20:45 ICT Thứ bảy, 20/04/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 109959
    • Tháng hiện tại: 2054233
    • Tổng lượt truy cập: 30714924

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017

    Thứ tư - 15/11/2017 14:51

    Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (gọi tắt là BLHS năm 2015) được ban hành đã thể hiện được những tư tưởng quan trọng của Hiến pháp năm 2013 với trọng tâm là đề cao, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

    Một trong những điểm mới cơ bản của BLHS năm 2015 là lần đầu tiên BLHS năm 2015 đã quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 66). Tha tù trước thời hạn có điều kiện là một chính sách hình sự mới hết sức nhân đạo được quy định tại BLHS năm 2015 nhằm thực hiện chủ trương “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội” đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. 
    Về bản chất, tha tù trước thời hạn có điều kiện là việc cho phép người đang chấp hành hình phạt tù có đủ điều kiện theo quy định được quay trở về với cộng đồng để cải tạo, sửa chữa lỗi lầm với sự giúp đỡ, giám sát của gia đình, các cơ quan, đoàn thể xã hội và họ phải tuân thủ một số nghĩa vụ nhất định. Nếu vi phạm các nghĩa vụ đến một mức độ nào đó thì Tòa án sẽ hủy bỏ việc tha trước thời hạn và buộc họ phải chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành. 
    Về chủ thể được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn
    Người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù hoặc người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng có thể được tha tù trước thời hạn.
    Điều kiện áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn
    - Phạm tội lần đầu:
     Căn cứ quy định về xóa án tích, quy định về tái phạm, tái phạm nguy hiểm thì có thể cho rằng phạm tội lần đầu là hành vi phạm tội của người bị kết án không thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Như vậy, có thể một người đã bị kết án và đã được xóa án tích, lại phạm tội mới và phải thi hành án phạt tù hoặc người đang có án tích nhưng lại bị kết án về tội mới là tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng do vô ý thì vẫn được tính là thuộc trường hợp phạm tội lần đầu.
    - Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt:
    Cơ sở để đánh giá là người đang chấp hành án có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt phải căn cứ vào quy định của pháp luật về thi hành án hình sự, cụ thể là phải căn cứ Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và Thông tư số 40/2011/TT-BCA ngày 27/6/2011 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn thi đua chấp hành án phạt tù và xếp loại chấp hành án phạt tù cho phạm nhân. Tuy nhiên, thực tế để đánh giá người chấp hành án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt phải thể hiện qua kết quả xếp loại của nhiều tháng, nhiều quý liên tục trước khi được quyết định áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện chứ không thể căn cứ vào việc xếp loại cải tạo khá, tốt 01 hoặc 02 kỳ trước khi được quyết định tha tù có điều kiện.
    - Có nơi cư trú rõ ràng:
    Nơi cư trú rõ ràng của người được áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện là nơi mà người được tha tù về sinh sống, cư trú sau khi được tha tù. Nơi cư trú này có thể là nơi mà người bị kết án đã thường trú trước khi phạm tội hoặc có thể là nơi khác với nơi mà người đang chấp hành án đã cư trú, sinh sống trước khi phạm tội (ngoại trừ trường hợp người được áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện còn phải thi hành hình phạt bổ sung là cấm cư trú ở một hoặc một số địa phương nhất định). Việc xác định nơi cư trú của người được tha tù có điều kiện là một việc làm bắt buộc, phải thể hiện trong quyết định tha tù có điều kiện, chứ không phải chỉ căn cứ vào nơi cư trú thể hiện trong hồ sơ thi hành án của người chấp hành án. Việc thực hiện quy định này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thực hiện đúng các nghĩa vụ trong thời gian thử thách không? hay xác định cơ quan, cá nhân nào sẽ chịu trách nhiệm theo dõi việc người bị kết án thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách? hay xác định thẩm quyền, thủ tục cho phép người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú trong thời gian thử thách.   
    - Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí:
    Việc thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, đã nộp đủ án phí là điều kiện bắt buộc đối với người đang chấp hành án phạt tù là người đủ 18 tuổi trở lên, để được xem xét áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện (nghĩa vụ này không áp dụng với người đang chấp hành án phạt tù là người dưới 18 tuổi[1]. Cơ sở để BLHS năm 2015 quy định nghĩa vụ này xuất phát từ kết quả thực tế thi hành phần dân sự trong bản án hình sự thu được rất thấp nhưng qua các đợt đặc xá, thì kết quả thi hành phần nghĩa vụ bồi thường dân sự, hình phạt tiền, án phí lại đạt tỷ lệ rất cao vì đây là một điều kiện bắt buộc khi xem xét quyết định đặc xá[2]. Mặt khác, trong điều kiện ở nước ta hiện nay, Nhà nước chưa quản lý được tài sản của cá nhân nên việc tài sản của người này được đứng tên người khác hoặc bị cất giấu là một thực tế. Bên cạnh đó, việc quy định người đang chấp hành án phạt tù phải thi hành xong nghĩa vụ bồi thường dân sự cũng là biện pháp để tránh xung đột phát sinh giữa người được tha tù có điều kiện khi về địa phương sinh sống với người bị hại hoặc đại diện người bị hại nhất là đối với các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc tội xâm phạm sở hữu. Do đó, việc quy định trong BLHS năm 2015 nghĩa vụ này là một trong các điều kiện để áp dụng biện pháp tha tù có điều kiện là cần thiết.
    - Đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
    Trường hợp người phạm tội là người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng, người đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì phải chấp hành được ít nhất là một phần ba mức phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất là 12 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân nhưng đã được giảm xuống tù có thời hạn.
    Người đang chấp hành án phạt tù để được xem xét tha tù trước thời hạn có điều kiện thì phải thực tế chấp hành một thời gian thi hành phạt tù nhất định. Vấn đề đặt ra là trường hợp người đang chấp hành án phạt tù đã được xét giảm thời hạn thi hành án thì khoảng thời gian đã được giảm này có được tính vào thời gian đã chấp hành án không? Quan điểm của tôi cho rằng, thời gian người chấp hành án được xét giảm mức hình phạt đã tuyên cần được tính vào thời gian đã chấp hành án vì như vậy sẽ phù hợp với quy định về xác định thời gian thi hành án. Mặt khác, quy định này sẽ bảo đảm sự công bằng giữa người đang chấp hành án phạt tù về tội ít nghiêm trọng (không có điều kiện phải “đã được giảm thời hạn chấp hành hình phạt”) với người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
    - Không thuộc một trong các trường hợp:
    + Người bị kết án về một trong các tội quy định tại Chương XIII (tội về xâm hại an ninh quốc gia); Chương XXVI (tội phạm phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh);
    + Người phải thi hành án có mức án từ 10 năm tù trở lên đối với một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm con người quy định tại Chương XIV của Bộ luật hình sự do cố ý (cụ thể là các tội quy định tại các điều: Điều 123 (Tội giết người), Điều 127 (Tội làm chết người trong khi thi hành công vụ), khoản 2 Điều 130 (Tội bức tử), khoản 4,5,6 Điều 134 (Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); khoản 2, 3, 4 Điều 141 (Tội hiếp dâm); Điều 142 (Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi); khoản 2, 3, 4 Điều 143 (Tội cưỡng dâm); Điều 144 (Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); khoản 2 Điều 145 (Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi); khoản 3 Điều 146 (Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi); khoản 3 Điều 147 (Tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm); khoản 2, 3 Điều 149 (Tội cố ý truyền HIV cho người khác); Điều 150 (Tội mua bán người); Điều 151 (Tội mua bán người dưới 16 tuổi); khoản 3 Điều 152 (Tội đánh tráo người dưới 01 tuổi); khoản 2, 3 Điều 153 (Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi); khoản 2, 3 Điều 154 (Tội mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người);
    Người thi hành án có mức án từ 07 năm tù trở lên đối với một trong các tội: tội cướp tài sản (Điều 168); tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169); tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251); tội chiếm đoạt chất ma túy (Điều 252).   
    + Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 40 của BLHS;
    Thời gian thử thách và hậu quả pháp lý:
    - Thời gian thử thách này được xác định là thời gian chấp hành phần hình phạt tù còn lại theo bản án mà người đó đang thi hành. Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là thời điểm người phải chấp hành án chính thức được trả tự do từ cơ sở giam giữ.
    - Trong thời gian thử thách, có 02 hậu quả pháp lý xảy ra nếu người  được tha tù vi phạm, đó là:
    + Thứ nhất, người được tha tù có điều kiện nếu cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính từ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện đối với họ và buộc họ phải quay trở lại trại giam để chấp hành phần hình phạt tù còn lại chưa chấp hành mà không được xem xét trừ thời gian đã được tạm tha vào thời gian thi hành án phạt tù còn lại. Tuy nhiên, trong trường hợp này khả năng người được tha tù bị hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện chỉ là “có thể” vì còn phụ thuộc vào sự đánh giá của Tòa án về mức độ vi phạm của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, nhất là trong trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính.
    + Thứ hai, trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thực hiện hành vi phạm tội mới. Trong trường hợp này, hậu quả người được tha tù bị hủy bỏ biện pháp tha tù có điều kiện là “đương nhiên”. Tòa án xét xử buộc người đó chấp hành hình phạt của bản án mới và tổng hợp hình phạt của bản án mới với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước theo quy định về tổng hợp hình phạt của nhiều bản án tại Điều 56 của BLHS.
    Việc quy định vấn đề này trong BLHS năm 2015 nhằm bảo đảm tính khả thi của việc áp dụng chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thực tế, có ý nghĩa răn đe buộc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải tích cực lao động, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật trong thời gian thử thách và có tác dụng rất lớn trong việc phòng ngừa người phải chấp hành án tiếp tục phạm tội mới.
    Quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện tại Bộ luật Hình sự năm 2015 là kết quả của quá trình nghiên cứu lâu dài, kỹ lưỡng về luật pháp, kinh nghiệm thực tiễn và áp dụng của các nước như Nhật Bản, Australia, Thái Lan, Mỹ... cũng như đánh giá điều kiện thực tế của Việt Nam để bảo đảm tính khả thi, phù hợp, đánh giá với các chế định hiện hành về miễn, giảm hình phạt tù, đặc xá để tránh chồng chéo.
    Tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp mới, do đó, để áp dụng có hiệu quả trên thực tế sẽ có nhiều vấn đề cần phải giải quyết như xây dựng bộ máy tổ chức thực thi, cơ chế quản lý, giám sát, giáo dục tại cộng đồng đối với người được tha tù trước thời hạn; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ cho việc quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước thời hạn; xây dựng cơ sở dữ liệu, phần mềm quản lý; tổ chức thực thi trong toàn quốc.../.
     

    [1] Khoản 6 Điều 91 BLHS quy định: “... không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết  số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án quy định, “trẻ em” thuộc một trong các trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí...
    [2] Điểm c khoản 1 Điều 10 Luật đặc xá quy định một trong các điều kiện đủ để được đề nghị đặc xá là “Đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm về tham nhũng hoặc một số tội phạm khác được Chủ tịch nước quyết định trong mỗi lần đặc xá thì phải chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, bồi thường thiệt hại, án phí hoặc nghĩa vụ dân sự khác.”
    Theo http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=385551: Trong 7 lần đặc xá, tổng số tiền những phạm nhân được đặc xá và thân nhân của họ đã nộp trong quá trình phạm nhân chấp hành án phạt tù để thực hiện hình phạt bổ sung (phạt tiền, bồi thường thiệt hại, nộp án phí hoặc các nghĩa vụ dân sự khác) là hơn 1.059 tỷ đồng và 157.036 USD.

    Tác giả bài viết: Ths. Hoàng Thị Oanh
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình