14:01 ICT Chủ nhật, 15/09/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 74959
    • Tháng hiện tại: 1939488
    • Tổng lượt truy cập: 52498783

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động khuyến mại ở Việt Nam hiện nay

    Thứ sáu - 25/08/2023 16:23

    ThS. Hoàng Thị Kim Cương
    Giảng viên Khoa Đào tạo cơ sở - Trường Cao đẳng Luật miền Trung
    Tóm tắt: Bài viết đề cập tới các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) trong hoạt động khuyến mại, phân tích, đánh giá thực trạng, từ đó, đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực này.
    Abstract: The article mentions to the regulations relating to the protection of consumers' interests in promotional activities, analyzes and assesses the current situation, thenceforth proposing solutions contributing to the improvement of the law in this field.
    1. Các quy định liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động khuyến mại
    NTD là đối tượng trực tiếp của hoạt động khuyến mại nói riêng cũng như các hoạt động thương mại nói chung trong nền kinh tế thị trường. Do vậy, vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực khuyến mại được đặt ra là cần thiết, trên thực tế, vấn đề này đã được quy định trong các văn bản pháp luật như: Luật Thương mại 2005, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010 và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các văn bản luật này.
    Luật Thương mại 2005 quy định điều chỉnh về các hoạt động thương mại trong đó bao gồm hoạt động khuyến mại. Tuy nhiên, hoạt động khuyến mại ở đây được điều chỉnh chủ yếu về các điều kiện để một sản phẩm khuyến mại được coi là hợp pháp, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, hình thức pháp lý về thoả thuận giữa các bên mà không có quy định riêng nào cho vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực khuyến mại. Vấn đề này, xuất phát từ đặc điểm phân ngành của pháp luật Việt Nam, các nhà làm luật chỉ xác định hoạt động khuyến mại phải tuân theo nguyên tắc chung của các hoạt động thương mại được ghi nhận tại Điều 14, Luật Thương mại 2005 “nguyên tắc bảo vệ lợi ích chính đáng của NTD”. Các nội dung cụ thể như quyền và nghĩa vụ của NTD, trách nhiệm của các chủ thể khuyến mại đối với NTD, giải quyết khiếu nại khiếu kiện của NTD… được quy định tập trung tại Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010 và quy định rải rác trong các văn bản pháp luật khác.
    Về nguyên tắc “bảo vệ lợi ích chính đáng của NTD”, Điều 14 Luật Thương mại 2005 quy định: “Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại có nghĩa vụ thông tin đầy đủ, trung thực cho NTD về hàng hoá và dịch vụ mà mình kinh doanh và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin đó; Thương nhân thực hiện hoạt động thương mại phải chịu trách nhiệm về chất lượng, tính hợp pháp của hàng hoá, dịch vụ mà mình kinh doanh”. Như vậy, với tư cách là một hoạt động thương mại, khuyến mại cũng phải chịu sự điều chỉnh của quy định này. Điều đó có nghĩa là, các thương nhân khi tiến hành hoạt động khuyến mại luôn phải coi việc bảo vệ lợi ích chính đáng của NTD là trách nhiệm của mình, đây là yếu tố mang tính đạo đức kinh doanh bắt buộc của các chủ thể thương mại.
    Nhằm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, lợi ích của các chủ thể kinh doanh và lợi ích của NTD, bên cạnh việc xây dựng nguyên tắc bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động thương mại, Luật Thương mại 2005 cũng quy định các hành vi khuyến mại bị cấm. Có thể thấy, việc quy định các hành vi khuyến mại bị cấm hướng đến bảo vệ lợi ích của các thương nhân, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh cũng bao hàm cả mục đích bảo vệ quyền lợi NTD. Trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt, các thương nhân phải dùng mọi cách thức, mọi thủ đoạn để giành thị phần của nhau. Sự cạnh tranh này suy cho cùng đều nhằm vào hành động mua sắm, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của NTD. Vì vậy, dù ở góc độ nào, NTD chắc chắn là đối tượng chịu ảnh hưởng của các biện pháp cạnh tranh. Việc nghiêm cấm các hành vi khuyến mại trên có ý nghĩa bảo đảm quyền lợi của các chủ thể kinh doanh, bảo đảm một môi trường kinh doanh lành mạnh, qua đó quyền lợi chính đáng của NTD cũng được bảo vệ.
    Tuy nhiên, chỉ quy định như trong Luật Thương mại 2005 là chưa đủ để bảo vệ quyền lợi NTD trong lĩnh vực khuyến mại. NTD chỉ thực sự được bảo vệ khi pháp luật quy định rõ họ có những quyền gì, cơ chế thực hiện quyền của NTD ra sao, trách nhiệm của các thương nhân khi quyền lợi của NTD bị xâm phạm như thế nào… Những vấn đề này được ghi nhận chung trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010và những văn bản pháp luật khác có liên quan.
    Bên cạnh những quy định chung, Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010 cũng chứa đựng những quy định nhằm bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động khuyến mại. Điều 10 đã quy định những hành vi bị cấm đối với các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phục vụ tiêu dùng. Luật này cũng quy định trách nhiệm “Bảo đảm cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về hàng hoá, dịch vụ được cung cấp” của bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin về hàng hoá, dịch vụ cho NTD (Điều 13).
    Trong lĩnh vực khuyến mại, NTD có quyền được cung cấp thông tin trung thực về chất lượng, giá cả, phương pháp sử dụng hàng hoá dịch vụ. Để chủ động bảo vệ quyền lợi của mình, NTD có quyền “yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết; khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của pháp luật” (Khoản 6, 7, Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi NTD 2010). Pháp luật còn cho phép NTD được thành lập tổ chức để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, NTD có thể trực tiếp hoặc thông qua tổ chức xã hội để bảo vệ quyền lợi hợp pháp khi bị xâm phạm.
    Để cụ thể hóa việc bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động khuyến mại thì Nghị định số 81/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/05/2018 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại. Theo đó, khuyến mại phải tuân theo các quy định pháp luật về nguyên tắc thực hiện khuyến mại; hạn mức tối đa giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại và mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại; các hình thức khuyến mại; thông báo, đăng ký, công bố, báo cáo kết quả, chấm dứt thực hiện khuyến mại (Mục 1, 2 và 3 Chương II).
    2. Một số nhận xét về thực trạng pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động khuyến mại ở Việt Nam
    Nhìn chung, vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động khuyến mại đã được các nhà làm luật nội luật hoá vào các quy phạm pháp luật. Trong đó, pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD và pháp luật khuyến mại khẳng định trách nhiệm tôn trọng quyền và lợi ích của NTD của thương nhân trong hoạt động cạnh tranh và xúc tiến thương mại nói chung; quy định trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động khuyến mại nói riêng. Các quy định về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể thương mại trong việc bảo vệ quyền lợi NTD khá đồng bộ và phù hợp với các yêu cầu trong “Bản hướng dẫn bảo vệ NTD” của Liên Hợp quốc.
    Sự tồn tại của các quy định này có tác dụng phối hợp điều chỉnh hoạt động khuyến mại qua đó đảm bảo quyền lợi hợp pháp của NTD. Các quy định trên bước đầu thể hiện tính toàn diện của pháp luật điều chỉnh hoạt động xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, pháp luật về vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động khuyến mại vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
    Thứ nhất, các quy định pháp luật về trách nhiệm thương nhân khuyến mại chưa thật sự đầy đủ để bảo đảm lợi ích của khách hàng
    Trong thực tế, khách hàng phải chịu thiệt thòi do những gian lận trong khuyến mại của thương nhân, do các sai sót kỹ thuật trong in ấn, tem phiếu vật phẩm có chứa đựng thông tin về lợi ích vật chất mà khách hàng được hưởng trong đợt khuyến mại. Ví dụ: Ông Lê Văn D. ở đường Hàng Kênh kể, khi một siêu thị trên đường Lê Hồng Phong quảng cáo giảm giá 45% cho máy giặt, ông vội đến mua thì được nhân viên trả lời:  “Chỗ cháu chưa bao giờ có loại ấy…”. Ông D. chìa tờ quảng cáo ra, lại nhận được câu: “Đấy là tờ rơi của cả hệ thống chú ạ”, ông bèn đi dạo một vòng, mới thấy những mặt hàng được rao khuyến mại “khủng” thì hoặc đã “hết”, hoặc là hàng lỗi. Còn chị H. ở đường Lạch Tray thì tâm sự, vì là chủ hiệu tạp hóa nên mỗi lần đi siêu thị, chị hay để ý giá bán của những mặt hàng chị đang kinh doanh. Điều lạ là lúc nào cũng thấy khuyến mại theo kiểu “giá cũ - giá mới”, trong đó phần ghi giá cũ đa phần là ảo, chị khẳng định chưa bao giờ được áp dụng, nhưng khiến người tiêu dùng ngộ tưởng là đang được mua hàng rẻ thật. Chị H. nói: “Khi hãng sản xuất có khuyến mại, đại lý chúng tôi cũng được hưởng, khuyến mại hay không tôi biết, cạnh tranh kiểu này là không lành mạnh”. Chung hoàn cảnh trên, chị N. ở ngõ Nam Pháp (Ngô Quyền) kể, vì là công nhân nên điều kiện thời gian và thu nhập hạn hẹp, gia đình chị thường xuyên sử dụng thực phẩm đông lạnh nhập khẩu, rẻ hơn so với hàng tươi sống. Mới đây khi vào một siêu thị, chị hí hửng vì thấy niêm yết giá “đùi tỏi gà” nhập khẩu chỉ có 35 nghìn/kg, nhưng khi thanh toán xong chị mới phát hiện cao hơn niêm yết gần 7 nghìn đồng/kg. Thắc mắc với nhân viên siêu thị, chị nhận được một lời “xin lỗi” do nhân viên sơ ý “in nhầm”, chị N. đem hóa đơn quay lại quầy hàng, hóa ra không chỉ đùi tỏi gà bị “in nhầm”, mà cả chân, cánh gà cũng bị như vậy, nhưng vì thiệt hại không nhiều nên chị cũng bỏ qua. Thêm nữa, một số siêu thị còn có biểu hiện trà trộn hàng tiêu chuẩn bán lẫn với hàng tồn kho, nếu khách hàng mua phải loại này, không những giá vẫn ngất ngưởng mà còn bị mất cả cơ chế bảo hành, vì là hàng “thanh lý”[1].
    Như vậy, một vấn đề đặt ra qua những thực trạng nêu trên đó là, pháp luật về khuyến mại hiện hành đã đủ các chế tài để quản lý hiệu quả các hành vi khuyến mại nêu trên? Luật thương mại 2005 có quy định “cấm hành vi khuyến mại thiếu trung thực hoặc gây hiểu lầm về hàng hoá, dịch vụ để lừa dối khách hàng”, tuy nhiên Luật quy định là một chuyện còn cơ chế để kiểm soát được các hành vi khuyến mại tương tự thì ở nước ta hiện nay còn chưa được quan tâm đúng mức. Do đó, các quy định của Nhà nước còn chưa đủ để có thể quản lý, kiểm soát hết được thực trạng các hoạt động khuyến mại không đảm bảo về  giá cả và chất lượng sản phẩm khuyến mại như hiện nay.
     
    Thứ hai, các quy định pháp luật còn chung chung, chưa đầy đủ
    Như đã trình bày, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD nói chung, về bảo vệ quyền lợi NTD trong hoạt động khuyến mại nói riêng, được quy định trong khá nhiều văn bản pháp luật khác nhau. Tuy nhiên, phần lớn các văn bản pháp luật này vẫn còn quy định một cách khá chung chung, rườm rà và khó tiếp cận về các quyền của NTD cũng như trách nhiệm của các bên liên quan trong hoạt động khuyến mại.
    Khi mua sắm một hàng hoá hoặc sử dụng một dịch vụ cụ thể, NTD thường không hiểu hết mình có những quyền và trách nhiệm gì khi tham gia giao dịch này. Vấn đề trách nhiệm của thương nhân với NTD chưa quy định cụ thể mà chỉ được xác định ở nguyên tắc chung; chưa quy định cụ thể quyền hạn, trách nhiệm của thương nhân, của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi nhận được các khiếu nại của NTD. Pháp luật hiện hành quy định về các chế tài xử lý vi phạm chưa chặt chẽ, dẫn đến khả năng đảm bảo thi hành các quy định về bảo vệ quyền lợi NTD là rất thấp. Pháp luật Việt Nam chưa cho phép các cơ quan bảo vệ NTD áp dụng các chế tài thể hiện tính đặc thù, phù hợp để phòng ngừa, răn đe như công bố công khai về hành vi vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng; buộc đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh… Thêm vào đó, mức xử phạt còn chưa tương xứng với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được.
    Về trình tự, thủ tục thực hiện khuyến mại, Luật Thương mại 2005 và Nghị định số 81/2018/NĐ-CP đã có những quy định hợp lý. Tuy nhiên, theo khoản 6 Điều 19 Nghị định số 81/2018/NĐ-CP thì cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi nhận hồ sơ đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại phải xem xét, xác nhận bằng văn bản về việc đăng ký thực hiện chương trình khuyến mại, trường hợp không xác nhận phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lí do. Nhưng luật lại không quy định các điều kiện để thương nhân có được sự xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và trong trường hợp bị từ chối xác nhận thì luật cũng không có quy định những quyền của thương nhân trong trường hợp này. Quy định như trên đã biến thủ tục “đăng ký” thành thủ tục “xin phép”. Như vậy sẽ hạn chế quyền tự do hoạt động khuyến mại của thương nhân, qua đó gián tiếp ảnh hưởng tới lợi ích của NTD[2].
    Thứ ba, để đảm bảo tính trung thực của thương nhân về giải thưởng trong chương trình khuyến mại mang tính may rủi, pháp luật quy định “thương nhân có nghĩa vụ thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo và cam kết với khách hàng”  là chưa đủ. Thực tiễn cho thấy, trong chương trình khuyến mại của bia Tiger “bật nắp chai trúng thưởng” với cơ cấu hai trăm ngàn giải thưởng, trong đó có 6 xe ôtô BMW của một công ty bia, không ai có thể chắc chắn rằng có đủ hai trăm ngàn giải thưởng với 6 nắp chai in hình BMW trong số sản phẩm được bán trong khuyến mại. Theo Cục Xúc tiến thương mại, trong tổng số 215 tỷ đồng giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân đăng ký chương trình khuyến mại, tổng số giá trị giải thưởng đã rất thấp, chỉ đạt 6 tỷ đồng chiếm 3% tổng số tiền dành cho khuyến mại đã đăng ký. Trong khi thương nhân vẫn tiêu thụ được hàng hóa mà số lượng giải thưởng đã trao quá ít như vậy, thì việc vi phạm nghĩa vụ thực hiện đúng chương trình khuyến mại đã thông báo là khả năng đã xảy ra. Vì vậy khó có thể kiểm soát tính trung thực của thương nhân khi thực hiện khuyến mại bằng hình thức này, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi khách hàng được đảm bảo[3].
    Thứ tư, theo Nghị định số 81/2018/NĐ-CP quy định chỉ có những chương trình khuyến mại mang tính may rủi thì đơn vị thực hiện khuyến mại phải đăng ký với cơ quan quản lý, còn các chương trình khuyến mại khác, đơn vị chỉ phải gửi thông báo tới cơ quan quản lý. Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước có thể gặp khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng tất cả các chương trình khuyến mại. Nhiều chương trình khuyến mại không nắm rõ vì thời gian khuyến mại ngắn, đơn vị khuyến mại nhỏ lẻ, hình thức khuyến mại ít. Khi cơ quan chức năng biết được thì chương trình khuyến mại đó đã kết thúc. Do đó, các cơ sở kinh doanh lợi dụng chương trình khuyến mại để đưa hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng gần hết hạn sử dụng vào tiêu thụ; tự ý nâng giá sản phẩm lên cao rồi thực hiện giảm giá nhằm đánh lừa tâm lý người tiêu dùng. Một số cửa hàng kinh doanh còn lợi dụng tâm lý muốn mua hàng giá rẻ của người dân để trà trộn sản phẩm cũ, hàng đã sản xuất từ nhiều năm, thậm chí là hàng đã qua sử dụng vào bán cùng với hàng mới…
    3. Các giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động khuyến mại
    3.1. Hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
    - Cần nghiên cứu để áp dụng cơ chế khởi kiện tập thể đối với các hành vi khuyến mại xâm hại quyền lợi NTD ở quy mô lớn, địa bàn rộng để NTD có điều kiện tập hợp các nguồn lực cần thiết theo đuổi vụ kiện. Bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, điều kiện, quy trình, cách thức tiến hành việc khởi kiện một cách cụ thể, chi tiết để tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật cho NTD. Đồng thời, để hỗ trợ cho việc khởi kiện tập thể, Nhà nước có thể nghiên cứu việc xây dựng quỹ khởi kiện tập thể, trong  đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần khi xây dựng quỹ, biến nó trở thành công cụ tài chính hữu ích để hỗ trợ cho việc khởi kiện tập thể nhằm đảm bảo quyền lợi NTD.
    - Bổ sung các quy định pháp luật cụ thể về việc phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương. Cần tăng cường hiệu lực cho quyết định giải quyết vụ việc của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương bằng việc sử dụng sức mạnh cưỡng chế của Nhà nước trong trường hợp quyết định không được thi hành. Pháp luật nên có quy định cho phép Cục Quản lý cạnh tranh có quyền xử lý vi phạm, có quyền yêu cầu Bộ Công thương ra quyết định cấm khuyến mại, lưu thông sản phẩm hàng hoá có mặt trên thị trường Việt Nam mà bị phát hiện có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ của NTD.
    3.2. Để bảo đảm tính trung thực về giải thưởng và chọn người trúng thưởng trong các chương trình khuyến mại mang tính may rủi, cần có giải pháp “tiền kiểm”, đồng thời bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân của thương nhân hoặc người đại diện hợp pháp của thương nhân và trách nhiệm cá nhân của người được giao tổ chức chương trình khuyến mại
    Pháp luật hiện hành quy định việc bốc thăm, trao giải thưởng được thực hiện với sự có mặt của đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền, những quy định này nếu được thực hiện tốt cũng chỉ có tác dụng đảm bảo tính khách quan khi chọn người trúng thưởng. Đối với việc kiểm soát cơ cấu, số lượng giải thưởng mà thương nhân đã đăng ký và công bố, pháp luật và cơ quan thực thi pháp luật đều khó mà kiểm soát được tính trung thực. Do vậy, cần có giải pháp “tiền kiểm” tức là có cơ chế kiểm soát chặt chẽ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực thương mại (Sở Công thương, cơ quan chuyên ngành của Bộ Công thương) từ khâu in ấn giải thưởng gắn vào sản phẩm đến khâu đưa đủ vào dây chuyền sản xuất. Có như vậy mới tránh được việc thương nhân gian lận khi thực hiện khuyến mại.
    Bên cạnh đó, ngoài việc quy định các nghĩa vụ của thương nhân, pháp luật cần bổ sung quy định buộc thương nhân hoặc người đại diện hợp pháp của thương nhân, người được giao trách nhiệm tổ chức chương trình khuyến mại phải chịu trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự về những hành vi gian lận, lừa dối khách hàng trong chương trình khuyến mại. Mặc dù chưa phải là giải pháp triệt để nhưng khi cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những gian lận về giải thưởng khuyến mại, nguyên tắc trung thực trong hoạt động khuyến mại sẽ được bảo đảm thực hiện tốt hơn.
    3.3.  Nâng cao trách nhiệm xã hội của thương nhân
    Văn hoá kinh doanh đang dần trở thành một yêu cầu và đòi hỏi tất yếu trong điều kiện kinh tế thị trường văn minh, hiện đại. Thương nhân kinh doanh có văn hoá là kinh doanh có mục đích và phương pháp để cùng đạt tới giá trị chân, thiện, mỹ trong kinh doanh[4]. Đạo đức để trung thực với NTD và văn hoá để ứng xử thoả đáng đối với “thượng đế”. Xin lỗi cũng là văn hoá kinh doanh dù rằng không bù đắp lại được những thiệt hại cho NTD, nhưng chắc hẳn sẽ làm “thượng đế” vừa lòng hơn.[5] Vì vậy, trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh và khốc liệt hơn lúc nào hết thương nhân phải thể hiện được văn hoá kinh doanh và đạo đức nghề nghiệp, có như vậy mới giữ được uy tín lâu dài trong lòng dân chúng.
    3.4. Xây dựng cơ chế tự vệ cho người tiêu dùng
    - Pháp luật không thể coi NTD như một đối tượng được bảo vệ một cách thụ động mà cần kích thích và trao đổi cho từng cá thể NTD khả năng tự bảo vệ một cách hiệu quả. Để khẳng định được vị thế và sức mạnh của tập thể NTD trước giới thương nhân, đồng thời cũng là trách nhiệm bảo vệ những quyền và lợi ích chính đáng của mình, cần tăng cường tuyên truyền và cung cấp thông tin cho NTD; nâng cao nhận thức của NTD trong việc hiểu và thực hiện các quyền của NTD, hãy là những “NTD thông thái”.
    - Hoạt động tuyên truyền cần đa dạng và thực hiện đan xen với các hoạt động khác nhằm tăng cường hiệu quả của việc cung cấp thông tin. Hiện tại, Cục Quản lý Cạnh Tranh đã vận hành chính thức Hệ thống tiếp nhận phản ánh của NTD qua điện thoại (Call Center - 1800 6838), đồng thời, đưa Trang thông tin điện tử về bảo vệ quyền lợi NTD (bvntd.vca.gov.vn) đi vào hoạt động. Đây là những hoạt động hết sức cần thiết không chỉ giúp NTD, cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu các quy định của pháp luật, phản ánh các thắc mắc mà còn là một kênh thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan cũng như các tổ chức tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD./.
     

    [1] https://thanhphohaiphong.gov.vn/gian-lan-vat-van-hoa-buon-trong-kinh-doanh-ky-2-khuyen-mai-ao-thoi-hien-dai.html
    [2] Theo http://www.dankinhte.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-thong-qua-cac-quy-dinh-ve-khuyen-mai-va-quang-cao-thuong-mai-duoi-goc-do-luat-thuong-mai/
    [3] Xem Pháp luật về xúc tiến thương mại ở Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, SĐD, trang 115
    [4] Hoàn chỉnh thể chế xây dựng văn hóa doanh nhân, đăng tải trên Website Trung tâm Văn hóa doanh nhân, ngày 20/12/2006
    [5] Xem: Sữa tươi và văn hóa kinh doanh của Minh Quang trên VnEspress ngày 25/10/2006

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình