Công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp trong năm 2016 được đánh giá đã đi vào nền nếp, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Lê Tiến Châu thông tin xung quanh vấn đề này.
Thưa Thứ trưởng, xin ông cho biết về những kết quả nổi bật trong công tác đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp trong năm vừa qua và cả những khó khăn, vướng mắc?
Trong năm 2016, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tư pháp luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức, viên chức của Bộ. Với tư cách là Thứ trưởng phụ trách công tác này, tôi đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo thuộc Bộ phát huy mọi nguồn lực, triển khai mạnh mẽ việc đổi mới chất lượng trong công tác đào tạo của các cơ sở đào tạo luật thuộc Bộ cũng như công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức Bộ, ngành Tư pháp. Cụ thể như sau:
Đối với Trường Đại học Luật Hà Nội, Bộ Tư pháp luôn đặt ra yêu cầu từng bước mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo các cấp học của Trường. Trên thực tế, cùng với sự phát triển không ngừng về quy mô với khoảng 15.000 sinh viên và học viên, chất lượng đào tạo của Trường cũng ngày càng được nâng cao, sinh viên ra trường được tuyển dụng vào nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp uy tín và khẳng định được năng lực chuyên môn. Đặc biệt, có nhiều đồng chí là Lãnh đạo cấp cao, được Đảng, Nhà nước giao giữ những vị trí quan trọng, nhiều đồng chí là lãnh đạo các bộ, ngành, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và địa phương.
Đối với Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Học viện chủ động phối hợp tích cực với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyển sinh các lớp đào tạo (tính đến ngày 30/11/2016, số lượng học viên nhập học năm 2016 là 3.505 học viên). 2016 cũng là năm đầu tiên Học viện có đồng chí Giám đốc được bầu làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, Thường trực Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội; công tác đào tạo, bồi dưỡng hoàn thành vượt mức tổng chỉ tiêu, tiến độ, kế hoạch đề ra. Chất lượng các khóa đào tạo, bồi dưỡng đã có chuyển biến tích cực. Môi trường đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện theo hướng thân thiện, dân chủ, công khai và minh bạch. Các chương trình đào tạo đang dần được sửa đổi, bổ sung hoàn thiện phù hợp với quy định pháp luật mới và theo phương thức đào tạo mới. Công tác nghiên cứu khoa học, biên soạn giáo trình, chương trình giảng dạy, hồ sơ tình huống được đẩy mạnh.
Đối với các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ, bên cạnh giữ ổn định về quy mô tuyển sinh, đào tạo trong nước, một số Trường đã có hướng đi mới thông qua việc đẩy mạnh hợp tác với CHDCND Lào tuyển sinh đào tạo trung cấp luật cho lưu học sinh Lào (trong năm 2016, Trường Trung cấp Luật Đồng Hới đã tuyển sinh được 300 học sinh Lào). Bên cạnh đó, chất lượng đào tạo cũng ngày càng được các Trường quan tâm.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp năm 2016 đã hoàn thành tốt kế hoạch đề ra, trong đó tiếp tục chú trọng, bám sát các tiêu chuẩn công chức, yêu cầu của vị trí việc làm và yêu cầu về nguồn nhân lực tư pháp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đang tiếp tục được quan tâm, đẩy mạnh thông qua việc tập trung chuẩn bị kỹ tài liệu bồi dưỡng; quy định việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng; nghiên cứu mở rộng đối tượng giảng viên, báo cáo viên...
Năm 2016, Bộ đã mở 5 lớp bồi dưỡng cho 205 lượt công chức, viên chức về kiến thức tiền công vụ, nghiệp vụ công tác tổ chức cán bộ, nâng cao kỹ năng phiên dịch và tiếng Anh pháp lý; 12 lớp bồi dưỡng cho công chức, viên chức về kỹ năng chuyên sâu trong các lĩnh vực chuyên môn của Bộ, Ngành; cử 500 lượt công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng trong nước và 43 lượt người đi đào tạo, bồi dưỡng tại nước ngoài. Trong năm 2016, số lượng công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng của Bộ Tư pháp tăng 45% so với năm 2015; tập trung triển khai Quyết định số 1340/QĐ-BTP ngày 09/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu của Bộ Tư pháp giai đoạn 2014-2020.
Hiện nay, Bộ Tư pháp đang xây dựng Quy hoạch đào tạo bồi dưỡng công chức, viên chức Bộ Tư pháp giai đoạn 2016-2020 theo yêu cầu của Chính phủ để xác định tập trung nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng có hiệu quả cao, Đề án “Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hệ thống thi hành án dân sự giai đoạn 2017 - 2021” để xây dựng đội ngũ thi hành án lớn mạnh, phục vụ công tác cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo, bồi dưỡng còn gặp khó khăn, vướng mắc như: do có quá nhiều trường cùng tham gia đào tạo luật nên xu thế cạnh tranh ngày càng lớn kể cả việc cạnh tranh không lành mạnh dẫn đến chất lượng đào tạo có nơi, có lúc bị buông lỏng. Đội ngũ giảng viên còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, số lượng còn hạn chế. Quy mô đào tạo chưa bền vững, đào tạo chất lượng cao còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Hàng năm, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng Bộ, ngành Tư pháp được cấp rất hạn chế; việc bố trí đội ngũ giảng viên, báo cáo viên có chất lượng để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng còn bị động; chưa có cơ chế phù hợp để thu hút giảng viên, giáo viên có chất lượng để giảng dạy, đặc biệt là đối với hệ thống công chức thi hành án với 10.000 người.
Với cương vị Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, theo ông, nhà trường cần tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp căn bản nào để thực hiện thành công mục tiêu đưa Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật?
- Ngày 04/4/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 549/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tổng thể “Xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội và Trường Đại học Luật TP HCM thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật”. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta xuất phát từ yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực pháp luật có chất lượng cao cho các cơ quan Nhà nước và toàn xã hội nhằm thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Theo tôi, để đạt được mục tiêu trở thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật thì cần triển khai thực hiện tốt 05 nhóm nhiệm vụ lớn: (i) về kiện toàn tổ chức, bộ máy đồng thời nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên; (ii) tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý; (iii) xây dựng, hoàn thiện hệ thống chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu đảm bảo có tính chất lượng cao phục vụ công tác giảng dạy và học tập; (iv) tập trung xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường việc áp dụng các trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện đối với mọi hoạt động của Trường; (v) nâng cao hiệu quả công tác hợp tác đối ngoại, hợp tác quốc tế. Nhà trường cần xác định rằng các nhóm nhiệm vụ phải được triển khai đồng thời, toàn diện với các giải pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sự cân đối, hài hòa giữa phát triển quy mô và chất lượng đào tạo. Đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cả về kiến thức và kỹ năng; cả về phẩm chất chính trị, tư cách đạo đức và tác phong của sinh viên luật. Muốn vậy, Trường cần nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu người học; phát triển các chương trình đào tạo liên kết và tăng cường trao đổi học thuật với các cơ sở đào tạo luật uy tín của nước ngoài. Ứng dụng các phương pháp giảng dạy tích cực lấy người học làm trung tâm, phát huy tính chủ động, tự giác của người học và tăng cường kỹ năng xử lý các vấn đề thực tiễn.
Đổi mới đào tạo nghiên cứu sinh theo hướng tăng cường năng lực sáng tạo, độc lập nghiên cứu và tạo điều kiện để các nghiên cứu sinh phát huy tối đa khả năng của mình. Tăng khả năng thực hành của sinh viên; đổi mới công tác tuyển sinh, công tác quản lý học viên, công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập.
Thứ hai, nâng cao năng lực quản trị nội bộ của Trường. Muốn vậy, Trường cần đẩy nhanh việc hoàn thiện văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc trường theo hướng phát huy tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự kiểm soát bên trong của các đơn vị; đổi mới phương thức quản lý, tổ chức, điều hành của cán bộ lãnh đạo và nhân viên hành chính; nghiên cứu đề xuất mô hình tổ chức của Trường theo mô hình của các Trường đại học tiên tiến, hiện đại.
Đặc biệt, Trường cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp tục hoàn thiện việc trang bị phần mềm quản lý hành chính và các phần mềm thiết yếu khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, quản lý đào tạo cũng như quảng bá hình ảnh, thương hiệu của Trường.
Thứ ba, chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng giảng dạy của đội ngũ giảng viên; có kế hoạch để phát triển, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng theo từng năm, từng giai đoạn; cần có chế độ chính sách phù hợp, quan tâm, chăm lo tới đời sống tinh thần, vật chất đối với cán bộ, giảng viên, nhân viên của Nhà trường.
Thứ tư, Trường cần đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm phục vụ cho việc nâng cao chất lượng đào tạo, tiềm lực khoa học, vị thế và ảnh hưởng của Trường, đóng góp vào việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, Bộ Tư pháp.
Thứ năm, tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục, đào tạo; duy trì phát triển, mở rộng quan hệ hợp tác hiệu quả với các cơ sở đào tạo của các nước trên thế giới, đưa hoạt động hợp tác đi vào chiều sâu, thiết thực; đẩy mạnh việc trao đổi giảng viên, học viên của Nhà trường và các cơ sở đào tạo nước ngoài.
Trong năm 2017, Bộ Tư pháp xác định nhiệm vụ và giải pháp nào là trọng tâm để ngày càng đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác đào tạo và bồi dưỡng, thưa Thứ trưởng?
- Triển khai Chương trình trọng tâm cải cách tư pháp nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 06/10/2016 của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021 ngày 22/9/2016 của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, năm 2017 Bộ Tư pháp xác định nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau đây:
Chất lượng của các cơ sở đào tạo thuộc Bộ cần tiếp được chú trọng nâng cao hơn nữa. Năm 2017, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức, chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ pháp luật và các chức danh tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (Khóa XI); tập trung đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra và đánh giá kết quả học tập; nghiên cứu đa dạng hóa hình thức, loại hình đào tạo; đổi mới công tác tuyển sinh tại các trường trung cấp luật; phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục và đào tạo, trong thời gian tới nghiên cứu để tiến tới các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp từng bước hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức Bộ Tư pháp trong năm tới cần thực hiện trọng tâm, trọng điểm hơn nữa, theo đúng các quy hoạch, kế hoạch được đề ra. Hiện nay, tuy công tác này đã đi vào nền nếp, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, tạo động lực cho sự phát triển chung của Bộ, ngành. Vì vậy, trong năm 2017 và cả giai đoạn 2017-2020 tới đây, Bộ Tư pháp sẽ chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp gắn với tiêu chuẩn, chức danh bảo đảm đáp ứng trình độ chuyên môn, năng lực và phẩm chất chính trị. Có thể nói đây là những định hướng quan trọng, “xương sống” để triển khai hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cho công chức, viên chức Bộ Tư pháp, giúp tập trung thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng theo chiều sâu hơn nữa.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Ý kiến bạn đọc