14:48 ICT Chủ nhật, 15/09/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 79157
    • Tháng hiện tại: 1943686
    • Tổng lượt truy cập: 52502981

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học ở Trường Cao đẳng Luật miền Trung

    Thứ sáu - 14/01/2022 19:51

    Ths. Nguyễn Hoàng Lê Khanh - Khoa Đào tạo cơ bản
    Nghiên cứu khoa học (NCKH) là một trong những công việc quan trọng của những người làm công tác giảng dạy. Nghiên cứu khoa học giúp người giảng viên có thêm kiến thức để từ đó góp phần vào việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Cùng với hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học là thước đo năng lực chuyên môn của giảng viên vì việc tham gia vào hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ giúp giảng viên có điều kiện đào sâu, nắm bắt chặt chẽ hơn kiến thức chuyên môn mà mình đang trực tiếp giảng dạy nhằm kịp thời điều chỉnh, bổ sung những nội dung kiến thức chưa chuẩn xác trong bài giảng của mình, mặt khác, vừa có điều kiện mở rộng, hiểu biết nhiều hơn những kiến thức từ các chuyên ngành khác. Quá trình tham gia nghiên cứu khoa học sẽ góp phần phát triển tư duy, năng lực sáng tạo, khả năng làm việc độc lập, trau dồi tri thức và các phương pháp nhận thức khoa học của giảng viên, đồng thời hình thành ở giảng viên những phẩm chất của nhà nghiên cứu. Như vậy, NCKH là một trong những nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu của đội ngũ giảng viên các Trường Cao đẳng thuộc Bộ Tư pháp nói chung và Trường Cao đẳng Luật miền Trung nói riêng.
    Công tác nghiên cứu và các hoạt động khoa học ở Trường Cao đẳng Luật miền Trung rất phong phú, đa dạng bao gồm các hoạt động như: Thực hiện nghiên cứu đề tài khoa học các cấp; tổ chức các hội thảo khoa học, buổi sinh hoạt chuyên môn, trao đổi học thuật; biên soạn giáo trình, tài liệu; viết bài đăng các báo, tạp chí và kỷ yếu các hội nghị, hội thảo; viết bài đăng mục “Hỏi đáp pháp luật”, “Nghiên cứu trao đổi” trên Trang Website Trường; giảng viên đi thực tế; dịch các tài liệu nước ngoài phục vụ công tác giảng dạy, NCKH…
    Trong thời gian qua, công tác nghiên cứu khoa học của các giảng viên Trường đã đạt được nhiều kết quả như: 100% giảng viên của Trường tham gia thực hiện các hoạt động NCKH, đặc biệt có nhiều giảng viên rất tích cực viết tạp chí, viết bài hội thảo trong và ngoài nhà trường; đã có nhiều hội thảo khoa học, sinh hoạt chuyên môn, trao đổi học thuật được tổ chức; nhiều giáo trình có chất lượng do giảng viên Trường biên soạn phục vụ cho công tác giảng dạy của các trường Cao đẳng thuộc Bộ; hàng năm Trường đều nghiệm thu được các đề tài NKCH cấp Trường; giảng viên cũng đi nghiên cứu thực tế theo quy định… Những kết quả này góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giảng dạy của Trường.
    Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, hoạt động NCKH ở Trường vẫn còn những hạn chế như: hiệu quả và tính ứng dụng của một số đề tài nghiên cứu chưa cao; mặc dù đã đăng ký thực hiện nhưng đến nay Trường chưa được Bộ xét duyệt, phân công thực hiện đề tài NCKH cấp Bộ; số lượng bài viết đăng các tạp chí chuyên ngành, các kỷ yếu tại các hội nghị, hội thảo khoa học cấp Quốc tế, Quốc gia của giảng viên còn ít; các bài đăng trên mục “Hỏi đáp pháp luật” có chất lượng chưa cao. Một số giảng viên chưa thật sự nhiệt tình và say mê trong NCKH; vẫn còn hiện tượng giảng viên đi nghiên cứu thực tế mang tính hình thức. Một số hội thảo và việc tổ chức sinh hoạt chuyên môn của cấp Khoa hiệu quả chưa cao.
    Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó do một số giảng viên chưa có sự chủ động, chưa đầu tư đúng mức cho công tác nghiên cứu khoa học, chỉ nghiên cứu cho đủ công trình theo quy định; do nhiệm vụ giảng dạy chi phối nên đội ngũ giảng viên đầu tư nhiều thời gian chuẩn bị bài, lên lớp nên có phần ảnh hưởng đến đầu tư cho công tác nghiên cứu và thực hiện các hoạt động khoa học; khi tham khảo nguồn tài liệu để viết bài, làm đề tài còn lệ thuộc vào Internet dẫn đến bài viết, đề tài không phong phú và chưa sát với thực tế. Một số giảng viên vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc thực hiện một sản phẩm khoa học, còn loay hoay, lúng túng trong việc chọn đề tài để viết bài.
    Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những điểm còn hạn chế, vướng mắc nêu trên, công tác nghiên cứu khoa học gắn với việc nâng cao chất lượng giảng dạy trong thời gian tới cần thực hiện tốt các biện pháp cụ thể sau:
    Thứ nhất, nhóm giải pháp từ Ban Giám hiệu Trường, Hội đồng KH&ĐT, Lãnh đạo các Khoa chuyên môn:
    - Ban Giám hiệu cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và đổi mới cách thức tổ chức, quản lý chặt chẽ hoạt động NCKH của giảng viên. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện kế hoạch nghiên cứu khoa học, tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm về công tác nghiên cứu khoa học.
    - Ban Giám hiệu tiếp tục coi việc nghiên cứu khoa học là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, bình xét và xếp loại thi đua giữa các giảng viên của Trường.
    - Ban Giám hiệu cần tăng cường hơn nữa việc thực hiện các biện pháp nhằm khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia vào các hoạt động NCKH như: tăng cường đầu tư kinh phí, chế độ khen thưởng cá nhân và tập thể có thành tích trong NCKH. Điều này sẽ tạo động lực và kích thích tính tích cực, tự giác của giảng viên đối với hoạt động này.
    - Hội đồng KH&ĐT cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy chế quản lý về hoạt động NCKH, cũng như tiếp tục xây dựng Kế hoạch NCKH hàng năm để định hướng cho các hoạt động khoa học của Trường.
    - Hội đồng KH&ĐT cùng các Khoa chuyên môn hướng các đề tài NCKH cấp Trường vào phục vụ trực tiếp, hiệu quả cho công tác đào tạo của Trường. Kết quả thực hiện các đề tài này có thể là phục vụ cho các hoạt động thực tiễn của Nhà trường hoặc phải có khả năng cung cấp những luận cứ khoa học bổ sung cho bài giảng; góp phần làm sáng tỏ những nguyên lý, lý luận đó vào thực tiễn.
    - Hội đồng KH&ĐT và các Khoa cần tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn để trao đổi về các phương pháp, kỹ năng về nghiên cứu đề tài, cách viết tin bài để đăng báo, tạp chí, trang Web, viết bài hội thảo...
    - Đối với một số bộ phận giảng viên còn “non” trong công tác NCKH, các Khoa cần giao cho các giảng viên này các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học từ đơn giản đến phức tạp, từ cấp nhỏ đến cấp lớn; Trước hết là nghiên cứu những vấn đề cụ thể, trực tiếp phục vụ cho hoạt động giảng dạy. Đồng thời, hướng dẫn, bồi dưỡng, giúp đỡ các giảng viên này về cách thức phát hiện, lựa chọn vấn đề nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn quy trình nghiên cứu khoa học để công tác nghiên cứu khoa học đạt hiệu quả cao nhất.
    Thứ hai, nhóm giải pháp đối với giảng viên:
    - Mỗi giảng viên phải tự ý thức được tầm quan trọng của công tác NCKH đối với sự phát triển nghề nghiệp của mình, tìm hiểu và nắm rõ nội dung quy chế hoạt động khoa học. Mỗi giảng viên phải thấy được giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ có quan hệ thống nhất; nghiên cứu khoa học chính là nhiệm vụ bắt buộc thường xuyên đối với tất cả giảng viên, từ đó giúp từng cá nhân tự giác, tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
    - Mỗi giảng viên phải chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học của mình mỗi năm dựa trên kế hoạch của Nhà trường và lĩnh vực giảng dạy, nhu cầu của bản thân. Giảng viên phải chủ động, có sự đầu tư, phân bổ thời gian hợp lí cho công tác nghiên cứu khoa học.
    - Giảng viên phải tích cực tham gia viết bài đăng tạp chí, Hội thảo, các Trang thông tin điện tử… Các giảng viên phải tham gia thực hiện được các đề tài NCKH cấp Trường.
    Nghiên cứu khoa học có vai trò rất quan trọng trong tích lũy tri thức, phát triển tư duy khoa học, do đó việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học ở các Trường Cao đẳng thuộc Bộ nói chung và Trường Cao đẳng Luật miền Trung nói riêng lại càng có ý nghĩa thiết thực nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của các Trường Cao đẳng.

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình