Thực hiện Quy định số 262-QĐ/TW ngày 08/10/2018 của Bộ Chính trị, hôm nay - 20/12, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo Bộ. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện các Ban của Đảng: Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương, Ban Dân vận Trung ương.
Các đối tượng ấy phiếu tín nhiệm lần này gồm 05 đồng chí lãnh đạo Bộ: Bộ trưởng Lê Thành Long, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh.
Theo Quy định số 262-QĐ/TW, thành phần ghi phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo Bộ Tư pháp bao gồm: Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ; Bí thư Đảng ủy Bộ; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Tư pháp; Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ; Chủ tịch Công đoàn Bộ, Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ, Trưởng Ban Nữ công và Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Bộ Tư pháp. Riêng đối với đồng chí Bộ trưởng có thêm đối tượng ghi phiếu là đại biểu Quốc hội thì đã thực hiện trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Quán triệt tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết: mục đích, yêu cầu của việc lấy phiếu tín nhiệm là nhằm để người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để có biện pháp phấn đấu, rèn luyện, nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công việc. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cũng là cơ sở để thực hiện công tác quản lý và sử dụng cán bộ.
Nguyên tắc lấy phiếu tín nhiệm: bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả phiếu tín nhiệm; nghiêm cấm và xử lý nghiêm minh việc vận động, lôi kéo hoặc có những hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. Kết quả phiếu tín nhiệm đối với cán bộ được công khai trong tập thể lãnh đạo cùng cấp (Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ), thành phần tham gia ghi phiếu và báo cáo cơ quan có thẩm quyền (đối với Lãnh đạo Bộ thì báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư).
Phiếu tín nhiệm là một trong những kênh thông tin tham khảo quan trọng cho việc đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ. Những đồng chí có tín nhiệm thấp, tùy theo mức độ sẽ xem xét không quy hoạch chức vụ cao hơn hoặc cho từ chức, cho thôi giữ chức vụ, không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác.
Sau lấy phiếu tín nhiệm đối với lãnh đạo Bộ, Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể và cá nhân các thành viên Ban Cán sự Đảng Bộ.
Ý kiến bạn đọc