08:21 ICT Thứ bảy, 05/10/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 60938
    • Tháng hiện tại: 676711
    • Tổng lượt truy cập: 55370709

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Xác minh điều kiện thi hành án dân sự. Một số lưu ý khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án dân sự

    Thứ sáu - 26/03/2021 07:40

    Nguyễn Thị Hương - Khoa Đào tạo Nghiệp vụ
    Thi hành án dân sự (THADS) có vai trò quan trọng trong hoạt động tư pháp nói chung và quá trình giải quyết vụ án nói riêng. Bản án, Quyết định của Tòa án… chỉ thực sự có giá trị khi được thi hành trên thực tế. Thông qua hoạt động THADS bảo đảm cho bản án, quyết định của Tòa án được chấp hành, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và lợi ích của Nhà nước. Trong quá trình tổ chức thi hành án dân sự, xác minh điều kiện thi hành án là một thủ tục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là một trong những bước tác nghiệp của Chấp hành viên, giúp Chấp hành viên có cơ sở để đề ra biện pháp thi hành án phù hợp đối với từng vụ việc.
    1. Khái niệm xác minh điều kiện thi hành án
    Theo Từ điển tiếng Việt thì “xác minh” có nghĩa là “làm cho rõ sự thật qua thực tế và chứng cớ cụ thể”[1]. Như vậy, xác minh là tìm hiểu, thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ từ những sự việc, hiện tượng xảy ra trong thực tế cuộc sống bằng những cách khác nhau để làm sáng tỏ sự thật về một vấn đề nào đó. Xác minh điều kiện thi hành án là việc “Chấp hành viên, các bên đương sự thực hiện nhằm tìm kiếm, khẳng định các thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án để làm căn cứ tổ chức thực hiện việc thi hành án theo quy định của pháp luật”.
    Thật vậy, quá trình THADS phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục và trải qua nhiều giai đoạn thi hành án, trong đó xác minh điều kiện thi hành án là một trong những thủ tục có vai trò quan trọng nhất. Theo đó, kết quả xác minh là cơ sở để Chấp hành viên (CHV) thuyết phục đương sự thi hành án, là cơ sở để Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra các quyết định ủy thác, đình chỉ thi hành án hay để CHV lựa chọn biện pháp cưỡng chế thi hành án thích hợp. Có thể nói, xác minh điều kiện thi hành án là căn cứ để CHV tiếp tục các tác nghiệp khác. Trong quá trình tổ chức thi hành các bản án, quyết định, đòi hỏi CHV cần thiết phải nắm vững cơ sở pháp lý của việc xác minh, kỹ năng xác minh và xử lý kết quả xác minh phù hợp với quy định của pháp luật về THADS. Căn cứ kết quả xác minh thi hành án, CHV cơ quan THADS sẽ xác định và phân loại án một cách chính xác. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án thì CHV lựa chọn biện pháp tổ chức thi hành án phù hợp.
    Về cơ sở pháp lý, xác minh điều kiện THADS được quy định tại Điều 44 Luật THADS về xác minh điều kiện thi hành án (đây là một trong những điều luật được thay đổi khá toàn diện so với quy định trước đó), đồng thời vấn đề này được hướng dẫn và quy định chi tiết tại Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, khoản 6 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP và Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 quy định một số vấn đề về thủ tục THADS và phối hợp liên ngành trong THADS.
    Có thể thấy rằng, mặc dù Luật THADS không đưa ra khái niệm xác minh điều kiện thi hành án, nhưng vấn đề này đã được “luật hóa” trong các văn bản hướng dẫn thi hành tương đối cụ thể. Theo đó, việc xác minh điều kiện thi hành án theo Luật sửa đổi, bổ sung là thuộc về trách nhiệm của CHV, chi phí xác minh do Ngân sách Nhà nước chịu. Ngoài ra, trong những vụ việc do Văn phòng Thừa phát lại tổ chức thi hành án, thì Thừa phát lại sẽ là người có trách nhiệm tổ chức xác minh điều kiện thi hành án. Bên cạnh đó, để khuyến khích người được thi hành án tích cực, chủ động trong việc cung cấp thông tin, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án nhà nước sẽ miễn, giảm phí thi hành án. Khi người được thi hành án cung cấp thông tin điều kiện về tài sản của người phải thi hành án mà cơ quan thi hành án có thể thể tiến hành xử lý tài sản đó để đảm bảo việc thi hành án thì họ sẽ được miễn, giảm phí thi hành án tương ứng với số tiền hoặc tài sản thu được từ thông tin mà họ cung cấp cho cơ quan thi hành án.
    Qua phân tích trên, có thể đưa ra khái niệm xác minh điều kiện thi hành án như sau: “Xác minh điều kiện thi hành án là thủ tục quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành án, do Chấp hành viên, Thừa phát lại hoặc người được thi hành án thực hiện nhằm thu thập, xác định thông tin về tài sản, thu nhập, địa chỉ, các điều kiện thi hành án khác của người phải thi hành án và các thông tin khác có liên quan làm cơ sở cho việc tổ chức thi hành án”.
    2. Nội dung xác minh điều kiện thi hành án
    2.1. Chủ thể và thời điểm tiến hành xác minh điều kiện thi hành án
    Chủ thể được quyền xác minh, tiếp cận thông tin tài sản của người phải thi hành án bao gồm:
    (i) Người được thi hành án hoặc người khác do người được thi hành án ủy quyền (khoản 5 Điều 44 Luật THADS);
    (ii) CHV cơ quan THADS (khoản 1 Điều 44 Luật THADS);
    (iii) Thủ trưởng cơ quan THADS (Điều 4 Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BTP-BTC-BLĐTBXH-NHNNVN ngày 14/01/2014 hướng dẫn việc cung cấp thông tin về tài khoản, thu nhập của người phải thi hành án và thực hiện phong tỏa, khấu trừ để THADS).
    Chủ thể chính có trách nhiệm xác minh theo Luật THADS là Chấp hành viên. Quy định này thông nhất với quy định tại Điều 20 Luật THADS. Bên cạnh đó, theo Điều 30 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24/7/2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 135/2013/NĐ-CP ngày 18/10/2019) thì Thừa phát lại cũng có thẩm quyền xác minh điều kiện thi hành án.
    Về thời điểm xác minh thi hành án, theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì CHV tiến hành xác minh. Như vậy, thời điểm tiến hành xác minh trong các trường hợp thông thường được xác định sau khi kết thúc thời hạn tự nguyện thi hành án. Trường hợp thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì phải tiến hành xác minh ngay.
    Đối với trường hợp xác minh theo định kỳ, trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần, Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Việc xác minh lại được tiến hành khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
    Khoản 5 Điều 44 Luật THADS quy định Người được thi hành án có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho người khác xác minh điều kiện thi hành án, cung cấp thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự.
    Trường hợp Chấp hành viên thấy cần thiết hoặc kết quả xác minh của Chấp hành viên và người được thi hành án khác nhau hoặc có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân thì phải xác minh lại. Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
    2.2. Nguồn thông tin xác minh
    Khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án, trước hết cần xác định nguồn thông tin cần xác minh để đi đúng trọng tâm vụ việc. CHV có thể khai thác, tìm kiếm thông tin về điều kiện thi hành án qua các nguồn như: Nghiên cứu bản án, quyết định; xác minh qua người phải thi hành án theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS; xác minh quan người được thi hành án; xác minh qua các nguồn cung cấp thông tin khác.
    Căn cứ vào tính chất mỗi vụ việc, CHV có thể khai thác nguồn thông tin khác nhau: xác minh qua Ủy ban nhân dân và công công an nhân dân cấp xã; qua người thân, bạn bè, đối tác, bạn hàng hoặc tổ trưởng tổ dân phố của người phải thi hành án, tìm kiếm thông tin qua các tổ chức tín dụng hay ngân hàng, các cơ quan nhà nước có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội (Mặt trận Tổ quốc, Hội phụ nữ, Hội Cựu chiến binh...). Đối với các vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, CHV có thể tìm kiếm thông tin từ cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về doanh nghiệp như Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch đầu tư, Phòng  Tài chính – Kế toán thuộc ỦY ban nhân dân cấp huyện[2], qua cơ quan thế, qua mạng internet... Có thể thấy, nguồn thông tin xác minh rất đa dang, tuy nhiên cần lựa chọn những nguồn thông tin nào phù hợp với từng vụ việc nhằm mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là xác định lại người có trách nhiệm trong việc cung câp thông tin.
    2.3. Thành phần và nội dung xác minh
    Việc xác định thành phần tham gia xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, phải căn cứ vào từng vụ việc cụ thể. Thông thường thành phần tham gia xác minh bao gồm lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp xã, cán bộ tư pháp, tổ trưởng tổ dân phố hoặc cảnh sát khu vực và tùy vào các vụ việc khác nhau, đặc điểm nhân thân và tài sản của người phải thi hành án mà có thể mời thêm sự tham gia của hội phụ nữ, hội nông dân, hội cựu chiến binh, đại diện...[3]. Trong trường hợp, việc xác minh tài sản của người phải thi hành án liên quan đến những tài sản liên quan đến công trình xây dựng, quyền sử dụng đất thì ngoài các chủ thể nêu trên thì cần phải có cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực này tham gia, đểm đảm bảo sau khi tiến hành xác minh điều kiện thi hành án sẽ cho ra một kết quả xác minh hoàn toàn chính xác.
    Ngoài việc xác định đúng thành phần tham gia xác minh điều kiện thi hành án, CHV cần xác định đúng nội dung như sau: Xác minh nhân thân của người phải thi hành án, xác minh tài sản của người phải thi hành án (có những tài sản nào, tài sản chung, tài sản riêng, tài sản có giá trị...), xác minh các khoản thu nhập hợp phát của người phải thi hành án, xác minh quan điểm của chính quyền địa phương và các điều kiện khác.
    2.4. Tiến hành xác minh
    Bước 1: Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án tự kê khai thông tin về điều kiện thi hành án
    Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS thì người phải thi hành án phải kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan thi hành án dân sự và phải chịu trách nhiệm về việc kê khai của mình.
    Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể như sau: Khi tiến hành xác minh, Chấp hành viên yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
    Chấp hành viên phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án.
    Trường hợp người phải thi hành án không kê khai hoặc phát hiện việc kê khai không trung thực thì tùy theo mức độ vi phạm, Chấp hành viên có thể xử phạt hoặc đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
    Bước 2: Chấp hành viên trực tiếp xác minh
    Theo quy định tại khoản 4 Điều 44 Luật THADS, khi xác minh điều kiện thi hành án, Chấp hành viên có trách nhiệm sau đây:
    - Xuất trình thẻ Chấp hành viên;
    - Xác minh cụ thể tài sản, thu nhập, các điều kiện khác để thi hành án; đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì còn phải xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó;
    - Trường hợp xác minh bằng văn bản thì văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác;
    - Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì Chấp hành viên trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án;
    - Yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết;
    - Lập biên bản thể hiện đầy đủ kết quả xác minh có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh.
    Bước 3: Ra quyết định về việc xác minh điều kiện thi hành án
    Việc ra quyết định về việc xác minh điều kiện thi hành án căn cứ vào khoản 3, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, cụ thể: trường hợp chưa xác định được địa chỉ và tài sản của người phải thi hành án hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án mà theo bản án, quyết định họ phải tự mình thực hiện nghĩa vụ thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án. Quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án phải ghi rõ việc thi hành án bị hoãn.
    Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xác định có căn cứ người phải thi hành án không có khả năng thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án.
    Bước 4: Tiến hành xác minh lại khi nhận được văn bản cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án
    Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 62/2015/NĐ-Cp quy định, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh.
    Sau khi có quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án, nếu người phải thi hành án có điều kiện thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định tiếp tục thi hành án.
    Bước 5: Cơ quan thi hành án chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án
    Theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP thì cơ quan thi hành án dân sự chuyển sang sổ theo dõi riêng đối với việc chưa có điều kiện thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi có đủ các điều kiện sau:
    - Đã hết thời hạn 02 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án đối với trường hợp người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án hoặc đã hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án;
    - Đã xác minh ít nhất hai lần theo quy định tại Khoản 2 Điều 44 Luật THADS;
    - Không có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
    Việc thi hành án chưa có điều kiện được thống kê riêng để theo dõi. Khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì Chấp hành viên tiến hành xác minh và tổ chức thi hành án.
    II. MỘT SỐ LƯU Ý KHI TIẾN HÀNH XÁC MINH ĐIỀU KIỆN THI HÀNH ÁN
    Thứ nhất, trường hợp xác minh trực tiếp
    Trong đa số trường hợp thì CHV đều phải xác minh trực tiếp. Việc xác minh trực tiếp đòi hỏi CHV phải xác minh cụ thể hiện trạng tài sản, điều kiện kinh tế, thu nhập của người phải thi hành án, không chỉ căn cứ vào nội dung trình bày của đương sự hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã. Xác minh trực tiếp, cụ thể là vô cùng quan trọng bởi lẽ CHV sẽ khó mà quyết định được việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nào hoặc sẽ kê biên tài sản nào nếu tài sản được xác minh thuộc sở hữu riêng hay sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác, tài sản là động sản hay tài sản là bất động sản của người phải thi hành án hoặc khi đã kê biên tài sản chung của người phải thi hành án CHV sẽ kê biên toàn bộ hay chỉ kê biên phần tài sản có giá trị tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án.
    Ví dụ:
    Bản án tuyên A phải trả nợ cho B số tiền 500 triệu đồng. Sau khi ra quyết định thi hành án theo yêu cầu của B, qua xác minh tại Ủy ban nhân dân xã, CHV được biết A không có tài sản nào khác ngoài nhà và đất thuộc sở hữu chung của A và D (D là vợ của A). Trong trường hợp này, để tiến hành kê biên tài sản là nhà và đất thuộc sở hữu chung của vợ chồng A, D thì CHV không thể chỉ căn cứ vào xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã là ngôi nhà đó có diện tích bao nhiêu, thuộc số ô, số thửa thế nào, người đứng tên sở hữu, sử dụng là ai mà CHV còn phải nắm rõ diện tích theo giấy chứng nhận và diện tích thực tế ra sao, có phần nào hợp pháp và phần nào không hợp pháp, có thế chấp chuyển nhượng hay không, là tài sản riêng hay tài sản chung, ngôi nhà trên thửa đất đó có phân chia được không, mặt tiền là bao nhiêu mét, nếu phân chia thì có làm ảnh hưởng đến giá trị sử dụng của nó hay không để CHV quyết định sẽ kê biên toàn bộ hay chỉ kê biên phần tài sản đủ để đảm bảo thi hành án của A. Như vậy, muốn có quyết định chính xác, đòi hỏi CHV phải xác minh trực tiếp, cụ thể hiện trạng tài sản đó.
    Thứ hai, trường hợp xác minh bằng văn bản
    Trong trường hợp yêu cầu xác minh bằng văn bản thì CHV lưu ý văn bản yêu cầu xác minh phải nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác, hướng tới mục đích cần xác minh, tránh trường hợp văn bản yêu cầu xác minh không rõ ràng, dẫn đến kết quả trả lời của cơ quan có thẩm quyền không đạt được mục đích như CHV mong muốn.
    Ví dụ:
     Khi xác minh tài sản là quyền sử dụng đất là tài sản có đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thì CHV có thể làm văn bản đề nghị Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất của địa phương nơi có tài sản cung cấp thông tin. Tuy nhiên, do văn bản yêu cầu chỉ nêu đề nghị cung cấp thông tin chung chung hoặc đề nghị cung cấp thông tin tài sản đó có phải do đương sự Nguyễn Văn A đứng tên chủ sử dụng không mà không đề nghị cung cấp thông tin cụ thể khác thì có thể quyền sử dụng đất đã bị thế chấp nhưng không được cung cấp, dẫn đến việc xử lý sau này của CHV không chính xác.
    Thứ ba, trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức
    Trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì CHV xác minh như thế nào cũng là một trong những vấn đề mà nhiều CHV còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Luật THADS đã quy định trong trường hợp người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì CHV cần trực tiếp xem xét tài sản, sổ sách quản lý vốn, tài sản; xác minh tại cơ quan, tổ chức khác có liên quan đang quản lý, bảo quản, lưu giữ thông tin về tài sản, tài khoản của người phải thi hành án.
    Để đảm bảo có thông tin hữu ích, trong những trường hợp này, CHV cần yêu cầu cơ quan chuyên môn như cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh, trung tâm lưu ký chứng khoán (đối với người phải thi hành án là công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường)… để làm rõ các nội dung cần xác minh.
    CHV cũng cần lưu ý là trong nhóm chủ thể người phải thi hành án là cơ quan, tổ chức thì phổ biến nhất là doanh nghiệp. Đối với loại chủ thể là doanh nghiệp này thì cần xác minh về vốn và tài sản của doanh nghiệp, bao gồm: cấu trúc vốn, thủ tục và điều kiện góp vốn, chuyển nhượng vốn, việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của doanh nghiệp, điều kiện và thủ tục huy động vốn, chế độ trách nhiệm, tài sản của doanh nghiệp...Từ việc xác minh được tài sản của doanh nghiệp đang hiện hữu có thể sử dụng, định đoạt như thế nào, trách nhiệm tài sản của doanh nghiệp đến đâu để CHV có định hướng xử lý tài sản của doanh nghiệp đảm bảo thi hành án.
    Thứ tư, yêu cầu cơ quan chuyên môn hoặc mời, thuê chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh trong trường hợp cần thiết
    Tùy trường hợp cụ thể, việc mời các cơ quan chuyên môn, chuyên gia để làm rõ các nội dung cần xác minh là rất cần thiết và là cơ sở để ra các quyết định về thi hành án tiếp theo.
    Ví dụ:
    Sau khi xác minh, CHV thấy rằng diện tích đất được cấp theo giấy chứng nhận của người phải thi hành án là 2000m2 nhưng số liệu đo đạc để cấp sổ là không chính xác, bị thiếu 150m2 so với thực tế. Bên cạnh đó, người phải thi hành án đã lấn chiếm đất hành lang an toàn giao thông và lấn chiếm đất sang bên cạnh, nên tổng diện tích đất thực tế người phải thi hành án đang sử dụng là 2700m2. Trong trường hợp này, CHV không thể tiến hành ngay việc kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án mà phải liên hệ với Ủy ban nhân dân huyện, Sở Tài nguyên và môi trường và có thể còn phải xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét việc xử lý như thế nào đối với 700m2 đất chênh lệch do lấn chiếm và 150 m2 đất cấp thiếu, xác định ranh giới ra sao, quyền và nghĩa vụ của người phải thi hành án và của người mua được tài sản trúng đấu giá (trong trường hợp kê biên, bán đấu giá tài sản để đảm bảo việc thi hành án)… Sau khi có ý kiến thống nhất mới thực hiện việc xử lý tài sản theo quy định của pháp luật.
    Thứ năm, biên bản xác minh
    - Ghi biên bản xác minh
    Ghi biên bản xác minh là công việc rất quan trọng vì đó sẽ là cơ sở, là căn cứ của việc ra các quyết định về thi hành án và tổ chức thi hành án. Biên bản xác minh cần đảm bảo các yêu cầu sau:
    + Ghi chép các thông tin theo đúng mẫu số D36-THADS ban hành theo Thông tư số: 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 của Bộ Tư pháp về: thời gian; địa điểm; thành phần; kết quả xác minh; chữ ký của CHV, người ghi biên bản và của những người tham gia. 
    + Về kết quả xác minh cần đảm bảo: Thể hiện đầy đủ các yêu cầu của CHV và nội dung trả lời của đối tượng xác minh, tài liệu kèm theo làm căn cứ (nếu có). Văn phong rõ ràng, trong sáng; không dùng từ khó hiểu, từ địa phương; câu văn phải ngắn gọn, dễ hiểu và phải sử dụng đúng các thuật ngữ pháp lý. Biên bản không được tẩy xóa tùy tiện; nếu có tẩy xóa thì cần có chữ ký xác nhận của các thành phần tham gia ở bên lề của dòng bị tẩy xóa; gạch bỏ những phần còn trống để tránh việc ghi thêm vào biên bản sau khi xác minh.
    Thứ sáu, về nội dung mới trong biên bản xác minh
    Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật THADS và khoản 1 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, khi CHV tiến hành xác minh điều kiện thi hành án sẽ yêu cầu người phải thi hành án kê khai trung thực, cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án. Nội dung kê khai phải nêu rõ loại, số lượng tiền, tài sản hoặc quyền tài sản; tiền mặt, tiền trong tài khoản, tiền đang cho vay, mượn; giá trị ước tính và tình trạng của từng loại tài sản; mức thu nhập định kỳ, không định kỳ, nơi trả thu nhập; địa chỉ, nơi cư trú của người chưa thành niên được giao cho người khác nuôi dưỡng; khả năng và điều kiện thực hiện nghĩa vụ thi hành án. CHV phải nêu rõ trong biên bản xác minh điều kiện thi hành án về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án.
    Thông thường, việc yêu cầu người phải thi hành án kê khai tài sản được thực hiện khi CHV tiến hành xác minh vào thời điểm xác minh lần đầu, CHV lập biên bản xác minh và nêu rõ trong biên bản xác minh nội dung về việc đương sự kê khai hoặc không kê khai thông tin về tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án với cơ quan THADS. Trong các biên bản tiếp theo, nếu có nội dung kê khai mới thì tiếp tục nêu rõ trong biên bản xác minh, làm cơ sở để xử lý theo quy định.
    Thứ bảy, về trách nhiệm xác nhận biên bản xác minh
    Kết quả xác minh của CHV có đầy đủ, chặt chẽ hay không được thể hiện trên biên bản xác minh. Biên bản xác minh phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân hoặc công an cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi tiến hành xác minh. Trường hợp biên bản được lập thành nhiều trang thì mỗi trang phải có chữ ký tắt của các thành phần tham gia và phải đóng dấu giáp lai giữa các trang.
    Thứ tám, việc xác minh lại
    - Về điều kiện xác minh lại
    CHV tiến hành xác minh lại trong các trường hợp được quy định tại Khoản 5 Điều 44 Luật THADS, bao gồm:
    (i) Trường hợp CHV thấy cần thiết: Khi CHV chưa chắc chắn với kết quả xác minh mà thấy cần thiết thì xác minh lại - đây hoàn toàn là quyền của CHV đảm bảo cho việc xác minh được chặt chẽ.
    (ii) Kết quả xác minh của CHV và người được thi hành án khác nhau: Do Luật THADS đã ghi nhận quyền của người được thi hành án trong xác minh điều kiện thi hành án nên có thể xảy ra việc tồn tại song song hai kết quả xác minh. Vì thế, khi kết quả xác minh của hai chủ thể khác nhau thì CHV cần thiết phải xác minh lại.
    (iii) Có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân: CHV xác minh lại khi Viện Kiểm sát nhân dân có kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng, CHV cơ quan THADS theo quy định tại Điều 160 Luật THADS nhằm làm rõ và chính xác hơn kết quả xác minh đã được làm cơ sở cho việc ra quyết định hoặc thực hiện hành vi trong quá trình tổ chức thi hành án.
    - Về thời hạn xác minh lại
    Việc xác minh lại được tiến hành trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh do đương sự cung cấp hoặc nhận được kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân.
    Thứ chín, ủy quyền xác minh
    Khoản 3 Điều 44 Luật THADS quy định việc cơ quan THADS có thể ủy quyền xác minh điều kiện THADS.
    Theo quy định tại Điều 55 Luật THADS về ủy thác, căn cứ để cơ quan THADS ủy thác cho cơ quan THADS nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở. Trong nhiều trường hợp, cơ quan thi hành án không chỉ căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án mà còn căn cứ vào biên bản xác minh của CHV. Do đó, để xác minh được người phải thi hành án có đúng là chuyển về sinh sống tại địa phương đó hoặc tại địa phương đó có tài sản, hoặc là nơi làm việc của người phải thi hành án thì CHV cũng cần phải xác minh tại địa phương khác, tránh trường hợp chỉ xác minh tại địa phương mình cho biết đương sự đã chuyển hộ khẩu về địa phương khác mà đã ủy thác ngay dẫn đến khi cơ quan thi hành án nơi nhận ủy thác sau khi thụ lý xong, tiến hành xác minh thì được biết đương sự hoàn toàn không chuyển về sinh sống tại địa phương, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm, hồ sơ ủy thác đi và trả lại nhiều lần dẫn đến việc thi hành án tồn đọng, kéo dài. Mặt khác, nếu CHV phải đi đến địa phương khác xác minh thì chi phí xác minh chưa được quy định rõ, hoặc nếu không nhận được sự phối hợp, ủng hộ của cơ quan thi hành án hoặc cơ quan liên quan tại địa phương khác thì việc xác minh của CHV rất khó khăn. Chính vì vậy, quy định ủy quyền xác minh sẽ phần nào tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho CHV trước khi tiến hành ủy thác thi hành án.
    Tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP đã quy định rõ ràng về cách thức thực hiện việc ủy quyền xác minh, thời hạn thực hiện xác minh theo ủy quyền đối với tùy từng loại tài sản (động sản và bất động sản).
    Thứ mười, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án
    Để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án, tạo điều kiện cho CHV hoàn thành tốt nhiệm vụ, Luật THADS đã quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án, đó là trách nhiệm cung cấp thông tin cho CHV trong thời hạn nhất định và phải chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin đó, bao gồm:
    - Cơ quan, tổ chức, công chức tư pháp - hộ tịch, địa chính - xây dựng- đô thị và môi trường, cán bộ, công chức cấp xã khác và cá nhân có liên quan
    - Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, công chứng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án
    - Cơ quan, tổ chức, cá nhân đang nắm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án
    Người được thi hành án, cơ quan, tổ chức, cá nhân không cung cấp hoặc cung cấp thông tin sai sự thật về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, thanh toán các chi phí phát sinh, trường hợp gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để CHV thực hiện quyền của mình và đảm bảo thông tin được cung cấp chính xác, hiệu quả.
     

    [1] Từ điển Tiếng Việt – Trung tâm từ điển hoc, NXB Đà Nẵng, 2015, 1487.
    [2] Điều 13 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP ngày 14/9/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
    [3] Cẩm nang thi hành án dân sự, NXB Tư pháp, Hà Nội, 2018, tr.160.

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình