Abstract: The writing presents the situation of dissemination, legal education (PBGDPL) for youth and proposed some solutions to improve the efficiency of the dissemination, legal education for this audience during time to come.
Thanh thiếu niên là một bộ phận rất quan trọng của xã hội, giữ vai trò quan trọng trong dựng nước và giữ nước. Gắn thanh niên với vận mệnh của dân tộc, Hồ Chí Minh, trong nhiều bài viết của mình đã luận giải một cách thuyết phục rằng: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà... Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên". Ở Việt Nam hiện nay, thanh thiếu niên ở độ tuổi từ 14-25 tuổi, là nhóm đông nhất (chiếm 24,5% dân số - theo số liệu Tổng điều tra dân số 1999). Với đặc tính tâm lý, lứa tuổi thiếu niên ham hiểu biết, nhạy cảm, năng động, luôn có nhu cầu được thể hiện, khẳng định bản thân…thanh thiếu niên là bộ phận thường nhanh chóng tiếp thu, thích nghi với cái mới. Bên cạnh đó, cũng chính đặc điểm tâm lý này đã dẫn đến một bộ phận thanh thiếu niên thiếu bản lĩnh sống, thiếu ý thức tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, thiếu kiến thức về pháp luật dẫn đến dễ bị kích động, dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào các hoạt động vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Chính vì vậy trong bối cảnh nước ta vẫn đang là một nước có dân số trẻ thì việc tăng cường tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật với thanh thiếu niên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và cần được liên tục đổi mới cả nội dung lẫn phương pháp.
1. Những kết quả đạt được trong công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên trong thời gian qua
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm tới đối tượng này, xác định thanh thiếu niên là chiến lược của quốc gia dân tộc, Đảng đã ban hành và phổ biến nhiều chủ trương, chính sách nhằm giáo dục toàn diện cho thanh thiếu niên.
Báo cáo văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng lần XII đã nêu: “Đổi mới nội dung, phương thức giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, lòng yêu nước, xây dựng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho thế hệ trẻ”.
Ngoài ra, Nhà nước ban hành Luật Thanh niên năm 2005 quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của thanh niên; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội đối với thanh niên; tổ chức thanh niên.
Bên cạnh đó, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 cũng đã dành riêng Mục 3, Chương II về giáo dục pháp luật trong hệ thống giáo dục quốc dân nhằm trang bị cho thanh thiếu niên những kiến thức pháp luật cơ bản ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngày 28/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1501/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”;
Quyết định số 1042/QĐ-TTg ngày 17/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn II (2016-2020).
Chính sự triển khai đồng bộ về chính sách pháp luật như vậy đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận trong công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên.
Nội dung phổ biến, giáo dục chủ yếu tập trung vào các quyền và nghĩa vụ của thanh thiếu niên, chính sách, pháp luật mới ban hành, nhất là các lĩnh vực hôn nhân và gia đình, lao động, việc làm, hình sự, ma túy, mại dâm, bảo vệ môi trường, giao thông đường bộ…Năm 2017 các địa phương tập trung phổ biến các văn bản Luật, Pháp lệnh được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành trong năm 2016, 2017 có liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như: Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Bộ luật dân sự (sửa đổi); Bộ luật hình sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi); Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi); Luật tố tụng hành chính (sửa đổi); Luật Ban hành VBQPPL; Luật Hộ tịch; Luật Căn cước công dân; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; Luật Nghĩa vụ quân sự; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Trưng cầu ý dân...số lượng thanh, thiếu niên phạm tội ở phần lớn các tỉnh đã giảm hơn 10%, cá biệt có những tỉnh giảm đến hơn 90% như Thái Bình, Yên Bái. Có tới 39/49 tỉnh có thống kê cho thấy đạt mục tiêu hơn 80% thanh, thiếu niên được tuyên truyền, phổ biến pháp luật. [1]
Ở các địa phương, công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên thời gian qua được triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Theo Báo cáo tổng kết 7 năm thi hành Luật Thanh niên của Bộ Tư pháp, trong năm 2012 đến nay Bộ đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và đào tạo, Trung ương Hội Nông dân, Hội Sinh viên, Đoàn khối các cơ quan Trung ương đã phối hợp tổ chức 07 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL (mỗi hội nghị từ 100-200 người), trong đó gồm cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về thanh niên; cán bộ quản lý trại giam, trường giáo dưỡng tham gia công tác PBGDPL; báo cáo viên và cán bộ quản lý công tác PBGDPL trong trường học; cán bộ đoàn viên thanh niên các trường đại học; Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng mở trên 25 chuyên mục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật cho thanh, thiếu niên phát sóng trên các các kênh VTV2, VOV… và mở nhiều chuyên mục tư vấn, tuyên truyền pháp luật liên quan đến thanh niên trên các tờ báo, tạp chí phổ biến như Báo pháp luật Việt Nam, Báo pháp luật xã hội….Hỗ trợ 12 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (TP. Hà Nội, Điện Biện, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Bình, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Định, Đắk Nông, Tây Ninh, Sóc Trăng) thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên dưới các hình thức tổ chức các buổi nói chuyện, giới thiệu kiến thức pháp luật và hướng dẫn ứng xử pháp luật cho thanh thiếu niên tại xã, phường, thị trấn là những địa bàn có điểm nóng về tội phạm, tệ nạn xã hội, có tỷ lệ thanh thiếu niên phạm tội cao; Biên soạn, in ấn, cấp phát trực tiếp các tờ gấp pháp luật có nội dung phù hợp đến đối tượng tham dự (mỗi địa bàn Bộ hỗ trợ biên soạn, phát hành 08 loại tờ gấp pháp luật) và xây dựng các tình huống pháp luật (10 tình huống/đợt nói chuyện) nhằm hướng dẫn đối tượng vận dụng, giải quyết đúng với pháp luật. Kết quả 49 đợt nói chuyện pháp luật cho đội ngũ thanh thiếu niên đã được tổ chức; hàng vạn tờ gấp, tờ rơi pháp luật đã được cấp phát miễn phí cho các thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, ứng dụng các phương tiện công nghệ thông tin đại chúng, báo chí, truyền thông vào các hoạt động PBGDPL cho thanh thiếu niên được chú trọng, đẩy mạnh. Các địa phương đã xây dựng, thực hiện 20.449 chuyên mục, chương trình PBGDPL; 180.183 tin, bài về PBGDPL; 260.706 tin, bài để phát sóng, phát thanh, đăng tải nhằm tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật và giáo dục ý thức, trách nhiệm tôn trọng, tuân thủ pháp luật cho thanh thiếu niên trên các báo, đài, loa truyền thanh cơ sở của địa phương. Các địa phương đã xây dựng, duy trì hoạt động của 15.393 câu lạc bộ và thu hút 4.486.835 lượt thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên giao lưu, chia sẻ, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm sống, được thông tin, tiếp cận, tập huấn các kiến thức pháp luật có liên quan đến đời sống, công việc, học tập, từ đó gắn kết, tăng cường quan hệ và nâng cao trách nhiệm sống tốt, sống đúng.
Ngoài ra, các địa phương đã chú trọng biên soạn, cấp phát nhiều tài liệu PBGDPL (sách, tờ gấp, đĩa hình tiểu phẩm, câu chuyện pháp luật...) tới 10.758.489 người và 822.997 số cán bộ làm công tác PBGDPL; tổ chức các lớp, buổi tập huấn, nói chuyện pháp luật, giải đáp pháp luật (376.533 lớp, buổi với 16.754.106 lượt thanh thiếu niên tham gia, tham dự). Các địa phương cũng chú trọng tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng thanh thiếu niên đặc thù như thanh thiếu niên dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới; thanh thiếu niên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; miền biển, hải đảo, ngư dân; thanh thiếu niên trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật bằng những hình thức phù hợp hòa giải, trợ giúp pháp lý, phổ biến, giải đáp trực tiếp...) hoặc lồng ghép nội dung PBGDPL vào các chương trình văn hóa, học nghề cho thanh thiếu niên. [2]
Có thể nhận thấy rằng, nhận thức của thanh niên trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đối với xã hội và đất nước ngày càng được nâng cao. Thanh niên ngày nay xác định được vị trí, vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; tính tích cực chính trị - xã hội ngày càng được phát huy với việc nêu cao ý thức trách nhiệm, khả năng cống hiến của tuổi trẻ và sẵn sàng tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; ý thức chấp hành pháp luật của thanh niên ngày càng được nâng cao. [3]
2. Một số vấn đề còn tồn tại trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc PBGDPL cho thanh thiếu niên hiện nay vẫn còn một số tồn tại, cụ thể là:
- Công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên chưa đồng đều, toàn diện, chủ yếu mới hướng đến thanh thiếu niên học sinh, sinh viên trong trường học, thanh thiếu niên ở đô thị, thanh niên là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước.
- Ở nhiều địa phương công tác PBGDPL vẫn còn mang tính hình thức, một số mô hình khi triển khai thí điểm thì hiệu quả, nhưng khi nhân rộng ra thì kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Ví dụ mô hình tủ sách pháp luật là một trong những hình thức PBGDPL hiệu quả. Theo Quyết định số 06/2010/QĐ-TTg ngày 25/01/2010 của Chính phủ quy định về việc xây dựng, quản lý và khai thác Tủ sách pháp luật thì địa điểm đặt Tủ sách pháp luật cấp xã, cơ quan, đơn vị phải thuận tiện cho cán bộ, nhân dân trong việc đọc, mượn sách, báo, tài liệu pháp luật. Song do không có khả năng bố trí được người chuyên quản Tủ sách pháp luật như một thủ thư tại các thư viện, nên vị trí đặt Tủ sách pháp luật mỗi nơi mỗi khác, phổ biến nhất là đặt tại phòng làm việc của công chức Tư pháp - Hộ tịch để công chức này kiêm nhiệm “thủ thư”. Cách bố trí này đã làm cho người dân nói chung và bộ phận thanh thiếu niên nói riêng ngại đến tìm đọc sách, báo, tài liệu pháp luật trong giờ hành chính, còn ngoài giờ hành chính thì Tủ sách không có ai phục vụ.
- Các mô hình, nội dung, hình thức PBGDPL cho thanh thiếu niên chưa được chú trọng đổi mới, phù hợp với nhu cầu, tâm lý và lứa tuổi của họ. Một trong những văn bản liên quan đến quyền và lợi ích của thanh thiếu niên là Luật Thanh niên 2005 đã quy định 8 nhóm quyền và nghĩa vụ cơ bản của thanh niên. Tuy nhiên, theo một kết quả nghiên cứu, nhận thức của thanh niên về Luật Thanh niên và các chính sách trong Luật rất thấp. “Có tới 67,4% thanh niên trả lời chưa biết gì về quyền lợi của mình được quy định trong Luật và 46,8% thanh niên được hỏi thừa nhận trình độ nhận thức pháp luật của mình còn hạn chế. Như vậy, khi quyền lợi hợp pháp của thanh niên theo quy định của Luật bị xâm phạm, thanh niên sẽ không biết, không tự bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình.
- Sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể trong PBGDPL cho thanh thiếu niên thiếu đồng bộ, trách nhiệm chưa rõ ràng, dẫn tới hiệu quả còn hạn chế, một số địa phương còn cho rằng đây là trách nhiệm của Đoàn Thanh niên. Nếu chỉ một mình Đoàn Thanh niên hay ngành tư pháp nỗ lực trong công tác PBGDPL cũng chỉ như “muối bỏ bể” trước sự phát triển với tốc độ “tên lửa” của trình độ nhận thức và hệ thống văn bản pháp luật.
- Các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, nhất là kinh phí, do đó, việc tuyên truyền, PBGDPL chủ yếu mới tập trung vào thanh thiếu niên là học sinh, sinh viên trong trường học; thanh thiếu niên vi phạm trong trại giam, trường giáo dưỡng; chưa có điều kiện thực hiện liên tục, thường xuyên đối với thanh thiếu niên tự do, không có địa bàn cư trú ổn định, không có việc làm, trong khi đây là đối tượng có nguy cơ cao về vi phạm pháp luật, đòi hỏi cách thức tiếp cận, vận dụng các hình thức PBGDPL sáng tạo, đặc thù.
3. Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong thời gian tới
Thứ nhất, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh thiếu niên một cách đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch. Từ đó tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của đối tượng này.
Thứ hai, bảo đảm sự chỉ đạo, thực hiện thống nhất, đồng bộ các hoạt động của công tác PBGDPL. Trước hết là sự phối hợp thường xuyên của một số ngành có vai trò, trách nhiệm chính như Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn thanh niên trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ về công tác thanh niên; PBGDPL; đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm; hoạt động Đoàn, Đội của thanh thiếu niên.
Thứ ba, lồng ghép công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, nhất là lồng ghép trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, đổi mới nội dung, hình thức PBGDPL cho thanh thiếu niên phù hợp với từng nhóm đối tượng và điều kiện địa bàn. Nội dung phải phù hợp với nhu cầu của đối tượng; hình thức phải phong phú, đa dạng. Chú trọng gắn giáo dục pháp luật với giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống văn hóa; phải coi đây là những yếu tố thống nhất, không tách rời trong thực hiện giáo dục toàn diện cho thanh thiếu niên, cả về tư tưởng chính trị, lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa, lối sống theo pháp luật. Đồng thời, tăng cường PBGDPL cho thanh thiếu niên qua phương tiện thông tin đại chúng như xây dựng các chương trình truyền hình hay, hấp dẫn; sử dụng kênh báo chí, internet, hệ thống truyền thanh ở cơ sở để tuyên truyền sâu, đi vào tình huống ứng xử pháp luật; trang thông tin tuyên truyền pháp luật đưa nhiều tình huống pháp luật thiết thực liên quan đến thanh thiếu niên…
Thứ năm, Giải pháp chung cho những hạn chế của công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên là có sự phối hợp của các cấp, các ngành cùng với việc nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và đa dạng hóa các hình thức; bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực, chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ PBGDPL cho đội ngũ cán bộ đoàn, đội ngũ báo cáo viên phải được thực hiện hàng năm, đồng bộ trên toàn cả nước.
Thứ sáu, “Chạy” song song với các biện pháp PBGDPL còn cần các biện pháp hỗ trợ hiệu quả như hướng nghiệp, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn, không để tình trạng “nhàn cư vi bất thiện”.
Thứ bảy, Cần chú trọng đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để hỗ trợ cho công tác PBGDPL cho thanh thiếu niên ở địa phương được thực hiện một cách thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
[1]. Báo cáo Tổng kết 5 năm thực hiện Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015
[2]. Bài viết “Phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong giai đoạn hiện nay”, Ths. Ngô Quỳnh Hoa.
[3]. Báo cáo Tổng kết, đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Thanh niên, Bộ Nội vụ.
Ý kiến bạn đọc