13:28 ICT Chủ nhật, 22/12/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 85391
    • Tháng hiện tại: 2464710
    • Tổng lượt truy cập: 65393807

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Vận dụng Nghị quyết 27-NQ/TW vào giảng dạy môn học Luật Hiến pháp tại Trường Cao đẳng Luật miền Trung

    Thứ năm - 30/03/2023 14:45

    Luật Hiến pháp là ngành luật chủ đạo trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đồng thời là một môn khoa học pháp lý trong các cơ sở đào tạo Luật nói chung và tại Trường Cao đẳng Luật nói riêng. Đây là môn học luật chuyên ngành đầu tiên mà học sinh, sinh viên được học trong chương trình đào tạo, cung cấp những kiến thức cơ bản, nền tảng để người học tiếp tục học tập, nghiên cứu các môn luật chuyên ngành tiếp theo.
    Luật Hiến pháp điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất, quan trọng nhất liên quan đến tổ chức quyền lực nhà nước, gắn liền với việc xác định chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao của đất nước, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Do đó, một số nội dung trong các văn kiện đại hội Đảng, đặc biệt là Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cụ thể hóa rõ nét trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị Trung ương khoá XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới là một trong những nguồn tài liệu quan trọng giúp giảng viên có thể vận dụng linh hoạt vào bài giảng của mình.
    Từ việc xác định các nội dung cơ bản trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, khi nghiên cứu, soạn bài và giảng dạy môn học Luật Hiến pháp giảng viên cần phải bám sát, vận dụng linh hoạt, hiệu quả vào các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 27-NQ/TW để phân tích, làm rõ cho học sinh, sinh viên, hiểu và nắm được các vấn đề sau:
    Thứ nhất: Nội dung về Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam (cụ thể tại Chương 2. Chế độ chính trị): Giảng viên chủ yếu tập trung nêu rõ và phân tích các đặc trưng cơ bản của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Vận dụng Nghị quyết số 27-NQ/TW để luận giải cho học sinh, sinh viên hiểu ý nghĩa và nội dung để có những nhận thức thống nhất về các đặc trưng đó. Cụ thể, theo Nghị quyết thì có 8 đặc trưng của Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam,  đó là: (i) Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; (ii) Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; (iii) quyền con người, quyền công dân được công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật; (iv) Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật; (v) quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; (vi) hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, được thực hiện nghiêm minh và nhất quán; (vii) độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; (viii) tôn trọng và bảo đảm thực hiện các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế. 
    Đây là những đặc trưng mới được thể hiện trong Nghị quyết số 27-NQ/TW, nhằm để nhấn mạnh tính thượng tôn pháp luật, đề cao pháp luật dân chủ vì con người, phù hợp với giai đoạn mới trong sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước ta hiện nay.
    Thứ hai: Nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (cụ thể tại Chương 3. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân): Giảng viên cần nhấn mạnh quan điểm, chủ trương của Ðảng và quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; làm rõ nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm; quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân, việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia - dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
    Thứ ba: Làm rõ nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, cơ chế Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, nhất là dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp dưới sự giám sát của Nhân dân (cụ thể tại Chương 5. Bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Bên cạnh đó nêu rõ điểm mới của Nghị quyết số 27-NQ/TW về cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người đại diện cho Nhân dân đó là đổi mới cơ chế bầu cử để lựa chọn được những người đại diện cho Nhân dân; nghiên cứu việc bỏ phiếu bầu cử của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài, làm rõ những trường hợp không được bầu cử. 
    Thứ tư: Tập trung làm rõ những định hướng của Đảng đối với các cơ quan trong bộ máy nhà nước như: 
    + Quốc hội (Chương 6): Tiếp tục xây dựng Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội. Gắn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với đơn vị bầu cử và cử tri; đổi mới mạnh mẽ nội dung, hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội. Tiếp tục nghiên cứu để xác định rõ hơn phạm vi, đối tượng, phương pháp, hình thức giám sát tối cao của Quốc hội phù hợp với thực tiễn.
    + Chủ tịch nước (Chương 7): Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước trong vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, trong hoạt động đối nội, đối ngoại, trong mối quan hệ với Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp.
    + Chính phủ (Chương 8): Phát huy đầy đủ vị trí, vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tổ chức các bộ, các cơ quan chuyên môn đa ngành, đa lĩnh vực; giảm hợp lý số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện…
    + Chính quyền địa phương (Chương 11): Tiếp tục sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nghiên cứu thí điểm sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH… Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, khoa học, hợp lý, đi đôi với nâng cao trách nhiệm, gắn với bảo đảm nguồn lực, năng lực thực hiện, pháp luật cho các địa phương và các bộ, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự quản lý thống nhất của Chính phủ, phát huy vao trò chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của từng địa phương và các bộ… 
    Với việc vận dụng những nội dung cơ bản trong Nghị quyết số 27-NQ/TW vào giảng dạy các môn học luật nói chung và môn học Luật Hiến pháp nói riêng một cách đầy đủ, toàn diện sẽ đảm bảo cho việc nhận thức thống nhất, đúng đắn về việc tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trong giai đoạn mới. Bởi vậy, mỗi giảng viên giảng dạy cần phải tiếp thu nghiêm túc, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện các nội dung, định hướng vừa có tính tổng kết lý luận, tổng kết thực tiễn và có cách nhìn thống nhất, toàn diện hơn trong việc truyền đạt những nội dung theo đúng tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW vào bài giảng với các đối tượng học sinh, sinh viên cho phù hợp và hiệu quả./.
    Tác giả bài viết: ThS. Võ Thị Thu Hằng
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình