03:36 ICT Thứ sáu, 29/03/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 18949
    • Tháng hiện tại: 2202327
    • Tổng lượt truy cập: 28311356

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Một số nội dung cơ bản về Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

    Thứ sáu - 26/10/2018 15:42

    Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2012 của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (sau đây gọi là Luật BHVBQPPL) quy định nguyên tắc, nội dung và thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) để đảm bảo rằng việc xây dựng và sửa đổi pháp luật có hiệu quả, minh bạch và thống nhất trong cả nước, nội dung của VBQPPL có chất lượng, đầy đủ, dễ hiểu, có thể thực hiện được; cho phép hội nhập khu vực và quốc tế; đóng góp vào sự phát triển của nhà nước pháp quyền của nhân dân do nhân dân và vì nhân dân. Bài viết dưới đây tác giả sẽ tóm tắt một số nội dung cơ bản của Luật BHVBQPPL. Law on making legislation 2012 in Lao PDR (and then, it will be call Law BHVBQPPL) defines principles, regulations and procedures for making legislation to ensure that the development and amendment of legislation is effective, transparent and uniform throughout the country and ensuring that the content of legislation has quality, completeness, is easy to understand, implementable and reflects the realities of the country, [that legislation] enables regional and international integration, and [that legislation] contributes to the development of the rule of law state of the people, by the people and for the people. The following summarizes key elements of the BHVBQPPL.

    I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG                    
    Luật BHVBQPPL gồm 7 Phần 92 Điều quy định cụ thể về nguyên tắc, nội dung và thủ tục xây dựng VBQPPL. Phần các quy định chung được quy định từ Điều 11 đến Điều 14 gồm một số nội dung sau:
    Tại Điều 3 Luật BHVBQPPL quy định có 2 kiểu VBQPPL: VBQPPL áp dụng chung và VBQPPL áp dụng cá biệt.[i] Đối với các quy định về trình tự thủ tục ban hành VBQPPL tại Luật BHVBQPPL chỉ áp dụng cho loại VBQPPL áp dụng chung:[ii] Cụ thể:
    - Hiến pháp;
    - Luật;
    - Nghị quyết của Quốc hội;
    - Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
    - Sắc lệnh của Chủ tịch nước;
    - Nghị định của Chính phủ;
    - Nghị quyết của Chính phủ;
    - Lệnh, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
    - Lệnh, Quyết định, Chỉ thị hướng dẫn của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ;
    - Lệnh, Quyết định và Chỉ thị hướng dẫn của Tỉnh trưởng, Đô trưởng;
    - Lệnh, Quyết định và Chỉ thị hướng dẫn của Huyện trưởng;
    - Quyết định của Bản.[iii]
    Luật BHVBQPPL cho phép tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng VBQPPL phù hợp theo quy định về thời gian và thủ tục. Bên cạnh đó, tổ chức có thẩm quyền xây dựng VBQPPL sẽ đăng dự thảo văn bản pháp luật bao gồm Hiến pháp, Luật và Nghị định trên trang web hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác nhằm đảm bảo rằng công chúng có thể dễ dàng tiếp cận trong một khoảng thời gian ít nhất 60 ngày để lấy ý kiến, trừ trường hợp cần thiết và trường hợp khẩn cấp theo quyết định của một VBQPPL khác.[iv]
    Cũng theo Luật BHVBQPPL, VBQPPL đang được xây dựng phải phù hợp với VBQPPL cao hơn. Nếu quy định của VBQPPL luật mới được thông qua không phù hợp với các quy định của công ước hoặc hiệp ước quốc tế mà Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là thành viên thì ưu tiên áp dụng các điều khoản của công ước hoặc hiệp ước quốc tế và sẽ được xem xét lại vào thời điểm cụ thể. Trong trường hợp các VBQPPL có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Trong trường hợp các VBQPPL do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của VBQPPL ban hành sau.[v] Từ những quy định trên cho thấy pháp luật Việt Nam và pháp luật Lào đều có nguyên tắc áp dụng VBQPPL về cơ bản là giống nhau.[vi]
    Bên cạnh đó, Nhà nước Lào khuyến khích quan hệ hợp tác với nước ngoài, các tổ chức khu vực và quốc tế liên quan đến sự phát triển của pháp luật bằng cách trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ dữ liệu và thông tin, tổ chức các cuộc hội thảo, nâng cao kiến ​​thức, năng lực kỹ thuật, hỗ trợ phát triển pháp luật và thực hiện các công ước và hiệp ước quốc tế mà Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là thành viên.
    II. CÁC QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG, SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP VÀ LUẬT
    Các quy định về xây dựng, sửa đổi Hiến pháp và Luật được quy định từ Điều 15 đến Điều 58 gồm một số nội dung cơ bản sau:
    Hiến pháp Lào là luật cơ bản của quốc gia Lào. Quốc hội là cơ quan duy nhất thực hiện việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Hiến pháp được thông qua khi có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Quốc hội biểu quyết tán thành.[vii] Về tỷ lệ quy định này giống với quy định của pháp luật Việt Nam.[viii]
    Khái niệm Luật theo quy định của Luật BHVBQPPL được xác định là VBQPPL được xây dựng bởi cơ quan có thẩm quyền, được Quốc hội thông qua và do Chủ tịch nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ban hành; đó là các nguyên tắc, quy định và biện pháp điều chỉnh các mối quan hệ xã hội trên phạm vi toàn lãnh thổ hoặc vùng đặc biệt, và có hiệu lực lâu dài trên cả nước.[ix] Một số tổ chức, cá nhân có quyền đề xuất soạn thảo Luật là:
    - Chủ tịch nước;
    - Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
    - Chính phủ;
    - Toà án nhân dân tối cao;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Mặt trận Lào xây dựng đất nước.[x]
    Đối với việc xây dựng và sửa đổi luật, Luật BHVBQPPL quy định cụ thể 6 bước tiến hành thực hiện, cụ thể như sau:
    Thứ nhất, xây dựng kế hoạch xây dựng và sửa đổi Luật
    Kế hoạch xây dựng và sửa đổi Luật bao gồm kế hoạch năm năm và kế hoạch hàng năm.
    Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi Luật xây dựng kế hoạch xây dựng và sửa đổi Luật bằng cách xác định mục tiêu, phạm vi trong việc ban hành và sửa đổi luật; yêu cầu và các điều kiện cần thiết trong hoạt động xây dựng và sửa đổi Luật. Sau đó, đề xuất trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức khác có quyền đóng góp ý kiến ​​về việc xây dựng và sửa đổi Luật cho các tổ chức, cá nhân phụ trách xây dựng và sửa đổi Luật nhằm cung cấp thông tin cho kế hoạch xây dựng và sửa đổi Luật.[xi]
    Sau khi các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền đề xuất kế hoạch xây dựng và sửa đổi Luật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội biên soạn và đề xuất một Kế hoạch năm năm xây dựng và sửa đổi Luật trình lên Quốc Hội tại kỳ họp đầu tiên của khóa mới để thông qua.
    Kế hoạch hàng năm xây dựng và sửa đổi Luật được thông qua bởi Ủy ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở Kế hoạch năm năm xây dựng và sửa đổi Luật và đề xuất của các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đề xuất xây dựng và sửa đổi Luật.
    Thứ hai, xây dựng Dự thảo Luật
    Cơ quan có quyền đề xuất xây dựng Luật là cơ quan có thẩm quyền xây dựng dự thảo Luật.[xii] Khi đưa ra dự thảo Luật, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ thực hiện các hoạt động sau:
    - Thiết lập chính sách về xây dựng Luật;
    - Chỉ định một Ban soạn thảo Luật;
    - Thu thập và phân tích thông tin;
    - Soạn thảo nội dung dự thảo;
    - Tiến hành tham vấn cộng đồng;
    - Làm một bản thuyết minh và đánh giá tác động của dự thảo Luật.
    Việc đưa ra luật mới có thể dẫn đến việc sửa đổi một số điều khoản của các VBQPPL về cùng một vấn đề hoặc một khu vực để đảm bảo sự nhất quán và tốc độ thực hiện.
    Đặc biệt đối với vấn đề tham vấn cộng đồng, Luật BHVBQPPL 2012 quy định rất rõ. Sau khi có sự chấp thuận của người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm xây dựng pháp luật, Ban soạn thảo sẽ trình một dự thảo Luật với các câu hỏi trọng tâm tới các bộ phận liên quan, chính quyền địa phương và các bên liên quan khác có ý kiến ​​liên quan đến các vấn đề thuộc thẩm quyền của họ, chẳng hạn như Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ để đảm bảo các vấn đề tài chính và tổ chức. Các cơ quan hữu quan phải có ý kiến ​​bằng văn bản gửi Ban soạn thảo Luật trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày ngày nhận được dự thảo Luật. Ngoài ra, Ban soạn thảo Luật còn tổ chức tham vấn cộng đồng, hội thảo và đăng tải tất cả các nội dung của dự thảo, bao gồm cả lưu ý giải thích và tác động đánh giá dự thảo Luật, như được quy định tại các Điều 38 và 39 của Luật BHVBQPPL về trang web của Chính phủ hoặc trang web của Ban trong ít nhất sáu mươi ngày để cho phép mọi người và tất cả các bên tham gia ý kiến ​​về nội dung dự thảo Luật. Ban soạn thảo Luật sẽ tiến hành nhận xét, trao đổi trước khi xem xét và sửa đổi dự thảo Luật.[xiii]
    Sau khi tham vấn và rà soát lại dự thảo luật đã được hoàn thành, cơ quan có trách nhiệm xây dựng Luật sẽ đề xuất dự thảo Luật cùng với văn bản giải trình và bản đánh giá tác động dự thảo cho Bộ Tư pháp chậm nhất là một trăm hai mươi ngày trước khi bắt đầu phiên họp Quốc hội để xem xét tính nhất quán và kỹ thuật của dự thảo Luật.[xiv]
    Thứ ba, Bộ Tư pháp rà soát sự phù hợp của dự thảo Luật[xv]
    Bộ Tư pháp chấp nhận xem xét một dự thảo Luật do cơ quan có thẩm quyền soạn thảo khi bản thuyết minh và đánh giá tác động phù hợp theo quy định tại các Điều 38 và 39 của Luật BHVBQPPL 2012 kèm theo dự thảo Luật.
    Bộ Tư pháp tiến hành nghiên cứu toàn diện và rà soát dự thảo Luật, đặc biệt là cấu trúc, mục, chương, điều và sự nhất quán của dự thảo Luật trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được dự thảo Luật. Nếu có vấn đề không rõ ràng, Bộ Tư pháp có ý kiến ​​bằng văn bản cho cơ quan phụ trách soạn thảo để xem xét lại và cơ quan có thẩm quyền phải gửi bản giải trình lên Bộ Tư pháp trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được ý kiến.
    Khi xem xét tính nhất quán pháp luật, sẽ có đại diện của Ủy ban Pháp luật và các Uỷ ban liên quan của Quốc hội để theo dõi quá trình làm Luật.
    Sau khi rà soát và xác định nội dung của dự thảo Luật đã hoàn chỉnh, Bộ Tư pháp sẽ mời Ban soạn thảo và các ngành liên quan xem xét và chỉnh sửa dự thảo Luật để đảm bảo rằng có sự nhất trí trước khi đề xuất dự thảo Luật cho Chính phủ.
    Sau khi rà soát tính phù hợp về mặt pháp lý của dự thảo Luật, Bộ Tư pháp đề xuất dự thảo Luật với một báo cáo về quá trình chuẩn bị dự thảo Luật, các vấn đề chưa được giải quyết hoặc cần đề xuất và các giải pháp thay thế cùng với bản thuyết minh và báo cáo đánh giá tác động lên Chính phủ ít nhất chín mươi ngày trước ngày Quốc hội bắt đầu phiên họp.
    Thứ tư, Chính phủ rà soát dự thảo Luật
    Sau khi nhận được dự thảo Luật và các tài liệu liên quan, Văn phòng Chính phủ xem xét các chính sách, các vấn đề không nhất trí, các kiến ​​nghị và đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp Chính phủ. Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Luật và các văn bản liên quan cho Các thành viên Chính phủ và các bên liên quan ít nhất bảy ngày trước ngày phiên họp Chính phủ bắt đầu.
    Thủ tướng Chính phủ chỉ định một Ủy ban bảo vệ Luật dựa trên đề nghị của cơ quan có thẩm quyền phụ trách soạn thảo luật để trình bày và bảo vệ dự thảo tại kỳ họp Quốc hội.
    Chính phủ trình dự thảo Luật lên Uỷ ban thường vụ Quốc hội chậm nhất là sáu mươi ngày trước ngày bắt đầu của phiên họp Quốc hội.[xvi]
    Thứ năm, Quốc hội rà soát và thông qua Luật
    Khi nhận được dự thảo luật của Chính phủ, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ giao cho Uỷ ban Pháp luật và các Uỷ ban liên quan khác của Quốc hội để tiến hành rà soát toàn diện trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét.[xvii] Uỷ ban Pháp luật và các Uỷ ban khác của Quốc hội sẽ tiến hành rà soát toàn diện dự thảo luật gồm một số nội dung chính quy định tại Điều 50 Luật BHVBQPPL 2012. Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức tham vấn cộng đồng công khai tham khảo ý kiến ​​về dự thảo Luật nếu được dự thảo Luật liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc liên quan trực tiếp đến các quyền và lợi ích chung của người dân, đồng thời giám sát thực hiện và tổng hợp ý kiến ​​đóng góp của người dân thông qua sự hỗ trợ để hoàn thiện nội dung của Luật trước khi trình lên phiên họp Quốc hội xem xét.
    Việc xem xét việc thông qua luật trong phiên họp của Quốc hội sẽ được tiến hành bằng một cuộc bỏ phiếu kín hoặc bỏ phiếu công khai. Luật chỉ được thông qua khi nhận được đa số phiếu của các thành viên của Quốc hội tham dự phiên họp.[xviii]
    Thứ sáu, Chủ tịch nước ban hành Luật
    Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề xuất Luật được thông qua bởi Quốc hội lên Chủ tịch nước trong vòng 20 ngày kể từ ngày được thông qua tại kỳ họp Quốc hội để xem xét ban hành.
    Chủ tịch nước xem xét ban hành Quyết định của Chủ tịch nước về việc ban hành Luật không chậm hơn mười ngày kể từ ngày nhận được Luật từ Quốc hội. Trong thời gian này, Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội xem xét lại tính hợp pháp của Luật. Nếu Quốc hội xác nhận bản gốc, Chủ tịch nước Cộng hòa sẽ ban hành Luật trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận được bản xác nhận hợp pháp từ Quốc hội.
    III. CÁC QUY ĐỊNH VỀ XÂY DỰNG, SỬA ĐỔI VĂN BẢN DƯỚI LUẬT
    Các quy định về xây dựng, sửa đổi Hiến pháp và Luật được quy định từ Điều 59 đến Điều 79 gồm một số nội dung cơ bản sau:
    1. Xây dựng Nghị quyết Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội[xix]
    Nghị quyết của Quốc hội là quyết định về một vấn đề cụ thể đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội liên quan đến kinh tế - xã hội kế hoạch phát triển, kế hoạch ngân sách nhà nước, thực hiện pháp luật và các vấn đề khác theo nhiệm vụ của Quốc hội.
    Nghị quyết của Quốc hội do Ban Thư ký của phiên họp của Quốc hội phối hợp với Chính phủ và các Uỷ ban của Quốc hội xây dựng. Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội không yêu cầu đăng trên trang web hoặc phương tiện in hoặc các phương tiện khác để tham vấn cộng đồng như quy định tại Điều 8 của Luật BHVBQPPL.
    Một khi dự thảo Nghị quyết được hoàn thiện, Ban thư ký của kỳ họp Quốc hội trình Quốc hội dự kiến ​​thông qua.
    Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là quyết định được thực hiện trên bất kỳ vấn đề đưa vào một cuộc họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, kiểm tra việc thi hành Hiến pháp, Luật bao gồm việc giải thích Hiến pháp, Luật và các vấn đề khác theo các quyền và nghĩa vụ của Ủy ban thường vụ quốc hội.
    Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội do Chính phủ hoặc các Uỷ ban Quốc hội liên quan xây dựng. Việc đưa ra một Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không yêu cầu đưa lên trang web, phương tiện in hoặc các phương tiện khác theo quy định tại Điều 8 của Luật BHVBQPPL.
    Một khi Nghị quyết được hoàn thiện, sẽ được trình tại cuộc họp của  Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.
    Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực pháp lý khi có hơn một nửa số thành viên có mặt trong cuộc họp thông qua.
    2. Xây dựng Sắc lệnh của Chủ tịch nước
    Sắc lệnh của Chủ tịch nước là VBQPPL thấp hơn Luật xác đinh các nguyên tắc, quy định và biện pháp quản lý các mối quan hệ xã hội hoặc sửa đổi các điều khoản cụ thể trong Luật do Chủ tịch nước ban hành theo đề nghị của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.[xx]
    Soạn thảo Sắc lệnh của Chủ tịch nước được thực hiện theo cùng một thủ tục đối với việc soạn thảo Luật. Đối với Sắc lệnh Chủ tịch nước ban hành để sửa đổi hoặc điều chỉnh một số điều khoản cụ thể, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình lên phiên họp Quốc hội tiếp theo để xem xét, thông qua.
    3. Xây dựng Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ
    Nghị định của Chính phủ là VBQPPL của Chính phủ ban hành nhằm:[xxi]
    - Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và kế hoạch chiến lược;
    - Quản lý các mối quan hệ xã hội ở một khu vực nhất định để đáp ứng nhu cầu của Nhà nước về quản lý và quản lý kinh tế - xã hội;
    - Thành lập tổ chức và hoạt động của Bộ, cơ quan ngang Bộ..
    Ngoài ra, Chính phủ còn có thẩm quyền ban hành Nghị định hướng dẫn việc thực hiện Luật bằng việc giải thích chi tiết về một số điều khoản trong trường hợp Luật yêu cầu phải quy định cụ thể.
    Chính phủ sẽ xây dựng một kế hoạch xây dựng Nghị định dựa trên các đề xuất của các Bộ, cơ quan Chính phủ hoặc trên cơ sở đề xuất ​​của Chính phủ. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trình Văn phòng Chính phủ trước ngày đầu tháng 9 hàng năm.
    Nghị quyết của Chính phủ là VBQPPL quyết định một số vấn đề đưa vào xem xét tại cuộc họp Chính phủ, ví dụ: Kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển quốc gia, kế hoạch ngân sách nhà nước và các vấn đề khác theo thẩm quyền của Chính phủ.[xxii]
    Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ không bắt buộc phải được đăng trên trang web hoặc phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi hoàn thiện dự thảo, Văn phòng Chính phủ sẽ đề xuất với Chính phủ cuộc họp để thông qua. Nghị quyết của Chính phủ sẽ được thông qua theo các điều khoản được quy định trong Luật tổ chức Chính phủ Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
    4. Xây dựng Lệnh, Quyết định, Chỉ thị hướng dẫn
    Lệnh là VBQPPL do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền thuộc Chính phủ yêu cầu các cá nhân hoặc tổ chức thực hiện một kế hoạch, Luật, Nghị định của Chủ tịch nước và các quy định, vấn đề khác thuộc phạm vi quyền hạn và nghĩa vụ của họ.[xxiii]
    Quyết định là VBQPPL do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền thuộc Chính phủ ban hành quyền thực thi các quyền và nghĩa vụ của mình hoặc để xây dựng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác. [xxiv]
    Chỉ thị là VBQPPL do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền thuộc Chính phủ ban hành nhằm thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, kế hoạch Ngân sách Nhà nước, kế hoạch hoặc các hoạt động nhất định bằng cách cung cấpquy định chung, phương thức, thủ tục, thời gian thực hiện, điều phối và một số vấn đề khác.[xxv]
    - Xây dựng Lệnh và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ[xxvi]
    Văn phòng Chính phủ dự thảo Lệnh của Thủ tướng Chính phủ bằng cách kết hợp với các cơ quan có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
    Về việc soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và gửi bản dự thảo có đánh giá tác động  trên trang web, phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 8 của Luật BHVBQPPL trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
    - Xây dựng Lệnh, Quyết định và Chỉ thị hướng dẫn của Bộ và Cơ quan ngang Bộ[xxvii]
    Cơ quan, văn phòng hoặc bộ phận chuyên trách của Bộ, cơ quan ngang Bộ soạn thảo Lệnh hoặc Chỉ thị hướng dẫn của Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ với sự tham gia của đơn vị pháp lý, bộ phận chuyên trách phối hợp với các cơ quan khác có liên quan trước khi trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ xem xét.
    Để soạn thảo Quyết định của Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan, văn phòng hoặc bộ phận chuyên trách sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan khác và đăng dự thảo Quyết định cùng với bản đánh giá tác động lên trang web, phương tiện thông tin đại chúng khác theo quy định tại Điều 8 của Luật BHVBQPPL trước khi trình Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để xem xét.
    - Xây dựng Lệnh, Quyết định và Chỉ thị hướng dẫn của Tỉnh trưởng, Đô trưởng, Huyện trưởng[xxviii]
    Bộ phận chuyên trách của chính quyền địa phương sẽ soạn thảo Lệnh của của Tỉnh trưởng, Đô trưởng, Huyện trưởng bằng cách phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan bao gồm các thành viên của Quốc hội, Văn phòng bầu cử trước khi trình lên Sở Tư pháp Tỉnh hoặc Sở Tư pháp Thành phố trực thuộc trung ương, Phòng Tư pháp để kiểm tra và đánh giá trước khi trình cho Tỉnh trưởng, Đô trưởng, Huyện trưởng.
    Dự thảo sẽ được đăng lên cùng với bản đánh giá tác động trên trang web, phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại Điều 8 của Luật BHVBQPPL.
    Xây dựng Lệnh, Quyết định và chỉ thị hướng dẫn của Tỉnh trưởng, Đô trưởng, Huyện trưởng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan và tiến hành một cuộc rà soát và được đăng trên phương tiện truyền thông địa phương hoặc được dán trên bảng thông tin của Huyện hoặc Văn phòng chính, Văn phòng thôn hoặc khu vực cộng đồng trung tâm cho công chúng tham vấn.
    5. Xây dựng Quyết định của Bản[xxix]
    Quyết định của Bản là VBQPPL do cấp Bản ban hành để thực thi pháp luật cấp trên hoặc quản lý an ninh và trật tự công cộng theo thẩm quyền.
    Một Quyết định của Bản được thực hiện bởi chính quyền Bản và sau đó trình bày tại Bản để lấy ý kiến ​​của người dân để hoàn thiện.
    Sau khi hoàn thiện Quyết định, chính quyền Bản sẽ đề nghị với Văn Phòng Huyện xem xét sau khi nhận được ý kiến ​​của Phòng Tư pháp của Huyện.
    Quyết định của Bản được thông qua sẽ được đăng tải cho người dân trong Bản để biết và thực hiện.
    IV. MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN LUẬT BHVBQPPL
    Các quy định về một số nội dung về tổ chức thực hiện Luật BHVBQPPL được quy định từ Điều 80 đến Điều 92 gồm một số nội dung cơ bản sau:
    1.Hiệu lực
    Hiến pháp, Luật và các văn bản dưới luật được ban hành có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày công bố trên Công báo.
    Văn bản gốc được thông qua hoặc ban hành sẽ được trình Chính phủ trong vòng năm ngày sau ngày thông qua hoặc ban hành. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải công bố trên Công báo trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đó, trừ trường hợp ban hành văn bản do trường hợp khẩn cấp hoặc cấp thiết thì sẽ có hiệu lực ngay từ ngày ban hành, nhưng sau đó sẽ được công bố trên Công báo.
    Về hiệu lực của VBQPPL trước ngày Luật BHVBQPPL có hiệu lực, cơ quan chịu trách nhiệm về việc xây dựng luật pháp phải trình lên Chính phủ để đăng tải lên Công báo trong vòng hai năm kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2013. Bất kỳ VBQPPL nào chưa được công bố trong Công báo trong thời hạn nhất định sẽ không còn giá trị.
    Bên cạnh đó, VBQPPL còn có thể có hiệu lực hồi tố trong trường hợp được quy định tại luật chuyên ngành. Đối với Pháp luật hình sự không có hiệu lực hồi tố; nói cách khác hiệu lực hồi tố của luật hình sự chỉ có thể thực hiện được khi dựa trên một quyết định cá biệt và mục đích hợp lý và phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của những người có liên quan. Khi pháp luật hồi tố đòi hỏi Nhà nước quốc hữu hóa tài sản của người khác thì Nhà nước bồi thường cho người đó theo quy định.
    2. Công báo, công bố, phổ biến pháp luật
    Công báo là văn bản chính thức của Chính phủ nơi thông qua và ban hành các VBQPPL; được công bố để cho phép công chúng được biết và triển khai thực hiện. Công báo có thể được thực hiện dưới dạng điện tử hoặc trên giấy. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm công báo phải công bố VBQPPL đã ban hành trong Công báo.
    Cơ quan chịu trách nhiệm soạn thảo VBQPPL in gửi một bản sao gửi đến từng ngành và tổ chức tại cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp bản; các ngành và tổ chức khác tại cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp bản cũng phải gửi bản sao trong các lĩnh vực của mình từ cấp quốc gia đến địa phương. VBQPPL do chính quyền địa phương ban hành sẽ được trình lên cấp cao hơn để biết và lưu trữ, đồng thời được gửi đến các tổ chức trong phạm vi quyền hạn.
    Cơ quan phụ trách việc ban hành VBQPPL tại các cấp trung ương và địa phương có trách nhiệm phổ biến và giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện bao gồm cả việc phổ biến bằng ngôn ngữ dân tộc, để đảm bảo hiệu quả việc thực hiện pháp luật.
    3.Thanh tra, kiểm tra
    Mục đích kiểm tra việc ban hành VBQPPL là đảm bảo rằng luật ban hành và thi hành phù hợp với Hiến pháp, Luật và các VBQPPL khác và thống nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia.
    - Cơ quan kiểm tra
    Cơ quan kiểm tra là cơ quan có thẩm quyền ở cấp cao hơn đủ điều kiện để kiểm tra việc ban hành pháp luật của cơ quan có thẩm quyền ở cấp thấp hơn phù hợp với phạm vi quyền hạn và trách nhiệm. Trường hợp ban hành và thi hành pháp luật mâu thuẫn với Hiến pháp, Luật  hoặc VBQPPL khác, cơ quan có thẩm quyền tại cấp cao hơn có quyền hoãn hoặc yêu cầu hủy bỏ luật pháp đó một phần hoặc toàn bộ.
    - Cơ quan kiểm tra của Quốc hội
    Cơ quan kiểm tra của Quốc hội là cơ quan kiểm tra việc ban hành pháp luật và pháp luật của các tổ chức chính phủ các cấp.
    Phiên họp Quốc hội có quyền hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Lào về xây dựng đất nước mâu thuẫn với Hiến pháp hoặc VBQPPL cấp trên trên cơ sở đề nghị của các cơ quan liên quan.
    Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đủ điều kiện để tạm đình chỉ một phần hoặc toàn bộ việc thực hiện pháp luật của Chính phủ, Chánh án Tòa án tối cao nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Lào về xây dựng đất nước hoặc các tổ chức quần chúng ở cấp quốc gia mâu thuẫn với Hiến pháp hoặc các VBQPPL khác và đề nghị Quốc hội thông qua việc huỷ bỏ, trừ các luật liên quan đến tố tụng của Toà án và của Viện kiểm sát.
    Nếu pháp luật của chính quyền địa phương mâu thuẫn với Hiến pháp hoặc Luật thì sẽ được trình lên Chính phủ để xem xét việc đình chỉ thực hiện pháp luật đó.
    - Giám sát việc thực hiện pháp luật
    Cơ quan có trách nhiệm xây dựng pháp luật sẽ theo dõi việc thực hiện pháp luật thuộc phạm vi thẩm quyền; nếu bất kỳ điều khoản nào mâu thuẫn với pháp luật hoặc không phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hoặc mâu thuẫn với các thoả thuận và các hiệp ước mà Lào là một bên, thì sẽ giải quyết hoặc đề xuất với cấp cao hơn để xem xét đình chỉ hoặc hủy bỏ.
    - Đề nghị tạm đình chỉ hoặc huỷ bỏ hiệu lực pháp luật
    Cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức phát hiện các quy định của VBQPPL hiện hành  mâu thuẫn với các quy định của văn bản khác hoặc điều ước quốc tế mà Lào là một bên, thì sẽ được báo cáo lên Bộ Tư pháp hoặc Cơ quan Kiểm tra ở mức cao hơn theo quy định tại Điều 86 và Điều 87 của Luật BHVBQPPL đối với việc xem xét.
    - Đánh giá tình hình thực hiện pháp luật
    Cơ quan phụ trách xây dựng VBQPPL sẽ đánh giá việc thực hiện VBQPPL để sửa đổi các vấn đề không thống nhất, lỗ hổng pháp lý, những tác động tiêu cực hoặc các quy định không thể thực hiện trong thực tế./.


    [i] Điều 3, Luật BHVBQPPL
    [ii] Điều 13, Luật BHVBQPPL
    [iii] Điều 4, Luật BHVBQPPL
    [iv] Điều 8, Luật BHVBQPPL
    [v] Điều 9, Luật BHVBQPPL
    [vi] Điều 156, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
    [vii] Điều 15, Điều 16 Luật BHVBQPPL
    [viii] Khoản 4, Điều 120, Hiến pháp 2013
    [ix] Điều 17, Luật BHVBQPPL
    [x] Điều 18, Luật BHVBQPPL
    [xi] Điều 20, Luật BHVBQPPL
    [xii] Điều 27, Luật BHVBQPPL
    [xiii] Điều 36, Luật BHVBQPPL
    [xiv] Điều 40, Luật BHVBQPPL
    [xv] Điều 41, Điều 42, Luật BHVBQPPL
    [xvi] Điều 47, Luật BHVBQPPL
    [xvii] Điều 49, Luật BHVBQPPL
    [xviii] Điều 56, Luật BHVBQPPL
    [xix] Chương I, Phần IV, Luật BHVBQPPL
    [xx] Điều 63, Luật BHVBQPPL
    [xxi] Điều 66, Luật BHVBQPPL
    [xxii] Điều 69, Luật BHVBQPPL
    [xxiii] Điều 72, Luật BHVBQPPL
    [xxiv] Điều 73, Luật BHVBQPPL
    [xxv] Điều 74, Luật BHVBQPPL
    [xxvi] Điều 75, Luật BHVBQPPL
    [xxvii] Điều 76, Luật BHVBQPPL
    [xxviii] Điều 77, Luật BHVBQPPL
    [xxix] Chương VI, Phần IV, Luật BHVBQPPL

    Tác giả bài viết: Lê Hiền
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình