại (quản lý nhà nước mới hoàn toàn), Quyết định 09/2013/QĐ-TTg ban hành quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật… Về cơ cấu tổ chức, điểm đáng chú ý là Nghị định đã “nâng cấp Vụ Kế hoạch – Tài chính thành Cục Kế hoạch – Tài chính và sắp xếp tinh gọn đầu mối nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công việc.
Cũng theo Nghị định 96 thì cơ chế phối hợp công tác tốt hơn, hạn chế tối đa tình trạng chia cắt công việc, từ đó đặt ra yêu cầu phải bố trí cán bộ, nhân sự phù hợp với vị trí việc làm trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW về tinh giản biên chế. Có như vậy mới bảo đảm triển khai một cách chất lượng, đầy đủ các quy định của Nghị định 96 về chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Tư pháp. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng đề nghị đại diện các đơn vị thuộc Bộ tập trung thảo luận sâu một số nội dung liên quan tới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để phân công nhiệm vụ trong nội bộ Bộ Tư pháp. Ngoài ra, phải rà soát để nếu cần thì có sự điều chỉnh hợp lý nhằm phân định rạch ròi nhiệm vụ giữa các đơn vị theo nguyên tắc Bộ quản lý đa ngành và một công việc chỉ do một đơn vị chủ trì…
Giới thiệu chi tiết hơn về các điểm mới của Nghị định 96, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Đỗ Kiên cho biết, Nghị định 96 đã bổ sung nhiều nhiệm vụ, quyền hạn mới được giao cho Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng pháp luật, công tác kiểm soát thủ tục hành chính, công tác theo dõi thi hành pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, công tác bổ trợ tư pháp. Về cơ cấu tổ chức, đúng với chủ trương tinh giản biên chế, tổ chức bộ máy, Bộ Tư pháp có 35 đơn vị (trong đó một số đơn vị sẽ nằm trong danh sách được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành), giảm được 1 đầu mối trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng vào Cục Kế hoạch – Tài chính. Đối với cấp phòng trong các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Tư pháp đã bám sát chủ trương của Đảng và giảm được 13 phòng (giảm 5 phòng khối các Vụ, giảm 6 phòng khối các Cục, giảm 2 phòng thuộc Văn phòng Bộ).
Để thực hiện các quy định của Nghị định 96, Vụ Tổ chức cán bộ dự kiến 4 nhóm nhiệm vụ. Cụ thể là phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị định 96; xây dựng, ban hành các văn bản, đề án nhằm thực hiện Nghị định 96; giao, tinh giản biên chế, sắp xếp, luân chuyển, điều động, giải quyết chế độ, chính sách đối với công chức, viên chức, người lao động theo yêu cầu nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức mới của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị định 96; xây dựng dự thảo Thông tư của Bộ Tư pháp hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan tư pháp địa phương.
Về dự thảo Đề án kiện toàn, qua nghiên cứu bước đầu, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Quang Thái nêu đề xuất giao các nhiệm vụ mới, phân định lại các nhiệm vụ đang giao cho các đơn vị theo tinh thần mà Thứ trưởng Hiếu đã phát biểu là “một việc chỉ do một đơn vị thực hiện, trong trường hợp có nhiều đơn vị phối hợp thực hiện thì có một đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính”. Đối với Cục Kế hoạch – Tài chính thì có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện quản lý thống nhất, toàn diện về công tác kế hoạch, thống kê; tài chính, kế toán; quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và đầu tư phát triển của Bộ Tư pháp. Việc kiện toàn tổ chức các đơn vị thuộc Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ đề xuất cắt giảm phòng hành chính – tổng hợp của các Vụ, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ vào 1 phòng chuyên môn; còn các Cục thì đề xuất cắt giảm/hợp nhất các phòng theo từng Cục…
Riêng nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính, Vụ Tổ chức cán bộ đưa ra 2 phương án hoặc giao thống nhất cho Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật hoặc vừa giao cho Vụ vừa giao cho Văn phòng Bộ (do có liên quan đến cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông). Tuy nhiên, đại diện Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật phân tích, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định Bộ Tư pháp là cơ quan được giao chủ trì, phối hợp với một số cơ quan thẩm định đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị định và thẩm định dự thảo luật, pháp lệnh, nghị định… Nội dung thẩm định bao gồm cả sự cần thiết, tính hợp lý và chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính trong dự thảo văn bản, nếu trong dự thảo văn bản có quy định thủ tục hành chính. Bởi thế, Vụ Các vấn đề chung kiến nghị đặt bộ phận làm nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính tại đơn vị gắn liền với công tác xây dựng pháp luật để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ ngay từ bước đầu tiên hình thành thủ tục hành chính.
Ý kiến bạn đọc