02:29 ICT Thứ tư, 13/11/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 10388
    • Tháng hiện tại: 833725
    • Tổng lượt truy cập: 60812291

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Kinh tế tư nhân sau Nghị quyết 10: Tồn tại và giải pháp

    Thứ sáu - 09/08/2019 14:02

    Th.S Lê Tiến Cảnh - Khoa GDCTTC-VH

    Tóm tắt: Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã khẳng định vai trò, vị trí, vốn có của khu vực kinh tế tư nhân, là đầu tàu của sự tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam. Sau 02 năm thực hiện Nghị quyết 10, khu vực kinh tế tư nhân bước đầu có sự phát triển mạnh mẽ hơn và từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam. Nhìn lại thành quả sau 02 năm thực hiện Nghị quyết, chỉ ra được những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại ngăn cản sự phát triển  từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 10-NQ/TW.
    Từ khóa: Nghị quyết 10, Kinh tế tư nhân, tồn tại, giải pháp.
    1. KINH TẾ TƯ NHÂN VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ
    1.1. Kinh tế tư nhân, hiểu một cách khái quát chung là khu vực kinh tế nằm ngoài quốc doanh (ngoài khu vực kinh tế nhà nước), bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó tư nhân nắm trên 50% vốn đầu tư. Kinh tế tư nhân là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất. Hiểu ở cấp độ hẹp, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cả thế, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất.
    Kinh tế tư nhân hoạt động dưới các hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp doanh. Đây là những hình thức phổ biến, được phát triển mạnh mẽ trong những năm vừa qua với các quy mô, mức độ khác nhau.
    1.2. Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân
    Qua từng thời kỳ Đại hội Đảng, sự tồn tại và phát triển cũng như vai trò của khu vực kinh tế tư nhân dần được khẳng định và nhấn mạnh tầm quan trọng. Nhìn lại quá trình nhận thức về kinh tế tư nhân của Đảng từ Đại hội VI đến nay, Đảng ta luôn chú trọng đến phát triển khu vực kinh tế này. Bắt đầu từ Nghị quyết Đại hội VI của Đảng năm 1986 chính thức công nhận khu vực kinh tế tư nhân với việc lần đầu tiên công nhận sự tồn tại của nhóm thành phần kinh tế phi chủ nghĩa xã hội. Trải qua từng thời kỳ phát triển, đến Hội nghị Trung ương 5 khóa IX của Đảng, lần đầu tiên, vấn đề phát triển kinh tế tư nhân đã được đưa ra thảo luận trong một chuyên đề riêng và ra Nghị quyết “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, trong đó khẳng định: “Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển nền kinh tế nhiều thành phần định hướng xã hội chủ nghĩa”. Kế tiếp, văn kiện Đại hội X của Đảng năm 2006 đã nhận định: Kinh tế tư nhân là khu vực “có vai trò quan trọng là một trong những động lực của nền kinh tế”. Trong Nghị quyết Đại hội XI năm 2011 của Đảng đã chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”, đến Nghị quyết Đại hội XII của Đảng năm 2016 nêu: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn các tập đoàn kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Như vậy đã có sự nhấn mạnh rõ hơn, coi kinh tế tư nhân là “một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Và đến Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/10/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, như vậy lần đầu tiên có hẳn 01 nghị quyết về kinh tế tư nhân, điều này khẳng định sự quan tâm, nâng tầm kinh tế tư nhân xứng đáng với vị trí, vai trò vốn có của nó, là đầu tàu của sự tăng trưởng nền kinh tế đất nước vì chỉ có khu vực kinh tế tư nhân mới có thể có sự năng động, thích ứng nhanh với sự biến động của nền kinh tế thị trường.
    Như vậy sau hơn 30 năm kể từ Đại hội VI của Đảng, tại Hội nghị Trung ương khóa XII (tháng 5/2017), một lần nữa, kinh tế tư nhân tiếp tục được Đảng khẳng định và ưu tiên phát triển với mục tiêu đưa nó “thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” với mục tiêu “phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 đến triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; bình quân giai đoạn 2016 - 2025, năng suất lao động tăng khoảng 4-5%/năm, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4, nhiều doanh nghiệp của tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”.
    2. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC CỦA KHU VỰC KINH TẾ TƯ NHÂN SAU 02 NĂM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 10
    Ngày 03 tháng 6 năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam được tiếp thêm sức mạnh để gánh vác sứ mệnh là một động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước. Nhiều công trình, dự án quy mô lớn do các doanh nghiệp tư nhân đầu tư đã và đang mọc lên, tạo sức bật mới cho các địa phương cũng như cho tăng trưởng kinh tế đất nước.
    Điểm tích cực trong hơn hai năm thực hiện Nghị quyết là tinh thần khởi nghiệp lan tỏa rộng rãi trong xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế tư nhân trong một số lĩnh vực như xây dựng, chế biến, chế tạo, công nghiệp ô tô, vận tải hàng không, tài chính, ngân hàng… góp phần không nhỏ trong phát triển thương hiệu quốc gia Việt Nam trong những ngành, lĩnh vực có nhiều tiềm năng, thế mạnh. Xu hướng phát triển các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo diễn ra sôi động, hiện có hơn 3.000 công ty khởi nghiệp sáng tạo (starup) đang hoạt động, trong đó có nhiều doanh nghiệp thành công.
    Theo Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số lượng doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động tăng lên. Nếu như năm 2014 số doanh nghiệp được thành lập mới là gần 75.000 doanh nghiệp thì khi cánh cửa được mở ra với khối doanh nghiệp này sau Nghị quyết 10 thì chỉ trong 2 năm là 2017 và 2018 đã có gần 259.000 doanh nghiệp được thành lập mới và 60.458 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động quay trở lại nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện và các chính sách của Nhà nước hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Không chỉ tăng lên về mặt số lượng mà cả chất lượng của khối doanh nghiệp này cũng đã có sự thay đổi rõ rệt.
    Một số thí dụ thực tiễn để nói lên sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân trong giai đoạn này, sân bay quốc tế Vân Đồn, cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với sân bay Vân Đồn, cả 03 công trình này đều do 01 tập đoàn tư nhân đầu tư với tổng vốn hơn 20.000 tỷ đồng; Năm 2019, chiếc xe hơi thương hiệu Việt đầu tiên của Việt Nam cũng ra đời, nếu như nhiều năm qua, Việt Nam chưa có được 01 sản phẩm chế tạo nào để định vị mình trong bản đồ công nghiệp thế giới thì doanh nghiệp tư nhân Vinfast đã làm được điều đó; Sau Vietjet Airway, Bamboo Airway là hãng hàng không tư nhân tiếp theo đã gia nhập thị trường và còn rất nhiều điều kỳ diệu khác kể từ khi khối doanh nghiệp tư nhân tiếp tục khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của mình khi đầu tư vào những lĩnh vực vốn xưa nay chỉ có nhà nước làm hoặc chỉ có những tập đoàn nước ngoài có thể làm được.
    Kinh tế tư nhân đóng góp lớn trong GDP và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh. Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp hơn 40% GDP cao hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI, đóng góp khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 60% tổng lượng hàng hóa vận chuyển. Kinh tế tư nhân có xu hướng vượt khu vực kinh tế nhà nước để trở thành thành phần kinh tế thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội lớn nhất. Mỗi năm khu vực kinh tế này tăng đều đặn xấp xỉ 10%/năm, hơn 45 triệu người đang làm việc trong khối doanh nghiệp tư nhân.
    Khu vực doanh nghiệp tư nhân cũng tạo nhiều việc làm mới; số lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong khu vực kinh tế chiếm đa số lực lượng lao động và ngày càng tăng. Năm 2019, số lao động đang làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân chiếm 83,3% tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc của cả nước, tương đương gần 45,2 triệu người (năm 2017: 44,9 triệu người). Trong 2 năm 2017 - 2018, số doanh nghiệp thành lập mới đã tạo gần 2,3 triệu việc làm mới.
    Trong 2 năm 2017 - 2018, vốn đầu tư của kinh tế tư nhân tăng trưởng lần lượt 17,1% và 18,5% so với năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 11 - 12%/năm). Theo đó, tỷ trọng vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng nhanh và đã vượt mức 40% (năm 2017: 40,6% và năm 2018: 43,27%).
    Kinh tế tư nhân huy động nguồn vốn lớn trong xã hội cho phát triển kinh tế. Trong 2 năm 2017 - 2018, số doanh nghiệp thành lập mới có tổng số vốn đăng ký là 2,77 triệu tỷ đồng (chưa bao gồm gần 4,28 triệu tỷ đồng vốn tăng thêm của các doanh nghiệp đang hoạt động).
    Kinh tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong hoạt động thương mại của Việt Nam. Trong hai năm 2017 - 2018, khu vực kinh tế tư nhân chiếm tỷ trọng 25,3 - 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và chiếm tỷ trọng 34,7 - 34,8% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa, lớn gấp hơn 10 lần về xuất khẩu và gần 7 lần về nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp nhà nước (không kể dầu thô).
    Thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân tăng nhanh, trên 15%/năm, cao khoảng gấp 2 lần khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi nộp ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm. Những nỗ lực của Chính phủ trong thúc đẩy phong trào khởi sự kinh doanh và cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại kết quả bước đầu. Thu ngân sách nhà nước từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh liên tục tăng trên 16%. Năm 2018 là năm đầu tiên thu ngân sách nhà nước từ sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp nhà nước. Những tín hiệu này phản ánh sự lớn mạnh về quy mô, số lượng chủ thể và sự cải thiện về hiệu quả của kinh tế tư nhân.
    Đóng góp vào thu ngân sách nhà nước của kinh tế tư nhân ngày càng lớn. Từ năm 2016 trở về trước, thu ngân sách nhà nước từ hoạt động sản xuất kinh doanh của kinh tế tư nhân chỉ chiếm tỷ trọng dưới 30% tổng thu từ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, thấp hơn cả tỷ trọng của doanh nghiệp nhà nước (thấp hơn đến 11%) và tỷ trọng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đến năm 2018 thì tỷ trọng này của kinh tế tư nhân đã đã vượt khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và vượt xa (gần 9%) khu vực doanh nghiệp nhà nước. Đóng góp vào tăng thu ngân sách nhà nước cho thấy sự phát triển của kinh tế tư nhân đã phát huy vai trò đối với việc củng cố nền tài chính quốc gia.
    3. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN ĐƯỢC GIẢI QUYẾT
    Sau 02 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 10, khu vực kinh tế tư nhân đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn dân, khu vực kinh tế tư nhân vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của mình để thực sự đóng vai trò là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Thực trạng đó đặt ra những vấn đề cần được giải quyết để thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển, thực hiện thành công Nghị quyết 10, cụ thể:
    - Môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thực sự thuận lợi, chưa được cải thiện vững chắc, thậm chí có dấu hiệu chững lại, còn nhiều rào cản đối với phát triển kinh tế tư nhân chưa được tháo gỡ; cơ chế chính sách khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển còn nhiều bất cập, thiếu đồng bộ.
    Thí dụ như chính sách thuế cho đến nay vẫn chưa có những biện pháp hữu hiệu để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo đà cho doanh nghiệp phát triển. Hiện nay, việc thu thuế áp dụng ngay cho doanh nghiệp có doanh thu, như vậy rất khó khuyến khích doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, bài bản vì doanh nghiệp tư nhân nói chung, doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng còn thiếu và yếu về nhiều mặt nhưng vẫn chịu mức thuế chung như các doanh nghiệp đã lớn mạnh là khập khiễng, bất bình đẳng trong chính sách. Bộ Tài chính đã có động thái đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa từ 20% xuống 15%, tuy nhiên đây chỉ là tư duy nhỏ giọt vì với tình trạng nhiều doanh nghiệp làm ăn còn mang tính cầm chừng, không có lãi như hiện nay thì việc giảm thuế không mang lại ý nghĩa thiết thực là khuyến khích, đồng hành cùng doanh nghiệp.
    - Số lượng doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhưng cũng có một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp không có khả năng tồn tại, đứng vững cạnh tranh hoặc hoạt động kém hiệu quả, thậm chí có chiều hướng tăng lên.
    Theo Báo cáo 2 năm thực hiện nghị quyết TW 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN: trong 2 năm 2017-2018, có 151.204 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tỷ lệ số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động so với số doanh nghiệp thành lập mới lần lượt là 47,73% và 69,05%; gần 50% doanh nghiệp của tư nhân kinh doanh thua lỗ. Tỷ lệ doanh nghiệp có khả năng sống sót thấp ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu đạt ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Đến năm 2018, ước tính cả nước mới có gần 715 nghìn doanh nghiệp”.
    Theo số liệu từ cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2017 của thành phố Hồ Chí Minh (địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động nhiều nhất cả nước) cũng chỉ ra, mặc dù số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh nhưng quy mô doanh nghiệp thì chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm tới 97,8%, trong đó doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ chiếm 82,76%. Xét về hiệu quả thông qua chỉ tiêu lợi nhuận còn rất hạn chế. Trong tổng số 171.655 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn thành phố thì chỉ có 64.607 doanh nghiệp hoạt động có lãi, chiếm 37,81%; 96.936 doanh nghiệp bị thua lỗ, chiếm 56,49%; số còn lại kinh doanh hòa vốn. Đây là thực trạng của nền kinh tế thành phố HCM và cũng là thực trạng chung của nền kinh tế tư nhân Việt Nam hiện nay đáng để cho chúng ta phải suy ngẫm.
    - Năng lực hội nhập kinh tế quốc tế của doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu tham gia các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu.
    Việt nam “hiện chỉ có 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất” - đây là thông tin được chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đưa ra tại Hội thảo “Nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm – Giải pháp tăng trưởng xuất khẩu bền vững” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 08/8/2018. Tuy nhiên trong số doanh nghiệp này thì chiếm hơn 70% kim ngạch xuất khẩu đến từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài FDI. Thực trạng này là do thiếu vắng các doanh nghiệp vuy mô vừa, có tính hiệu quả kinh tế theo quy mô để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu; quá trình sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nói riêng ít gắn kết vào chuỗi giá trị, trên thực tế hợp tác kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng (29,5%) và sản xuất hàng hóa dịch vụ (24,8%) còn khâu phát triển sản phẩm mới gần như không có sự hợp tác; mối liên kết ngược/xuôi giữa 2 khối doanh nghiệp trong nước và FDI đang rất hạn chế, không tạo được hiệu ứng lan tỏa; Nhà nước còn thiếu các chính sách khuyến khích và hạ tầng hỗ trợ liên kết cũng như việc đô thị hóa chưa đạt hiệu quả, chưa giúp phát triển các trung tâm kết nối kinh tế và sáng tạo dẫn đến sự xa cách giữa 2 khối doanh nghiệp này.
    - Vẫn còn tồn tại sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và doanh nghiệp FDI.
    Theo một khảo sát của VCCI công bố năm 2017, các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn nằm trong nhóm các doanh nghiệp chịu thiệt thòi nhất. Có tới 38% doanh nghiệp được hỏi cho rằng “sự ưu ái của chính quyền địa phương với các doanh nghiệp nhà nước đã gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp”, hơn 42% doanh nghiệp được hỏi đồng ý với nhận định rằng “chính quyền địa phương dường như ưu tiên việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài hơn là việc phát triển khu vực tư nhân trong nước”. Các chiến lược trước đây của Chính phủ nhằm giao vai trò chủ đạo cho các doanh nghiệp nhà nước cũng ảnh hưởng tới khả năng của các doanh nghiệp tư nhân trong việc phát triển và khai thác triệt để các cơ hội do toàn cầu hóa mang lại.
    Mặc dầu hiện nay, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm phát triển kinh tế tư nhân phát triển, đặc biệt sau Nghị quyết 10 nhưng vẫn còn tồn tại nhiều khúc mắc giữa việc phân biệt đối xử không thật bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.
    4. NHỮNG GIẢI PHÁP TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƯ NHÂN THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT 10
    Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu có ít nhất 01 triệu doanh nghiệp năm 2020, hơn 1,5 triệu doanh nghiệp năm 2025 và có ít nhất 02 triệu doanh nghiệp năm 2030. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đạt khoảng 50% GDP năm 2020, khoảng 55% GDP năm 2025 và 60-65% GDP năm 2030. Để đạt mục tiêu đề ra cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong phát triển nền kinh tế, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
    - Tiếp tục thay đổi nhận thức về kinh tế tư nhân.
    Cần có sự thống nhất nhận thức trong xã hội về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân. Xây dựng cơ chế, chính sách định hướng sự phát triển của kinh tế tư nhân; hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp luật về kinh tế tư nhân. Sửa đổi một số cơ chế, chính sách đào tạo, tiền lương, thu nhập và bảo hiểm xã hội… Phát huy thế mạnh và tiềm năng to lớn của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế - xã hội phải đi đôi với khắc phục có hiệu quả những mặt trái, những tiêu cực phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân.
    - Tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm.
    Phải mở rộng khả năng tham gia thị trường của kinh tế tư nhân và đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường, tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận các nguồn lực để phát triển, đặc biệt là nguồn lực đất đai, nguồn vốn, lao động, phải tạo điều kiện để tư nhân tiếp cận khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, kinh doanh.
    - Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp tư nhân và các loại hình doanh nghiệp khác, đáp ứng yêu cầu tham gia các chuỗi giá trị sản xuất khu vực và toàn cầu.
    Để tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp Việt Nam phải biết nắm bắt thời cơ, xây dựng chí hướng lớn với tinh thần dám nghĩ, dám làm và khát vọng bay cao, bay xa thì mới có thể lớn mạnh, tham gia vào sân chơi chung với các tập đoàn trong khu vực và thế giới.
    Để tăng mức độ kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI và khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong nước cần tăng chất lượng nguồn nhân lực, rút ngắn khoảng cách về công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh – là chìa khóa thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI.
    Chính nội lực yếu nên chưa tranh thủ được ngoại lực. Việt Nam cần phải tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ cần nhanh chóng hiện thực hóa các chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, Chính phủ khi xây dựng khu công nghiệp riêng cho khu vực FDI cần tính đến sự kết nối với các khu, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
    Cần thúc đẩy các hoạt động phát triển công nghệ tầm trung phù hợp với trình độ phát triển hiện tại, như thiết lập các cụm liên kết ngành sản xuất linh kiện đòi hỏi quy mô đầu tư vốn vừa phải và độ tinh vi công nghệ ở mức trung bình Việt Nam cũng cần nắm bắt được làn sóng khởi nghiệp của các doanh nghiệp công nghệ và thúc đẩy các hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm giúp các doanh nhân vượt qua rào cản về vốn, rủi ro, nguồn nhân lực… để hiện thực hóa các ý tưởng của mình liên quan đến công nghệ và đổi mới sáng tạo.
    Chính phủ cần tập trung vào việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh kết nối một cách công bằng để các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng. Hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, tách biệt các doanh nghiệp FDI có thể giúp nâng cao hiệu quả hoạt động và xuất khẩu.
    - Xóa bỏ sự phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân với loại hình doanh nghiệp khác.
    Để đảm bảo quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực của doanh nghiệp trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định về cấp phép kinh doanh, xuất nhập khẩu, quản lý thị trường…, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức cần có sự đột phá trong tư duy và hành động, kiên trì đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thật tốt luật pháp, cơ chế, chính sách phù hợp với quy luật thị trường và thông lệ, chuẩn mực quốc tế; xóa bỏ mọi rào cản, định kiến; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.
    - Hỗ trợ về thông tin và đào tạo, đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua đào tạo đại học, đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân.
    Giúp các doanh nghiệp tư nhân có đầy đủ thông tin về nghề nghiệp kinh doanh và những thông tin liên quan đến lĩnh vực của họ; tổ chức đào tạo cho doanh nhân cách quản lý; hỗ trợ đào tạo công nhân có tay nghề trong môi trường làm việc thực tế tại doanh nghiệp, trong các trường dạy nghề. Trong hệ thống giáo dục, học sinh học hết lớp 9 có thể chuyển sang học trung học chuyên nghiệp nghề để đi làm. Xây dựng tiêu chuẩn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có năng lực hành nghề chuyên môn, kỹ năng mềm, đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật đạo đức làm việc, trách nhiệm nghề nghiệp và trách nhiệm lao động. Tập trung vào việc xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập; hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp; nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới.
    - Vấn đề thể chế. Để tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần có giải pháp đột phá mở đường cho các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp nhỏ có thể lớn lên; dùng một luật để sửa nhiều luật về doanh nghiệp và môi trường kinh doanh để khắc phục nhanh những điểm nghẽn về thể chế, bảo đảm sự nhất quán trong khung khổ pháp luật hiện nay về doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh như chuỗi các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 của Chính phủ.
    KẾT LUẬN
    Những kết quả đạt được bước đầu của khu vực kinh tế tư nhân đã khẳng định tính đúng đắn của Nghị quyết 10-NQ/TW, khẳng định quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế là hoàn toàn đúng đắn. Tuy vậy, những kết quả trên chỉ là bước đầu, thực tế còn rất nhiều tồn tại, khó khăn đang kìm hãm sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Để thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần có sự chung tay đồng hành một cách quyết liệt của cả hệ thống chính trị, “trên dưới một lòng” thực hiện thành công Nghị quyết 10 đưa khu vực kinh tế tư nhân cũng như nền kinh tế Việt Nam phát triển, sớm hoàn thành mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
    Tài liệu tham khảo
    [1] Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/10/2017 về “phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
    [2] Chính phủ, Nghị quyết 98/NQ-CP ngày 03/10/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW.
    [3] Diễn đàn phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Báo cáo 02 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hà Nội, 4/2019.
    [4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, Nxb CTQG, Hà Nội - 2016.
    [5] Economica Vietnam (2018). “Kinh tế tư nhân Việt Nam, Năng suất và Thịnh Vượng”, Hà Nội, 2018.

    Những tin cũ hơn

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình