23:38 ICT Thứ bảy, 21/12/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 118974
    • Tháng hiện tại: 2377348
    • Tổng lượt truy cập: 65306445

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Yêu cầu của việc hoàn thiện pháp luật trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

    Thứ tư - 23/10/2024 09:47

    ThS. Phan Thị Phương Huyền - Khoa Đào tạo nghiệp vụ
    Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư kết hợp các công nghệ (thông tin, điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu) lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học. Điều này mang lại những biến chuyển sâu sắc về xã hội. Do những tác động xã hội to lớn, nên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng có những ảnh hưởng trực tiếp đến pháp luật - một hiện tượng xã hội. Các ảnh hướng đó có thể kể đến là sự thay đổi về không gian, về thời gian; thay đổi về chủ thể pháp lý, về hành vi pháp luật. Chính vì vậy một trong những yêu cầu cấp bách trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệp 4.0 là xây dựng, đổi mới và hoàn thiện chính sách, pháp luật nhằm đáp ứng được những yêu cầu mới, vừa giúp cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước tận dụng được các thành tựu của công nghệ để thúc đẩy sự phát triển các hoạt động kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa xử lý, quản trị được những rủi ro, thách thức phát sinh từ quá trình ứng dụng các loại công nghệ mới này. Để hoàn thiện được pháp luật trong bối cảnh trên cần đặt ra những yêu cầu cơ bản như:
    Thứ nhất, đổi mới tư duy và kỹ thuật lập pháp để pháp luật điều chỉnh kịp thời các quan hệ dân sự - kinh tế phát sinh dưới tác động của CMCN 4.0, bảo đảm các quy phạm pháp luật có đủ khả năng kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra trong tương lai.[1]
    Hiện nay, tốc độ toàn cầu hóa và phát triển khoa học và công nghệ đã làm cho nhiều khía cạnh của đời sống xã hội thay đổi theo “cấp số nhân” và không theo thứ tự tuần tự như trước mà có những bước nhảy vọt. Để quản trị tốt quốc gia và quản lý phát triển xã hội trong thời đại hiện nay, hệ thống pháp luật phải được hoàn thiện liên tục, kịp thời. Điều này đòi hỏi sự đổi mới nhất định trong tư duy pháp lý và công nghệ lập pháp nhằm giúp cho hệ thống pháp luật trong những trường hợp nhất định phải có tính đi trước, đón đầu cho các hoạt động kinh tế - xã hội.
    Không giống như tốc độ phát triển của công nghệ, pháp luật được ban hành theo quy trình rất chặt chẽ với tốc độ thường khó theo kịp với những diễn biến nhanh chóng trong quá trình đổi mới sáng tạo công nghệ. Thách thức đặt ra ở đây là làm sao tạo được sự cân bằng giữa yêu cầu bảo đảm tính phổ quát, sự cân bằng lợi ích, tính ổn định của các đạo luật với khả năng phản ứng nhanh chóng với các vấn đề mới đang liên tục phát sinh từ CMCN 4.0.
    Thứ hai, việc hoàn thiện pháp luật phải đảm bảo tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng nhất có thể để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa.
    Xu thế toàn cầu hóa và CMCN 4.0 đã tạo ra sự tương tác và giao lưu giữa các quốc gia với nhau giúp thế giới “phẳng hơn”, gắn kết chặt chẽ hơn so với trước đây và sự gia tăng ảnh hưởng của các chuẩn mực quốc tế đối với việc hoàn thiện pháp luật quốc gia. Điều này đặt ra các quốc gia trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình phải tính toán đầy đủ hơn các yếu tố hội nhập quốc tế và thích ứng với cuộc CMCN 4.0. Trong điều kiện các quốc gia đều mong muốn có nhiều hơn các nguồn lực cho sự phát triển của mình, nhất là các nguồn lực về vốn đầu tư, nhân lực chất lượng cao, các ý tưởng sáng tạo có giá trị…việc hoàn thiện pháp luật phải bảo đảm cho quốc gia mình trở thành điểm đến hấp dẫn cho các dòng vốn đầu tư, cho đội ngũ nhân tài và nhân lực chất lượng cao, đích đến hấp dẫn của những ý tưởng đổi mới sáng tạo có giá trị cũng như của những công nghệ tiên tiến.
    Thêm vào đó, dưới tác động của CMCN lần thứ tư, trong điều kiện TMĐT không chỉ diễn ra trong phạm vi nội địa mà nhiều hoạt động TMĐT xuyên biên giới xuất hiện, các quy định của pháp luật cũng phải tiên lượng và xử lý các vấn đề phát sinh từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới. Thực tiễn Việt Nam cho thấy, không ít doanh nghiệp và cá nhân đang thực hiện việc quảng bá, bán sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trên các sàn TMĐT mà đơn vị quản lý sàn không có sự hiện diện tại Việt Nam. Khi phát sinh vấn đề trong quá trình giao dịch, việc liên hệ với chủ thể cung cấp dịch vụ để giải quyết gặp nhiều khó khăn.
    Thứ ba, pháp luật cần được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh tế nhanh chóng, kịp thời dưới tác động của CMCN 4.0
    Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc ứng dụng các công nghệ mới có thể nảy sinh những vấn đề mới chưa được pháp luật hiện hành điều chỉnh chẳng hạn như các tranh chấp liên quan tới mua bán, chuyển nhượng tài sản mã hóa, tài sản tài sản kỹ thuật số…Trong thực tế, việc chia sẻ những thông tin vi phạm quyền và lợi ích của người khác trên nền tảng mạng xã hội như Youtube, Facebook v.v..diễn ra khá phổ biến đang đặt ra yêu cầu đặt thêm trách nhiệm pháp lý đối với các chủ nền tảng mạng xã hội này.
    Thêm vào đó, do sự bất cập của pháp luật thành văn, nhiều trường hợp, thẩm phán không thể tìm được quy phạm pháp luật hiện hành để giải quyết vụ việc phát sinh mà mình có trách nhiệm giải quyết. Khi này, việc thẩm phán hoặc tòa án có cơ hội sáng tạo ra các án lệ sẽ trở nên thường xuyên hơn. Đây sẽ là điểm rất khác biệt so với tư duy pháp lý truyền thống của Việt Nam.
    Ngoài ra, các loại hình kinh doanh mới đều có khả năng tạo ra sự lạm dụng quy định pháp luật, cần có sự rà soát các quy định pháp luật hình sự để sửa đổi, bổ sung các quy định cần thiết.
    Việc ứng dụng công nghệ của CMCN 4.0 cũng mở ra cơ hội áo dụng cơ chế GQTC trực tuyến (trong đó có cơ chế tòa án trực tuyến, trọng tài trực tuyến, hòa giải trực tuyến) mà pháp luật hiện hành có thể chưa dự liệu đầy đủ.
    Thứ tư, việc hoàn thiện pháp luật dưới tác động của CMCN 4.0 cũng phải góp phần bảo đảm cho các chủ thể đổi mới sáng tạo yên tâm thực hiện công việc đổi mới sáng tạo của mình. Trong điều kiện của CMCN 4.0, tiềm năng sáng tạo của con người có thể được giải phóng mạnh mẽ. Tuy nhiên, mọi ý tưởng sáng tạo, khi đi vào áp dụng trong đời sống đều có thể có những rủi ro nhất định. Do đó, trong quá trình hoàn thiện thể chế, rất cần lưu ý tới yêu cầu bảo đảm an toàn hoặc xác định đúng mức khả năng gánh chịu rủi ro của chủ thể có ý tưởng đổi mới sáng tạo. Có như thế, pháp luật mới đủ khả năng bảo vệ những chủ thể “dám nghĩ, dám làm” mà không xâm hại tới lợi ích chung.
    Thứ năm, Các hệ thống ứng dụng công nghệ 4.0 là các hệ thống ứng dụng được xây dựng và vận hành trên phạm vi toàn cầu, có tác động ở mọi cấp độ (quốc tế, khu vực, quốc gia, địa phương) trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt đối với các quyền con người. Ví thế, chỉ pháp luật quốc gia là chưa đủ, mà cần phải có hệ thống quy tắc toàn cầu và khu vực để có cơ chế chung, phối hợp trong việc giải quyết các vấn đề đặt ra của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Điều này cũng có nghĩa các quốc gia cần phải tích cực chia sẻ, trao đổi và chủ động tham gia thảo luận quốc tế, khu vực, đa phương và song phương để thúc đầy các cơ chế chung, phối hợp, hợp tác và chia sẻ giữa các quốc gia./.[2]


    [1] TS Nguyễn Văn Cương, Những yêu cầu đặt ra đối với bộ, ngành tư pháp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tài liệu lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiên cứu, tham mưu hoạch định chính sách trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thực hiện chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền tr.31.
    [2] https://truongchinhtri.baria-vungtau.gov.vn/article?item=5411b59466867d732dbde77378153060#:~:text=T%E1%BB%AB%20cu%E1%BB%99c%20C%C3%A1ch%20m%E1%BA%A1ng%20nghi%E1%BB%87p,lu%E1%BA%ADt%20s%E1%BB%9F%20h%E1%BB%AFu%20tr%C3%AD%20tu%E1%BB%87%E2%80%A6

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình