17:50 ICT Thứ ba, 21/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 104767
    • Tháng hiện tại: 2716010
    • Tổng lượt truy cập: 69701161

    Trang nhất » Tin Tức » Điểm báo

    Năm 2018: Ngành Tư pháp sôi động với các hoạt động hợp tác quốc tế

    Thứ năm - 03/01/2019 07:40

    2018 là năm chứng kiến nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng, thành công và khẳng định được vị thế Việt Nam. Trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, với việc ký kết nhiều văn kiện hợp tác trong các chuyến thăm cấp cao đã tiếp tục thúc đẩy các quan hệ đối tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, ổn định và hiệu quả.

    Xứng tầm quan hệ đối tác chiến lược
    Theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, từ ngày 25-27/3/2018, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã thăm chính thức Cộng hòa Pháp. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai Bên đã ký sáu văn kiện hợp tác song phương.
    Trong lĩnh vực hợp tác về pháp luật và tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã thay mặt Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ký hai văn kiện là Chương trình hợp tác năm 2018, Phụ lục Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Hội đồng công chứng tối cao Pháp; Chương trình hợp tác giai đoạn 2018-2019 giữa Bộ Tư pháp hai nước.
    Với việc ký kết các văn kiện hợp tác nói trên, chắc chắn quan hệ hợp tác song phương về pháp luật và tư pháp giữa hai nước sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, vươn lên một tầm cao mới, xứng tầm với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện mà Lãnh đạo hai nước đã quyết định nâng cấp vào năm 2013.
    Bên lề các hoạt động chính thức của Đoàn công tác cấp cao, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cũng đã có các cuộc làm việc song phương với Bộ Tư pháp, Hội đồng công chứng tối cao, Hội đồng thừa phát lại quốc gia Pháp.
    Kết thúc thành công chuyến thăm cấp cao tại Cộng hòa Pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc tiếp tục cùng Đoàn công tác tháp tùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm và làm việc cấp Nhà nước tại Cộng hòa Cu-ba từ ngày 27 - 30/3/2018.
    Trong chuyến thăm này, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc đã chào xã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp Cu-ba María Esther Reus González. Sau đó, hai Bên đã tiến hành ký Chương trình hợp tác giai đoạn 2018 - 2019 giữa Bộ Tư pháp hai nước để tạo cơ sở cho việc triển khai thực hiện các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.
    Tiếp đó, vào đầu tháng 9/2018, tại Moskva, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã gặp Bộ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga Konovalov Alexandr Vladimirovich.
    Hai vị Bộ trưởng thống nhất tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình hợp tác giai đoạn 2018 - 2019, đưa hoạt động của Tổ công tác Việt - Nga về các vấn đề pháp lý ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Hai bên tăng cường trao đổi kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện tốt Hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý về các vấn đề dân sự và hình sự.
    Tiếp tục chuyến công du, từ ngày 8 - 11/9/2018 theo lời mời của Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm chính thức tại Hungary. Một trong những kết quả chính của chuyến thăm là hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng quan hệ hợp tác lên Đối tác toàn diện.
    Ngày 10/9, sau Hội đàm chính thức, hai nhà lãnh đạo đã chứng kiến Lễ ký bảy văn kiện hợp tác, trong đó có Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề dân sự, thay thế Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, hôn nhân gia đình và hình sự ký giữa hai nước vào năm 1985.
    Nhân dịp này, vào ngày 11/9, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Tư pháp Hungary Lát-xlô Trô-va-ki. Bộ trưởng Lê Thành Long cảm ơn và đánh giá cao về sự phối hợp hiệu quả của Bộ Tư pháp nước bạn trong việc đàm phán thành công Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự, phù hợp với xu hướng hiện đại hóa hợp tác về tương trợ tư pháp ngày nay; về sự hỗ trợ tích cực của Bạn trong việc thực hiện Thỏa thuận hợp tác giữa hai Bộ đã ký năm 2012, đặc biệt là Chương trình hợp tác giữa hai Bộ giai đoạn 2018 - 2019.
    Về phía Hungary, Bộ trưởng Tư pháp Lát-xlô Trô-va-ki khẳng định quan điểm sẵn sàng hỗ trợ chia sẻ kinh nghiệm cho Việt Nam trong cải cách pháp luật và cải cách tư pháp.
    Không ngừng vun đắp các quan hệ hợp tác tin cậy
    Ngày 12/6/2018, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản nhân dịp tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 24, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng Đoàn cán bộ cấp cao của Chính phủ, trong đó có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh, đã gặp và làm việc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yoko Kamikawa.
    Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan pháp luật, tư pháp của Nhật Bản, trong đó có Bộ Tư pháp đã dành cho Việt Nam trong quá trình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, xây dựng nền tư pháp trong sạch, dân chủ, văn minh, hiệu lực và hiệu quả.
    Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tư pháp Nhật Bản đẩy mạnh hợp tác về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và hình sự, tăng cường hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị La-hay về tư pháp quốc tế, duy trì hỗ trợ Việt Nam đào tạo luật và các chức danh tư pháp…
    Cũng trong lĩnh vực hợp tác với Nhật Bản, trước đó, trong hai ngày 6-7/6, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh và ông Kobayashi Yosuke, Trưởng Đại diện JICA tại Việt Nam chủ trì Phiên họp lần thứ 4 Ủy ban Điều phối chung Việt Nam - Nhật Bản. Phiên họp nhằm đánh giá kết quả triển khai Dự án JICA trong thời gian qua, đồng thời dự báo các vấn đề, đề ra phương hướng để tiếp tục triển khai Dự án hiệu quả hơn.
    2018 cũng là năm thúc đẩy hợp tác tư pháp giữa các nước trong khu vực với Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp ASEAN lần thứ 10 (ALAWMM 10) khai mạc ngày 12/10 tại Lào. Hội nghị có sự tham dự của Phó Thủ tướng Lào Bounthong Chitmani, Phó Tổng thư ký ASEAN Mochtan, cùng Bộ trưởng Tư pháp, Tổng Chưởng lý 10 nước ASEAN.
    Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dẫn đầu đoàn Việt Nam dự hội nghị. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long khẳng định Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật, mong muốn các nước tăng cường hợp tác và ủng hộ Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2020, năm ASEAN kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập Cộng đồng ASEAN và đánh giá các kế hoạch hành động ASEAN.
    Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Thành Long đã có cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng – Trưởng đoàn Thái Lan và Bộ trưởng Tư pháp Campuchia Angvong Vathana.
    Năm 2018 còn đánh dấu việc tổ chức thành công Hội nghị tư pháp các tỉnh có chung đường biên giới Việt – Lào mở rộng lần IV với chủ đề “Đẩy mạnh hợp tác tư pháp địa phương Việt Nam – Lào nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân vùng biên” diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào.
    Hội nghị do Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước CHDCND Lào Xay-xỉ Xẳn-ti-vông và Bộ trưởng Lê Thành Long chủ trì. Tại Hội nghị, hai bên đã thống nhất một số vấn đề về quốc tịch và hộ tịch của người dân khu vực biên giới Việt - Lào, về hợp tác tương trợ tư pháp; tăng cường hiểu biết của người dân đối với pháp luật của hai nước…
    Kết thúc Hội nghị, hai Bộ trưởng đã chứng kiến Lễ ký 4 thỏa thuận hợp tác giữa bốn cặp Sở Tư pháp địa phương, bao gồm: Sơn La – Bô Kẹo; Hải Dương – Viêng Chăn; Hải Phòng – Viêng Chăn; Kon Tum - Ắt Ta Pư.
    Trước đó, vào ngày 27/3, tại Thủ đô Viêng Chăn, Lào, Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Lào đã phối hợp tổ chức Lễ Khởi động Dự án Hỗ trợ Học viện Tư pháp quốc gia Lào do Chính phủ Việt Nam tài trợ. Với tinh thần đồng chí, anh em tin cậy lẫn nhau đã được xây dựng và bồi đắp trong suốt 35 năm qua, Lãnh đạo Bộ Tư pháp hai nước tin tưởng rằng Dự án sẽ được thực hiện một cách hiệu quả.
    Vị thế, uy tín của Việt Nam được nâng cao
    Cùng với các văn kiện hợp tác quan trọng được ký kết, năm 2018 đã đánh dấu mốc quan trọng khi lần đầu tiên Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Luật Thương mại quốc tế (UNCITRAL) nhiệm kỳ 2019 - 2025, với số phiếu 157/193 trong cuộc bầu cử tại Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 73 tại New York, Mỹ.
    UNCITRAL là cơ quan chuyên môn pháp lý của Liên Hợp quốc, được thành lập từ năm 1966 với mục đích thúc đẩy quá trình hài hòa và nhất thể hóa pháp luật thương mại quốc tế, thông qua đó giảm thiểu những rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế.
    Việc Việt Nam lần đầu tiên trở thành thành viên UNCITRAL đã khẳng định vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, mối quan hệ hữu nghị rộng mở của Việt Nam, đồng thời ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực luật thương mại quốc tế.
    Ngoài sự kiện trên, vào ngày 26/6, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc đã được bầu làm Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển khóa V nhiệm kỳ 2018 - 2023. Đây là 1 trong 64 tổ chức thành viên ở trung ương của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra của Liên hiệp hữu nghị. Hội có bốn thành viên tập thể trực thuộc, có đối tác chính là Ủy ban đoàn kết của Thụy Điển với Việt Nam, Lào và Campuchia.
    Cùng với Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc, ngày 20/10, tại Nhật Bản, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đã đem lại vinh dự cho Bộ Tư pháp khi được Chủ tịch Trường Đại học Nagoya, ông Seiichi Matsuo trao tặng Giải Cống hiến xây dựng và phát triển quan hệ hợp tác quốc tế vì những đóng góp xuất sắc trong thời gian qua.
    Sau Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long được Đại học Nagoya trao giải thưởng “Vì sự nghiệp Hợp tác quốc tế” năm 2012 khi đang đảm nhận cương vị Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh là nữ lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam được Đại học Nagoya trao Giải thưởng uy tín này. 
    Tác giả bài viết: Kim Quy
    Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp (www.moj.gov.vn)
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình