Đặt vấn đề
Hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh đặc biệt, có tính đặc thù của hệ thống tổ chức kinh doanh ở nước ta. Trong nền kinh tế thị trường hiện nay, cùng với các loại hình kinh doanh khác, hộ kinh doanh ngày càng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản trên 655 nghìn tỷ đồng, trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, đóng góp 34% GDP; nộp hơn 12 nghìn tỷ tiền thuế sử dụng; thu hút khoảng 7,9 triệu lao động; tạo ra của cải vật chất, hàng hóa, dịch vụ (chiếm hơn 15% doanh thu của các tổ chức kinh doanh có đăng ký) cho xã hội...
(1). Nhấn mạnh tầm quan trọng của loại hình này, trong nội dung Nghị quyết Hội nghị, Đảng cũng nhấn mạnh
“… Hộ kinh doanh đã phát triển rộng khắp trong cả nước, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, huy động các nguồn lực xã hội vào sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, tăng ngân sách Nhà nước, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Cùng với các loại hình kinh doanh khác, sự phát triển của hộ kinh doanh đã góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, thúc đẩy phân công lao động xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triể kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng thêm số lượng công nhân, lao động và doanh nhân Việt Nam, thực hiện các chủ trương xã hội hóa y tế, văn hóa, giáo dục và hội nhập kinh tế quốc tế” (2).
Tuy nhiên, thực tế hoạt động của hộ kinh doanh của Việt Nam hiện nay chưa phát huy được hết các tiềm năng của mình, còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh như: quy mô nhỏ; vốn ít; công nghệ lạc hậu; sức cạnh của hàng hóa thấp... Nguyên nhân do hộ kinh doanh chưa có kinh nghiệm trong nền kinh tế thị trường; chưa năng động, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, cũng do chưa có một hệ thống khung pháp lý rõ ràng, ổn định từ phía Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát huy hết khả năng của mình. Như vậy, vấn đề đặt ra là cần có các giải pháp hữu hiệu, thiết thực về tổ chức và hoạt động của hộ kinh doanh đảm bảo phù hợp với những điều kiện của nền kinh tế thị trường.
1. Khái quát về hộ kinh doanh
1.1. Khái niệm hộ kinh doanh
Kinh tế hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn là loại hình quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Sớm nhận thức rõ vai trò của hộ kinh doanh trong quá trình đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách tạo điều kiện phát triển mô hình này. Từ năm 1988 đến nay, kinh tế hộ gia đình đã có những chuyển biến tích cực cả về quy mô, tốc độ và cơ cấu. Đặc biệt, Hiến pháp 1992 ghi nhận về quyền tự do kinh doanh của công dân Việt Nam là một bước ngoặt lớn cho sự ra đời, phát triển kinh tế tư nhân, trong đó có mô hình cá nhân kinh doanh. Mô hình này thời điểm đó có mục tiêu quan trọng nhằm xóa đói, giảm nghèo và được gọi với những tên khác nhau tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội qua các thời kỳ, như:
“Tổ chức tiểu sản xuất hàng hóa”, “Hộ cá thể”, “Hộ tiểu công nghiệp”(3),
“hộ kinh doanh cá thể”(4).
Luật Doanh nghiệp 1999 và các Nghị định số 02/2000/NĐ-CP ngày 03/2/2000 và Nghị định số 109/2004/ NĐ-CP ngày 02/4/2004 về đăng ký kinh doanh đã quy định hộ kinh doanh tồn tại như hình thức kinh tế sản xuất hàng hóa nhỏ gia đình (gồm các thợ thủ công, người làm dịch vụ nhỏ) được phép kinh doanh sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy môn bài; tuy nhiên không được phép thuê lao động thường xuyên (sau đó đã bãi bỏ)
“Hộ kinh doanh cá thể do một cá nhân hoặc hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá 10 lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh” (5). Luật Doanh nghiệp 2005 và các văn bản hướng dẫn thì nói rõ:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng không quá 10 lao động, không có con dấu và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh” (6). Đến Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành tiếp tục khẳng định:
“1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh. 2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương. 3. Hộ kinh doanh có sử dụng từ mười lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định” (7).
Như vậy, tương tự quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, Luật Doanh nghiệp 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành tiếp tục thể hiện hộ kinh tế cá thể được đổi tên thành hộ kinh doanh, bổ sung thêm đối tượng một nhóm người chủ hộ kinh doanh và quy định yêu cầu hộ kinh doanh sử dụng từ 10 lao động phải chuyển sang doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
1.2. Đặc điểm pháp lý của hộ kinh doanh
Từ những khái niệm trên về hộ kinh doanh, có thể đưa ra một số đặc điểm của hộ kinh doanh như sau:
Thứ nhất, về chủ thể thì hộ kinh doanh không phải là pháp nhân. Hộ kinh doanh do một cá nhân (là công dân Việt Nam), một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ cùng nhau quản lý, phát triển mô hình và chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình nhằm mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ thì cá nhân chủ hộ kinh doanh có toàn quyền quyết định hoạt động kinh doanh. Đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh do các thành viên trong nhóm hoặc các thành viên trong hộ gia đình quyết định và nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người đại diện cho nhóm hoặc cho hộ để tham gia các hoạt động kinh doanh.
Như vậy, về chủ thể quá trình hoạt động hộ kinh doanh có những thuận lợi, như: dễ thành lập và vay vốn, quy mô gọn nhẹ phù hợp với cá nhân kinh doanh; quyết định các vấn đề kinh doanh nhanh gọn, dễ thay đổi ngành nghề; chế độ chứng từ sổ sách kế toán đơn giản, phù hợp với cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ và không phải kê khai thuế hàng tháng
(8) nhưng so với doanh nghiệp tư nhân và các loại hình doanh nghiệp khác quy mô nhỏ lẻ có tính chất manh mún; lợi nhuận ít và dể rủi ro.
Thứ hai, về quy mô, số lượng lao động và địa điểm kinh doanh. Hộ kinh doanh thường kinh doanh với quy mô kinh doanh nhỏ, sử dụng không quá 10 lao động
(9). Quy mô kinh doanh theo quy định của pháp luật được đánh giá bởi 2 tiêu chí là tài sản và số lượng lao động sử dụng
(10). Hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa chỉ duy nhất trong phạm vi toàn quốc, tức là phải lựa chọn một địa điểm cố định để đăng ký kinh doanh, có thể là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi tạm trú hoặc địa điểm thường xuyên kinh doanh nhất. Trường hợp buôn bán lưu động, kinh doanh ngoài địa điểm kinh doanh phải thông báo với cơ quan thuế, cơ quan quản lý kinh doanh.
Như vậy, quy định trên của pháp luật so với Doanh nghiệp tư nhân và các loại hình doanh nghiệp khác (không giới hạn quy mô, vốn, địa điểm kinh doanh) hạn chế nhiều việc mở rộng phạm vi, quy mô kinh doanh theo địa lý của mô hình này.
Thứ ba, chủ hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản trong hoạt động kinh doanh. Bởi vì, hộ kinh doanh không phải là một thực thể độc lập, tách biệt với chủ sở hữu nên về nguyên tắc chủ hộ kinh doanh phải có trách nhiệm vô hạn đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của hộ kinh doanh hay nói cách khác là phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình kể cả các tài sản không đưa vào kinh doanh. Do đó, nếu phải thực hiện nghĩa vụ nợ, cá nhân hay nhóm các nhân hoặc hộ gia đình sẽ phải dùng toàn bộ tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ này và trong trường hợp này nếu chủ nợ yêu cầu cá nhân và các thành viên tham gia phải chịu trách nhiệm là đúng với quy định của pháp luật.
Như vậy, cũng giống như Doanh nghiệp tư nhân hay thành viên hợp danh trong công ty hợp danh đều phải chịu trách nhiệm vô hạn, nếu tài sản kinh doanh không đủ để thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải lấy cả tài sản không đầu tư vào hộ kinh doanh để thực hiện. Tuy nhiên, khác với Doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm vô hạn của hộ kinh doanh có sự phân tán rủi ro cho nhiều thành viên trong trường hợp do một nhóm người hoặc hộ gia đình làm chủ thì tất cả các thành viên phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của hộ kinh doanh (tương tự các thành viên hợp danh trong công ty hợp danh).
Từ các đặc điểm trên cho thấy, hộ kinh doanh là mô hình khởi sự kinh doanh phổ biến trong các loại hình kinh tế ở Việt Nam, nhờ vào sự đơn giản về thủ tục gia nhập thị trường, ít ràng buộc về tổ chức, quản lý; phù hợp với nhiều thành phần, lứa tuổi, vùng miền, loại hình kinh doanh và không quá đòi hỏi cao về năng lực tài chính, chi phí vốn thấp.
2. Một số bất cập về hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành
Trong quá trình hình thành và phát triển đặc biệt là từ sau đổi mới đến nay
(11), cùng với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, hộ kinh doanh đã chính thức được thừa nhận là đơn vị kinh tế tự chủ, là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế; từ đó mô hình này có sự phát triển mạnh mẽ, có những đóng góp quan trọng cho nền kinh tế đất nước, nhất là trong những năm gần đây. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2018 số hộ kinh doanh là 5,1 triệu, sử dụng khoảng 8,6 triệu lao động, chiếm gần 30% GDP và gần 1,6 % tổng thu ngân sách nhà nước thì đến năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 cả nước đã có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, sử dụng khoảng 7,9 triệu lao động và trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, trong đó nộp hơn 12 nghìn tỷ tiền thuế
(12).
Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 5,5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có 4,6 triệu cơ sở có địa điểm ổn định; trên 3,5 triệu hộ kinh doanh được cấp mã số thuế và hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ, lẻ; ước tính tổng tài sản trên 655 nghìn tỷ đồng; số cơ sở có đăng ký kinh doanh chiếm 25,9% và khoảng 1,7 triệu hộ kinh doanh nộp thuế đầy đủ, đúng hạn (chiếm 12.362 tỷ đồng tiền thuế). Hộ kinh doanh cũng có đóng góp lớn trong tạo việc làm và giải quyết các vấn đề xã hội (giải quyết việc làm cho 7,945 triệu lao động). Ngoài ra, hộ kinh doanh còn thực hiện công tác xoá đói giảm nghèo; tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống cho những người có thu nhập thấp, đảm bảo về an sinh xã hội…
(13). Tuy nhiên, các quy định hiện nay về hộ kinh doanh còn có những bất cập trong thực tiễn hoạt động, như chưa rõ ràng về trách nhiệm pháp lý; quyền kinh doanh; vốn và các chính sách khác (hỗ trợ chưa đồng bộ, sự quan tâm cho một số lĩnh vực)… dẫn tới phần lớn các hộ kinh doanh đều hoạt động
“cầm chừng” (14), không muốn chuyển đổi hình thức kinh doanh, chuyển đổi thành doanh nghiệp nhằm
“né” (15) nghĩa vụ nộp thuế; không ký hợp đồng với các lao động… Như vậy, khung pháp lý hiện hành đã và đang hạn chế một phần sự phát triển của hộ kinh doanh trong quá trình hoạt động, cụ thể như:
2.1. Về trách nhiệm pháp lý của hộ kinh doanh
Khái niệm
“hộ kinh doanh” không rõ ràng. Do đó, gây khó khăn trong việc xác định quyền và trách nhiệm pháp lý giữa hộ, chủ hộ là cá nhân, thành viên gia đình. Cá nhân đăng ký chịu trách nhiệm hay tất cả các thành viên trong gia đình điều chịu trách nhiệm. Điều này, vừa gây lúng túng trong quản lý nhà nước đối với hình thức kinh doanh này (Ví dụ: cơ quan thuế thì cấp mã số thuế cho cá nhân thành lập hộ chứ không phải hộ); vừa có thể gây ra rủi ro cho bên thứ ba do không xác định trách nhiệm của hộ kinh doanh.
Mặt khác, pháp luật hiện hành quy định hộ kinh doanh không hoàn toàn là thương nhân thể nhân, không có tư cách pháp nhân nên gây khó khăn trong chế độ chịu trách nhiệm về các khoản nợ, các nghĩa vụ tài sản của hộ kinh doanh. Bởi vì, không có tư cách pháp nhân nên không có sự độc lập về tài sản giữa tài sản của hộ kinh doanh với chủ hộ. Quy định này về hộ kinh doanh vừa gây khó khăn trong chế độ chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính kể cả tài sản không đưa vào kinh doanh; vừa bất lợi trong việc huy động vốn so với các loại hình doanh nghiệp khác do không có tài sản thế chấp để vay vốn nên rất khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vay từ các tổ chức tín dụng (kể cả tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước). Đồng thời, cho thấy hoạt động hộ kinh doanh không bền vững và dễ bị chấm dứt (nếu chủ hộ chết, tai nạn, bệnh tật…).
2.2. Về quyền kinh doanh
Theo quy định pháp luật hiện hành, có rất nhiều bất cập về quyền kinh doanh, như: Mỗi hộ kinh doanh chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm; phạm vi kinh doanh của hộ kinh doanh chủ yếu trong địa giới hành chính quận huyện; hộ kinh doanh bị hạn chế về số lượng lao động được sử dụng. Quy định này so với các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị hạn chế quyền kinh doanh dẫn đến cản trở, không thể phát huy tối đa các thế mạnh của hộ kinh doanh.
2.3. Về huy động vốn
Vốn của hộ kinh doanh là do chủ hộ tự đăng ký, tự thân hoặc nguồn vốn vay từ bạn bè, người thân. Việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cho các hộ kinh doanh đang hạn chế (không có tư cách pháp nhân, không có tài sản thế chấp để vay). Mặc dù, có thể nguồn vốn của hộ kinh doanh ổn định, an toàn nhưng lại không dồi dào, đa dạng nên khó khăn trong việc mở rộng thị trường, khó có tính cạnh tranh, khó mở rộng quy mô và đổi mới khoa học công nghệ, khó cập nhật những tiến bộ mới trong kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng cho các hộ kinh doanh rất khó khăn do đặc thù của mô hình kinh doanh là một thể nhân (không có quan hệ và tài sản thế chấp, khả năng tiếp cận thị trường; nguồn thông tin, khả năng tiếp cận với cơ quan Nhà nước; năng lực quản lý…). Trường hợp vay được thì lượng vay cũng không nhiều và thời hạn vay cũng rất ngắn rất khó đáp ứng được với nhu cầu mở rộng kinh doanh hay đổi mới công nghệ một cách đồng bộ, hiệu quả…
3. Một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về hộ kinh doanh ở Việt Nam hiện nay
Thứ nhất, cần xác định rõ vị trí pháp lý, trách nhiệm của hộ kinh doanh. Theo đó, thuật ngữ
“hộ kinh doanh” phải làm rõ được quyền, trách nhiệm giữa hộ, chủ hộ và các thành viên thành viên gia đình tham gia thành lập hộ kinh doanh. Có như vậy mới đảm bảo được các quyền, nghĩa vụ của hộ, chủ hộ và các thành viên; đặc biệt là nghĩa vụ tài sản và trách nhiệm người đứng đầu khi đại diện cho hộ trong các hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, về quyền kinh doanh. Cần xem xét và quy định lại các hạn chế trong quy định đối với hộ kinh doanh như: đăng ký kinh doanh tại một địa điểm; phạm vi kinh doanh của hộ kinh doanh chủ yếu trong địa giới hành chính quận huyện; hộ kinh doanh bị hạn chế quy mô lao động… nhằm tạo điều kiện cho hộ kinh doanh phát huy được các thế mạnh của hộ kinh doanh và phát triển được hình thức kinh doanh này.
Thứ ba, về vấn đề huy động vốn. Cần có biện pháp hỗ trợ, khắc phục khó khăn về vốn cho hộ kinh doanh, như: tổ chức tín dụng dành quỹ vốn vay định kỳ hàng năm cho hộ kinh doanh; hạ mức lãi suất cho vay đối với hộ kinh doanh; khuyến khích hỗ trợ hộ kinh doanh trong một số lĩnh vực (công nghiệp nông thôn, sản xuất mặt hàng thủ công mỹ nghệ, chế biến thủy hải sản, trồng trọt chăn nuôi…); chính quyền địa phương phải
“đỡ đầu”, “bảo lãnh” (16), nhận trách nhiệm đảm bảo cho họ kinh doanh thế chấp tài sản vay vốn.
Thứ tư, cần cụ thể hóa các hình thức hỗ trợ cho hộ kinh doanh, như: hỗ trợ thông tin và tư vấn; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ tiếp cận tín dụng; hỗ trợ lãi suất sau đầu tư; miễn, giảm, giãn thuế và các khoản phải nộp khác cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xúc tiến, mở rộng thị trường…
Thứ năm, cần khuyến khích hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Theo đó, các cơ chế, chính sách khuyến khích bao gồm: hỗ trợ gia nhập, rút lui khỏi thị trường, miễn thuế môn bài, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, cho phép áp dụng chế độ kế toán đơn giản, được cung cấp phần mềm kế toán miễn phí; cấp mã số thuế cho tất cả các hộ kinh doanh tạo sự bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế; hỗ trợ hộ kinh doanh mở sổ kế toán, ghi chép hoạt động, nộp thuế theo số liệu kế toán, báo cáo tài chính, quyết toán thuế…
Thứ sáu, cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền chủ trương chính sách, quy định pháp luật về hoạt động hộ kinh doanh. Thực hiện các hình thức thiết thực như mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn; thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm…
Kết luận
Trong những năm qua, bên cạnh hệ thống các loại hình kinh doanh khác, hộ kinh doanh là một mô hình pháp lý quan trọng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội và có những đóng góp lớn vào nền kinh tế của đất nước nhất là vấn đề giải quyết việc làm, huy động vốn trong dân và nâng cao được đời sống của người dân. Vì vậy, việc xem xét các quy định hiện nay, chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra một số giải pháp giải quyết bất cập là rất quan trọng; từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình hộ kinh doanh ngày càng phát triển.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) Tổng cục Thống kê năm 2019
(2) Nghị quyết hội nghị lần thứ VII Ban Chấp hành trung ương (khóa XII).
(3) Nghị định số 27-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 09/3/1988
(4) Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 109/2004/NĐ-CP ngày 02/4/2004.
(5) Khoản 1 Điều 24 Nghị định số 109/2004/NĐ-CP
(6) Khoản 1 Điều 36 Nghị định số 88/2006/NĐ-CP.
(7) Điều 66 Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14/09/2015.
(8) Khoản 1 Điều 38 Luật Quản lý thuế 2006
(9) Điều 41 Nghị định 50/2016/NĐ-CP
(10) Nghị định số 56/2009/NĐ-CP và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 03 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa vào nhỏ
(11) Năm 1986
(12) Thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
(13) Lao động.vn.
(14) Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp (2018), Báo cáo thương niên
(15) Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp (2018), Báo cáo thương niên
(16) Viện nghiên cứu phát triển doanh nghiệp (2019) “Chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ 2019”.
Ý kiến bạn đọc