Tư tưởng Hồ Chí Minh là di sản quý báu của dân tộc Việt Nam, là nền tảng, kim chỉ nam của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong suốt quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước. Trong hệ thống tư tưởng của Người, tư tưởng về quyền con người và quyền công dân được kết tinh từ những giá trị nhân văn truyền thống của dân tộc kết hợp với tinh hoa của thế giới, có giá trị nổi bật về lý luận và thực tiễn trong mọi hoạt động của Nhà nước ta, trong đó có hoạt động lập hiến, lập pháp.
Ngay từ khi ý thức được những đau khổ của người dân mất nước, nhìn thấy sự bất công khi so sánh các quyền của người dân Việt Nam và dân các nước thuộc địa với quyền của người dân chính quốc, Hồ Chí Minh đã không ngừng đấu tranh để giành lại những quyền mà người dân phải được hưởng theo nghĩa là một con người và công dân của một quốc gia. Những quyền này được Người đặc biệt coi trọng là các quyền tự do, quyền pháp lý, quyền con người. Trong Bản yêu cầu của nhân dân An Nam, Nguyễn Ái Quốc đã gửi đến Chính phủ Pháp 8 yêu cầu bảo đảm quyền của người dân An Nam. Bên cạnh các yêu cầu về ân xá cho tất cả tù nhân chính trị người bản xứ, người bản xứ cũng được quyền hưởng những bảo đảm pháp lý như người Âu châu; thay thế chế độ ra Sắc lệnh bằng ra các Đạo luật; có đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ do người bản xứ bầu tại Nghị viện Pháp. Trong 8 yêu cầu thì có 4 nội dung về các quyền tự do, bao gồm: Quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận; quyền tự do lập hội và hội họp; quyền tự do xuất ngoại và đi du lịch nước ngoài; quyền tự do giáo dục[1].
Sau khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc ra lời kêu gọi mọi người gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng, đi theo Đảng để thực hiện 10 điều, trong đó có: Đem lại mọi quyền tự do cho nhân dân; thực hành giáo dục toàn dân; thực hiện nam, nữ bình quyền[2].
Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, về phương diện xã hội, Nguyễn Ái Quốc vạch ra dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục[3]. Trong các bài viết của Nguyễn Ái Quốc tố cáo chế độ thực dân, một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều lần là quyền tự do ngôn luận, báo chí. Báo cáo gửi Ban chấp hành Quốc tế cộng sản về tình hình chính trị ở Đông Dương, Người viết: “Chính phủ thuộc địa tích cực dùng bạo lực chống lại báo phái tả cũng như các báo dân chủ bản xứ”. Trong tác phẩm “Đây “công lý” của thực dân Pháp ở Đông Dương!” có đoạn: “Trước khi đưa đi nhà in, tất cả các bài báo phải dịch ra tiếng Pháp và đưa kiểm duyệt đã. Cấm ngặt những tờ thông tin ấy không được phép đả động gì đến những vấn đề chính trị, mà chỉ được đăng những tin tức thông thường”.
Quyền bất khả xâm phạm thư tín cũng được Nguyễn Ái Quốc coi là quyền cơ bản. Người tố cáo chế độ thực dân thực hiện ở các nước thuộc địa: “Chúng ta vấp phải luật xâm phạm quyền bất khả xâm phạm của thư riêng và các viên cai trị tiếp tục giữ và lục soát thư riêng”. Tác phẩm “Đây “công lý” của thực dân Pháp ở Đông Dương! cũng tố cáo “Chính phủ thuộc địa vi phạm quyền tự do thư tín”.
Khi góp ý về đường lối, chủ trương của Đảng trong thời kỳ mặt trận dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), mặc dù rất mong muốn đất nước được độc lập để nhân dân được tự do, hạnh phúc nhưng trong điều kiện cụ thể Nguyễn Ái Quốc chỉ ra rằng: “Lúc này, Đảng không nên đưa ra những đòi hỏi quá cao (về độc lập dân tộc, nghị viện…). Như thế sẽ rơi vào cạm bẫy của phát xít Nhật. Chỉ nên đòi các quyền dân chủ, tự do tổ chức, tự do hội họp, tự do báo chí và tự do ngôn luận”. Việc lựa chọn như vậy không chỉ phù hợp với điều kiện cụ thể để có thể đạt được những mục tiêu trên thực tế mà còn cho thấy trong tư tưởng của Người đây là những quyền rất quan trọng mà dân ta cần có.
Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm to lớn đến việc giải phóng phụ nữ và thực hiện bình đẳng nam, nữ. Trong Chánh cương vắn tắt của Đảng có ba vấn đề được nêu trong phương diện xã hội thì một trong ba vấn đề đó là nam nữ bình quyền. Trong lời kêu gọi năm 1930 Nguyễn Ái Quốc đưa ra mười mục đích của việc gia nhập Đảng, đi theo Đảng có mục đích thứ mười là thực hiện nam nữ bình quyền. Người thể hiện rõ quan điểm về nam nữ bình quyền và cũng biết là để thực hiện nam nữ bình quyền không hề dễ dàng “Đó là một cuộc cách mạng to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội”. Trong bài nói chuyện tại Hội nghị cán bộ thảo luận Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959, Người nói: “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa”. Tư tưởng Hồ Chí Minh về các quyền con người, quyền công dân được Người thể hiện mạnh mẽ, rõ ràng trong Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945 khi Người trích dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.
Hiến pháp năm 1946 quy định một cách ngắn gọn các quyền của công dân gồm quyền bầu cử, ứng cử, các quyền bình đẳng: bình đẳng với nhau, bình đẳng giữa nam và nữ, các quyền tự do: tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và đi ra nước ngoài; các quyền bất khả xâm phạm về thân thể, thư tín, nhà ở; quyền học tập, quyền tư hữu tài sản, quyền chăm sóc, giúp đỡ của người già, người tàn tật, trẻ em. Hiến pháp năm 1959 bổ sung thêm quyền khiếu nại, tố cáo. Cùng với Hiến pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành nhiều sắc lệnh, ban bố sắc luật, luật quy định, bảo vệ các quyền cơ bản của công dân. Có thể kể đến một số văn bản tiêu biểu về các quyền công dân như:
Quyền tự do lập hội: Sắc lệnh 52 ngày 22/4/1946 quy định về hội, thể hiện rõ quyền tự do lập hội, tự do gia nhập hay ra khỏi hội, thẩm quyền, thủ tục thành lập hội. Sau đó, ngày 20/5/1957 Bác Hồ ký Sắc lệnh 102/SL-L004 ban bố Luật quy định về quyền lập hội. Luật này quy định rõ mọi người đều có quyền lập hội, trừ những người mất quyền công dân hoặc đang bị truy tố trước pháp luật. Mọi người có quyền vào hội và tự do ra hội. Quyền tự do lập hội được bảo đảm thể hiện trong các quy định: Không ai được xâm phạm quyền lập hội, tự do vào, ra hội của người khác. Người nào xâm phạm quyền lập hội, quyền tự do vào, ra hội của người khác có thể bị cảnh cáo hoặc bị truy tố trước tòa án và bị xử phạt tù từ 1 tháng đến 1 năm.
Quyền tự do ngôn luận: Sắc lệnh 282 ngày 14/12/1956 bảo đảm quyền tự do ngôn luận của nhân dân trên báo chí, báo chí là công cụ đấu tranh của nhân dân, phải phục vụ quyền lợi của tổ quốc, của nhân dân, bảo vệ chế độ, ủng hộ chính quyền.
Quyền tự do xuất bản: Sắc luật 003/SLT ngày 18/6/1957 xác định quyền tự do xuất bản của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Tất cả các xuất bản phẩm đều không phải kiểm duyệt trước khi xuất bản, trừ tình thế khẩn cấp nếu Chính phủ xét cần.
Quyền biểu tình: Sắc lệnh 31/SL ngày 13/9/1945 coi biểu tình là biểu hiện của quyền tự do hội họp nhưng để tránh bất trắc thì các cuộc biểu tình phải báo với Ủy ban nhân dân trước 24 giờ.
Quyền bí mật thư tín: Sắc lệnh 128/SL ngày 14/7/1950 quy định những kẻ phạm tội trộm cắp, bóc trộm, thủ tiêu thư từ của tư nhân bị phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm, phạt tiền 500 đồng đến 5.000 đồng.
Quyền bình đẳng nam, nữ: Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959 thể hiện rõ ràng quyền bình đẳng nam, nữ: Nam, nữ đều có quyền tự nguyện quyết định việc kết hôn; đàn bà góa có quyền tái giá; trong gia đình vợ chồng bình đẳng về mọi mặt; vợ, chồng có quyền tự do chọn nghề nghiệp, hoạt động chính trị, văn hóa, sở hữu thụ hưởng, sử dụng ngang nhau đối với tài sản sau khi cưới; lao động trong gia đình được kể như lao động sản xuất.
Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân với biểu hiện tập trung là xây dựng chế độ dân chủ, tôn trọng, đề cao quyền con người và quyền công dân thông qua Hiến pháp và pháp luật, tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người và quyền công dân tiếp tục được vận dụng một cách sáng tạo, hiệu quả trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, qua đó góp phần xây dựng đất nước với phương châm dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đồng thời không ngừng bảo đảm, bảo vệ và thực thi quyền con người và quyền công dân của nhân dân Việt Nam.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hồ Chí Minh, Về nhà nước và pháp luật Việt Nam, Nxb Pháp lý, Hà Nội, 1990.
2. Hồ Chí Minh toàn tập, tập II, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1981.
Ý kiến bạn đọc