22:01 ICT Thứ sáu, 29/03/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 122062
    • Tháng hiện tại: 2305440
    • Tổng lượt truy cập: 28414469

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Điều kiện kết hôn theo Luật Gia đình nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

    Thứ sáu - 22/02/2019 07:42

    Hôn nhân là một hiện tượng xã hội, là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ về mặt tình cảm trên nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện được pháp luật thừa nhận để cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Sự liên kết đó phát sinh và hình thành thông qua sự kiện kết hôn. Hiện nay, việc kết hôn giữa công dân Việt Nam và công dân Lào diễn ra ngày càng phổ biến, do đó việc tìm hiểu một số quy định về hôn nhân và gia đình theo quy định của pháp luật nước CHDCND Lào là một trong những nội dung quan trọng, góp phần đảm bảo việc kết hôn thực hiện đúng quy định pháp luật của cả hai quốc gia. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ tập trung đề cập đến các điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Gia đình nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

    1. Điều kiện kết hôn
    Theo phong tục, truyền thống ở nước Lào, nam và nữ làm quen, tìm hiểu nhau một cách dễ dàng, cởi mở. Người Lào rất quý con và luôn có sự bình đẳng giữa con gái với con trai. Bởi vậy, con gái Lào từ mười sáu tuổi trở lên được tự do tiếp bạn trai tại nhà, có thể cùng bạn trai đi dự các buổi lễ hội, hội chợ… Tình yêu đôi lứa tự nhiên nảy nở từ sự giao thiệp cởi mở, song vẫn được giữ trong khuôn khổ lễ giáo. Từ xưa đến nay trong hôn nhân của người Lào, khi cha mẹ đôi bên đã quyết định bàn chuyện kết duyên cho con cái họ thì đôi nam nữ đã yêu nhau hoặc tối thiểu đã quen biết nhau rõ ràng.
    Theo Luật Gia đình Lào 1990, sửa đổi bổ sung 2008, gia đình là tế bào của xã hội, gia đình có bền vững, hạnh phúc thì xã hội mới có thể ổn định và phát triển. Để làm phát sinh quan hệ hôn nhân giữa chủ thể này với chủ thể khác, thì mỗi cá nhân khi tham gia vào quan hệ này phải đáp ứng được điều kiện kết hôn do luật định.
    1.1.Tuổi kết hôn
    Độ tuổi là thước đo cho sự phát triển của con người, đảm bảo khả năng họ có thể thực hiện sứ mạng của mình là xây dựng gia đình và phát triển xã hội. Do đó, Luật Gia đình Lào đã quy định một độ tuổi kết hôn chung cho cả nam và nữ. Cụ thể tại Khoản 1, Điều 9 Luật Gia đình Lào 1990, sửa đổi bổ sung 2008 quy định độ tuổi kết hôn của nam và nữ là từ đủ 18 tuổi trở lên. Hay tại Điều 8 cũng đã quy định: Nam, nữ đến tuổi trưởng thành 18 tuổi có quyền tự do lựa chọn bạn đời theo sự tự nguyện và tình yêu của hai bên để lấy nhau làm vợ chồng theo phong tục tập quán tốt đẹp của quốc gia Lào.
    Sở dĩ pháp luật có sự quy định như vậy, vì theo quan niệm của người Lào, nam nữ đều có quyền bình đẳng ngang nhau khi tham gia vào các quan hệ xã hội, việc quy định độ tuổi nàyđều xuất phát từ tình hình thực tế của quốc gia Lào, phù hợp với sự phát triển tâm sinh lí của cá nhân, điều kiện kinh tế, xã hội và nền văn hóa của quốc gia này. Bên cạnh đó, khi đạt đến một độ tuổi này thì mỗi cá nhân đều đã có suy nghĩ đúng đắn và nghiêm túc trong việc kết hôn của mình, họ có thể gia vào quá trình lao động tạo ra thu nhập đảm bảo cuộc sống gia đình ấm no, bền vững.
    Như vậy, việc quy định độ tuổi kết hôn ở Lào tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, mức độ phát triển tâm sinh lý của cá nhân, nhận thức của cá nhân, phong tục tập quán, thực tiễn áp dụng và quan niệm của các nhà lập pháp.
    1.2. Kết hôn tự nguyện
    Kết hôn phải dựa trên ý chí của nam, nữ mà không bị tác động bởi bất cứ người nào khiến họ phải kết hôn trái với nguyện vọng của họ. Hai bên nam nữ mong muốn trở thành vợ chồng xuất phát từ tình yêu thương giữa họ và nhằm mục đích là cùng nhau xây dựng gia đình. Sự tự nguyện là yếu tố quan trọng đảm bảo cho hôn nhân có thể tồn tại lâu dài và bền vững. Theo quy định tại Điều 1/1 Luật Gia đình 1990, sửa đổi bổ sung 2008: “Gia đình là tế bào của xã hội, trong đó có chồng, vợ, con và các thành viên khác trong gia đình, có mối quan hệ gắn bó với nhau, sống cùng nhau và có hộ khẩu gia đình”. Do đó, đảm bảo điều kiện kết hôn tự nguyện chính là đảm bảo cho sự ổn định, phát triển của xã hội, của đất nước.
    Theo quy định tại Khoản 2, Điều 9 Luật Gia đình 1990, sửa đổi bổ sung 2008, việc kết hôn phải đảm bảo điều kiện: “Có tình yêu, sự đồng ý và sự tự nguyện của nam, nữ”. Có thể nói, tình yêu đi đến hôn nhân là quyền và mong muốn chính đáng của những cặp đôi yêu nhau. Kết hôn hay không, kết hôn với ai và kết hôn khi nào do nam nữ tự quyết định. Theo quy định trên, thì tự nguyện kết hôn là quyền của nam, nữ. Sự tự nguyện của nam, nữ khi kết hôn là điều kiện cần thiết để đảm bảo cho hôn nhân có giá trị pháp lí. Quy định này nhằm đề cao tính độc lập về suy nghĩ và sự tự nguyện, chủ động quyết định dựa trên tình cảm, tình yêu của mỗi bên nam, nữ khi kết hôn.
    Mặt khác, tự nguyện kết hôn, tức là nam và nữ đủ điều kiện kết hôn theo quy định được kết hôn và lập gia đình một cách tự do, tự nguyện mà không bị ép buộc, cản trở. Cụ thể quy định tại Điều 3, Luật Gia đình 1990, sửa đổi bổ sung 2008: Nhà nước bảo vệ quyền tự do kết hôn của nam và nữ. Nam, nữ đến tuổi trưởng thành 18 tuổi có quyền tự do lựa chọn bạn đời theo sự tự nguyện và tình yêu của hai bên để lấy nhau làm vợ chồng theo phong tục tập quán tốt đẹp của quốc gia Lào. Nhà nước không cho phép một cá nhân, gia đình hay tổ chức nào bắt buộc hoặc cản trở việc kết hôn của con cháu, các thành viên khác trong gia đình, cán bộ và công chức ở dưới sự quản lý của mình.
    Như vậy, tự nguyện của nam, nữ là điều kiện cần thiết quyết định tính hợp pháp của hôn nhân. Song, việc đánh giá sự tự nguyện không chỉ căn cứ vào ý chí thực sự của nam, nữ dựa trên tình yêu chân thành giữa họ mà còn dựa trên cơ sở pháp lý là mục đích của việc kết hôn, là mong muốn của những người kết hôn đạt tới. Mục đích đó không có gì khác là để được cùng nhau chung sống và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
    1.3. Đảm bảo chế độ một vợ một chồng
    Bên cạnh việc kết hôn phải đảm bảo điều kiện về độ tuổi, sự tự nguyện thì còn phải đảm bảo điều kiện một vợ một chồng.Theo quy định tại Điều 4 và Khoản 3, Điều 9 Luật Gia đình 1990, sửa đổi bổ sung 2008, việc kết hôn phải được tiến hành giữa những cá nhân: Độc thân, li hôn hoặc một bên vợ hoặc chồng chết có giấy chứng nhận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”.“Nữ và nam khi đến tuổi kết hôn, việc lấy vợ, lấy chồng phải thực hiện nguyên tắc một vợ một chồng. Nhà nước không đồng ý cho nữ và nam có nhiều chồng, nhiều vợ”.
    Hôn nhân một vợ một chồng là điều kiện quan trọng góp phần làm cho cuộc sống vợ chồng lâu dài, bền vững và thực sự hạnh phúc. Theo đó, việc kết hôn giữa hai bên nam nữ sẽ được pháp luật công nhận khi mỗi bên nam, nữ đang là người độc thân; đã từng lấy vợ hoặc lấy chồng, nhưng tại thời điểm đăng kí kết hôn mới, người đó đã li hôn hoặc một bên vợ hoặc chồng chết có giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
    Theo quy định trên, Nhà nước Lào đã thể hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng, điều này là phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước Lào trong giai đoạn hiện nay.
    1.4. Không bị mất năng lực hành vi dân sự
    Theo quy định tại Khoản 4, Điều 9 Luật Gia đình 1990, sửa đổi bổ sung 2008, một trong những điều kiện quan trọng khi nam nữ kết hôn với nhau đó là, người kết hôn: “Không bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc không bị bệnh ác tính hoặc truyền nhiễm”.
    Năng lực hành vi dân sự là khả năng của cá nhân trong việc nhận thức, điều khiển hành vi của mình xác lập quyền, thực hiện nghĩa vụ dân sự với cá nhân, tổ chức khác. Người bị mất năng lực hành vi dân sự là người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình.
    Nhà nước Lào không cho phép người mất năng lực hành vi dân sự kết hôn, bời vì người bị mất năng lực hành vi dân sự sẽ không có khả năng nhận thức, bày tỏ ý chí kết hôn do vậy họ cũng không thể tự mình kết hôn. Ngoài ra, việc người mất năng lực hành vi dân sự mà kết hôn sẽ có ảnh hưởng giống nòi không đảm bảo được trách nhiệm làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ. Như vậy, từ những phân tích trên pháp luật Lào cũng ghi nhận người kết hôn phải là người không bị mất năng lực hành vi dân sự.
    Bên cạnh đó, Luật Gia đình 1990, sửa đổi bổ sung 2008 còn quy định người kết hôn phải là người không bị bệnh ác tính hoặc truyền nhiễm, điều này cũng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên thứ hai trong mối quan hệ kết hôn, đảm bảo con cái sinh ra được khỏe mạnh cả về thể lực lẫn trí tuệ, có thể phát triển tốt để trở thành công dân có ích cho xã hội.
    Có thể thấy rằng, các điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Lào đã được xây dựng trên cơ sở thực tiễn xã hội cũng như kinh nghiệm xây dựng pháp luật của các nước trên Thế giới. Bước đầu, các quy định này đã giúp cho mỗi cá nhân khi tham gia vào quan hệ hôn nhân có thể thực hiện quyền và lợi ích hợp pháp của mình, đồng thời, góp phần quan trọng trong việc giúp các cơ quan Nhà nước quản lý tốt vấn đề kết hôn, thúc đẩy sự tiến bộ xã hội. Thông qua các điều kiện kết hôn nói trên, chúng ta có thể thấy trong quá trình hội nhập thế giới, Nhà nước Lào đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình nói chung và Luật Gia đình Lào nói riêng nhằm phù hợp với các điều ước và tuyên ngôn quốc tế mà quốc gia Lào là thành viên.
    2. Kết luận
    Hôn nhân và gia đình luôn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước Lào đặc biệt quan tâm, vì gia đình là tế bào của xã hội, gia đình tốt sẽ góp phần tạo nên xã hội tốt và xã hội tốt cũng là điều kiện để xây dựng gia đình tốt. Trong đó, điều kiện kết hôn là một trong những vấn đề cơ bản. Theo tiến trình phát triển của lịch sử Lào, điều kiện kết hôn cũng đã dần được chú ý hoàn thiện, thể chế hóa một cách đầy đủ hơn trong pháp luật Lào. Đảm bảo điều kiện kết hôn nói riêng và quyền kết hôn cho mỗi cá nhân nói chung sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của mỗi cá nhân, gia đinh và xã hội.

    Tác giả bài viết: GV: Nguyễn Thị Hương

    Những tin mới hơn

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình