18:04 ICT Thứ bảy, 27/04/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 69738
    • Tháng hiện tại: 2791124
    • Tổng lượt truy cập: 31451815

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Một số bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thực hiện pháp luật về giải thể doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình

    Thứ năm - 05/10/2023 09:43

    Tóm tắt: Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ chỉ ra một số bất cập vướng mắc, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về giải thể doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Bình.

    1. Vướng mắc trong thực tiễn thực hiện pháp luật về giải thể doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
    Tỉnh Quảng Bình được đánh giá có cộng đồng doanh nghiệp hoạt động khá sôi nổi và năng động, hàng năm số lượng các doanh nghiệp đăng ký hoạt động mới đều tăng, tổng số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh tăng nhanh chóng.
    Tuy nhiên, xuất phát từ những nguyên nhân khách quan và chủ quan doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Bình không tránh khỏi quy luật cạnh tranh của thị trường ảnh hưởng trực tiếp hoạt động, sự tồn tại của doanh nghiệp và buộc phải rút lui khỏi thị trường, trong đó có không ít doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp.
    Quá trình thực hiện pháp luật về giải thể doanh nghiệp vẫn còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc sau đây:
    Thứ nhất, LDN năm 2020 quy định về điều kiện giải thể doanh nghiệp là  “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài”, tuy nhiên trên thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được điều kiện này để tiến hành thủ tục giải thể dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không thể làm thủ tục giải thể, minh chứng cho trường hợp này đó là một số doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Bình quá trình hoạt động kém hiệu quả dẫn tới thua lỗ, không có khả năng thanh toán các khoản nợ, công ty đã ngừng hoạt động trong một thời gian và không có khả năng để tiếp tục hoạt động, tình hình tài chính lâm vào tình trạng phá sản do số tài sản còn lại chủ yếu là nợ khó đòi, tài sản có giá trị không đáng kể khi số nợ phải trả quá lớn. Như vậy, trong trường hợp trên không thể áp dụng thủ tục giải thể đối với doanh nghiệp do không thể đảm bảo được nguồn tài sản đủ để thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định. Vì vậy để chấm dứt sự tồn tại các công ty này chỉ có thể thực hiện thủ tục phá sản.
    Thứ hai, thời gian tạm ngừng hoạt động quá hạn cho phép nhưng doanh nghiệp không tiến hành giải thể, một số công ty sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài, thời gian tạm ngừng hoạt động đã quá hạn cho phép, thậm chí nếu gia hạn thì cũng vượt quá thời hạn quy định cho phép đối với thủ tục thông báo tạm ngừng hoạt động hai lần liên tiếp là 02 năm nhưng công ty không tiến hành thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật, dẫn đến thất thoát về thuế, hơn hết là quyền lợi của người lao động bị xâm phạm.
    Thứ ba, mặc dù việc phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Bình về thủ tục giải thể doanh nghiệp được đánh giá khá tốt nhưng hiện nay chưa có một quy chế liên thông, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước, do vậy doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục giải thể còn phải cung cấp cùng một loại giấy tờ nhiều lần, tại nhiều cơ quan nhà nước khác nhau. Điều này gây ra sự mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.
    2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về giải thể doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Bình
    Để nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về giải thể doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Bình, tác giả đề xuất một số giải pháp cơ bản sau đây:
    Thứ nhất, nâng cao năng lực quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh
    Cần tăng cường phát huy vai trò, sức mạnh, năng lực của cơ quan Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Bình trong xây dựng, thực hiện chính sách pháp luật về giải thể doanh nghiệp với vị trí là cơ quan chuyên môn, đầu mối giúp việc cho UBND tỉnh thực hiện hoạt động quản lý nhà nước ở địa phương về doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao năng lực, khả năng phối hợp với các cơ quan có liên quan như cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm xã hội, Tòa án, Hải quan…để tạo nên sức mạnh tổng hợp trong thực hiện pháp luật giải thể doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước.
    Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về giải thể doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp đối với vấn đề này
    Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật dưới nhiều cách thức khác nhau giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định pháp luật để rút khỏi thị trường một cách có trật tự, cũng như nâng cao được trách nhiệm của doanh nghiệp trong vấn đề bảo vệ quyền lợi của người lao động.
    Doanh nghiệp cần thay đổi suy nghĩ, phong cách làm việc với cơ quan nhà nước, không nên giữ tâm lý ứng phó, ngại va chạm mà nên chủ động chia sẻ, yêu cầu hướng dẫn khi cần thiết, hợp tác thiện chí trên cơ sở đôi bên cùng có lợi. Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp cần có phương án tổ chức, quản lý kinh doanh hiệu quả, không ngừng đổi mới, cải tổ bộ máy, chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình thị trường. Đồng thời, phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, tránh để rơi vào các trường hợp giải thể bắt buộc.
    Về phía các cơ quan nhà nước, cần hợp tác, hướng dẫn doanh nghiệp để giúp doanh nghiệp có thể nâng cao nhận thức về thực thi pháp luật như tổ chức các cuộc gặp mặt, hội thảo, đối thoại, các chương trình bồi dưỡng, tập huấn cho doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình các năm qua các cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện khá nhiều các hoạt động để nhằm hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ như các hoạt động đối thoại, tọa đàm, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về doanh nghiệp trong khuôn khổ chương trình 585 của Bộ Tư pháp. Cùng với đó, cần tiếp tục đăng tải đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp trên cổng thông tin của cơ quan quản lý, giúp doanh nghiệp có thể nắm bắt, tìm kiếm thông tin liên quan một cách dễ dàng.
    Thứ ba, xây dựng quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính gắn liền với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan nhà nước
    Việc thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp hiện nay đã được thực hiện theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Do vậy, việc tổ chức thực hiện hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông có ý nghĩa, tầm quan trọng hàng đầu góp phần giảm bớt thời gian thực hiện quy trình giải thể doanh nghiệp. Cần tăng cường nghiên cứu, xây dựng phương án tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thông qua phương án đơn giản hóa, cắt giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Trong đó tập trung đơn giản hóa quy trình về kê khai và quyết toán thuế cho doanh nghiệp sau khi doanh nghiệp quyết định giải thể. Đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cho mỗi cán bộ, công chức liên quan đến quy trình thủ tục giải thể doanh nghiệp cũng phải thường xuyên nâng cao trình độ, trách nhiệm, thực hiện sáng tạo, hiệu quả, nhanh chóng quy trình, thủ tục đã tiếp nhận.[1]
    Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan chuyên ngành
    Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hơn nữa, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý cũng như chia sẻ dữ liệu giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế, cơ quan hải quan, cơ quan bảo hiểm xã hội để quy trình, quy chế liên thông thực sự có hiệu quả, nhằm giúp cho các cơ quan phối hợp giải quyết thủ tục giải thể một cách nhanh chóng.[2]
    Thứ năm, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giải thể doanh nghiệp
    Ngoài việc hoàn thiện bộ máy tổ chức của các cơ quan quản lý nhà nước, tăng cường năng lực quản lý điều cần thiết phải nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giải thể doanh nghiệp. Theo đó, cần tăng cường các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng nhằm nâng cao năng lực của đội ngũ này. Có kế hoạch sử dụng, bố trí nhân lực phù hợp với nguyên tắc dân chủ, minh bạch nhằm phát huy hết khả năng, tinh thần và trách nhiệm của người công chức./.
     

    [1]Hà Thị Ngọc Mai (2020) Pháp luật về giải thể doanh nghiệp và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Lạng Sơn, Luận văn Thạc sí Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, Tr. 72
    [2]Đặng Văn Hiệp (2020), Giải thể doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014 từ thực tiễn tại tỉnh Sơn La, Luận văn Thạc sĩ - Trường Đại học Luật Hà Nội, Tr.74

    Tác giả bài viết: ThS. Phan Thị Phương Huyền - Phó Trưởng khoa Đào tạo nghiệp vụ
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình