14:37 ICT Thứ năm, 12/12/2024 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 77712
    • Tháng hiện tại: 1290695
    • Tổng lượt truy cập: 64219792

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu – thực trạng và kiến nghị

    Thứ sáu - 12/07/2024 10:27

    Th.S Phan Thị Phương Huyền
    Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu là một trong những chế tài xử lý vi phạm có tính chất phổ biến được các cơ quan chức năng áp dụng hiện nay. Hệ thống pháp luật về chế tài này cơ bản đầy đủ và tạo hành lang pháp lý quan trọng trong hoạt động phòng, chống kinh doanh hàng hóa nhập lậu. Mặc dù hệ thống các quy định pháp luật hiện nay tương đối đầy đủ, tuy nhiên trong quá trình thực thi phát sinh một số vướng mắc nhất định như: một số quy định của các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành chưa có sự thống nhất với các văn bản khác như quy định về biên bản tịch thu, biên bản vi phạm hành chính giữa Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012….đồng thời thực tiễn xử lý vi phạm đối với kinh doanh hàng hóa nhập lậu vẫn còn tồn tại những bất cập như việc kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các đối tượng kinh doanh trong hoạt động thương mại điện tử còn hạn chế, việc xử lý vi phạm chưa thực sự toàn diện đối với các mặt hàng nhập lậu…Phạm vi bài viết đề cập thực trạng quy định của pháp luật và kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
    1. Thực trạng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu
    Thứ nhất, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính còn tồn tại một số bất cập, hạn chế, cụ thể:
    Một là, về việc lập Biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng và không xác định được đối tượng vi phạm hành chính:
    Khoản 1 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định: “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản vi phạm hành chính, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy tại khoản 1 Điều 56 của Luật này”.
    Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật chưa có quy định cụ thể về việc lập Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận (thời điểm lập Biên bản, các nội dung để thể hiện trong mẫu Biên bản). Ví dụ: Trong trường hợp không xác định được đối tượng vi phạm hoặc xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp nhưng chủ sở hữu không đến nhận, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính người có thẩm quyền phải lập Biên bản vi phạm hành chính. Trong trường hợp này, các nội dung của Biên bản vi phạm hành chính sẽ không thể hiện được như: Tên tổ chức/cá nhân vi phạm, hành vi vi phạm. Như vậy trong trường hợp này việc lập Biên bản vi phạm hành chính sẽ không đúng với quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 118/2021/NĐ-CP (thiếu các nội dung cơ bản của Biên bản vi phạm hành chính).
    Hai là, về thành phần tham gia Hội đồng định giá để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt: Khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định Hội đồng định giá gồm có người ra Quyết định tạm giữ tang vật vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên. Cục Quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường khi thành lập Hội đồng định giá phải mời Đại diện Sở Tài chính là thành viên Hội đồng. Tuy nhiên trong thực tế các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường có trụ sở đóng tại các huyện, thị xã khi phát sinh vụ việc cần phải thành lập Hội đồng định giá thì phải có đại diện Sở Tài chính là thành viên, như vậy sẽ gặp khó khăn về mặt thời gian, khoảng cách địa lý, do đó sẽ bị ảnh hưởng đến thời hạn xử lý vụ việc vi phạm hành chính.
    Ba là, quy định thời hạn chuyển Biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt: Theo quy định tại Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thời gian chuyển Biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản là quá ngắn, gây khó khăn trong việc chuyển hồ sơ vụ việc vượt thẩm quyền, đặc biệt các đơn vị ở các vùng sâu, vùng xa hoặc thời điểm lập Biên bản vào cuối ngày mà ngày tiếp theo là ngày nghỉ, ngày lễ thì không đảm bảo được thời hạn chuyển giao biên bản vi phạm hành chính.
    Bốn là, quy định về thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện theo thủ tục hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định thời hạn tạm giữ tang vật chỉ có thể được kéo dài đối với những vụ việc thuộc trường hợp mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật này nhưng không quá 01 tháng, kể từ ngày tạm giữ và đối với vụ việc những vụ việc nêu trên mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn tạm giữ có thể được tiếp tục kéo dài nhưng không quá 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ. Nghĩa là chỉ quy định đối với trường hợp đã lập được Biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên trong thực tế, có trường hợp tại thời điểm kiểm tra người có thẩm quyền đang thi hành công vụ, nhiệm vụ phát hiện vụ việc có dấu hiệu vi phạm hành chính cần phải tạm giữ tang vật và thực hiện thu thập, thẩm tra, xác minh tình tiết liên quan để bổ sung tài liệu, chứng cứ vi phạm để kết luận vụ việc nhưng trong thời gian này đã hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện (từ 07 đến 10 ngày làm việc tùy vụ việc) mà không được thực hiện việc kéo dài thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện. Do đó, quy định này gây khó khăn trong quá trình thực hiện đối với các trường hợp nêu trên.
    Bên cạnh đó, Luật Xử lý vi phạm hành chính chưa có quy định thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thời hạn ra Quyết định xử phạt trong trường hợp phải thực hiện việc xác minh tình tiết vụ việc đối với “sự kiện bất khả kháng” như: thiên tai, dịch bệnh…Việc xác minh tình tiết trong trường hợp này rất khó thực hiện vì trên thực tế nhiều đối tượng vi phạm hành chính ở những vùng bị thiên tai, dịch bệnh bị cách ly, bị phong tỏa  không thể ra khỏi địa phương để đến làm việc trực tiếp tại trụ sở của cơ quan đang xử lý vụ việc và không thể ủy quyền cho người đại diện đến làm việc với cơ quan đang xử lý vụ việc hoặc trong trường hợp cơ quan chức năng không thể đến trực tiếp tại địa phương của đối tượng vi phạm hành chính. Như vậy, thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác minh tình tiết làm căn cứ ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (tối đa 02 tháng, kể từ ngày tạm giữ) trong trường hợp nêu trên sẽ không thực hiện đúng thời hạn quy định. Do đó, ảnh hưởng đến thời hạn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.
    Năm là, quy định về thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 24 giờ, kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ. Tuy nhiên, đối với những vụ việc vi phạm có tang vật không thể áp dụng được các căn cứ để xác định giá trị theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì cần phải thành lập Hội đồng định giá, vì vậy cần có thời gian để mời các thành viên Hội đồng gồm đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan, do đó thời gian quy định tối đa không quá 48 giờ là chưa phù hợp.
    Thứ hai, một số quy định của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP có những hạn chế sau:
    Mẫu Biên bản vi phạm hành chính (Mẫu biên bản số 01) về cách thể hiện tên của mẫu Biên bản: Tại phần ghi chú của mẫu hướng dẫn ghi tên lĩnh vực quản lý Nhà nước theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Tuy nhiên một số lĩnh vực quản lý nhà nước chưa được quy định cụ thể tại Điều 24 Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) như các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
    Mẫu Biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (Mẫu Biên bản số 20): Tại mẫu biên bản không thể hiện thông tin (họ và tên, địa chỉ….) của người chứng kiến trong nội dung biên bản, chỉ có phần chữ ký của người chứng kiến tại mục ký tên.
    Mẫu Biên bản niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính (Mẫu biên bản số 26): Tại mục căn cứ chỉ thể hiện mặc định nội dung “Căn cứ Biên bản tạm giữ…” là không phù hợp, do một số trường hợp sau khi tạm giữ và niêm phong tang vật vi phạm, phải mở niêm phong tang vật để xử lý vụ việc (ví dụ để xác định giá trị tang vật…) sau khi mở niêm phong phải niêm phong lại tang vật.
    Một số Nghị định quy định xử phạt có quy định về đối tượng bị xử phạt hành chính là “Hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật” tuy nhiên nội dung các mẫu biên bản, mẫu quyết định kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP không thể hiện trong trường hợp biên bản, quyết định được lập đối với hộ kinh doanh.
    Thứ ba, Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 20/2021/TT-BCT ngày 10/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; Thông tư số 22/2021/TT-BCT ngày 10/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương
    Có sự không thống nhất giữa quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BCT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 20/2021/TT-BCT và một số mẫu biểu được ban hành kèm theo Thông tư số 22/2021/TT-BCT. Cụ thể: Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 29 Thông tư số 27/2020/TT-BCT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 20/2021/TT-BCT quy định đề xuất khám phải có nội dung: “Hành vi vi phạm hành chính dự kiến và tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có liên quan”. Tuy nhiên tại mẫu số 09 (Đề xuất kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ/Khám…theo thủ tục hành chính) ban hành kèm theo Thông tư số 22/2021/TT-BCT không thể hiện nội dung “tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có liên quan”.
    Tương tự theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 Thông tư số 27/2020/TT-BCT được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 20/2021/TT-BCT quy định phương án khám phải có nội dung “Lý do khám”. Tuy nhiên tại mẫu số 10 (Phương án kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ/Khám…theo thủ tục hành chính) ban hành kèm theo Thông tư số 22/2021/TT-BCT không thể hiện nội dung “Lý do khám”.
    Tại mục nơi nhận của các biểu mẫu Quyết định được ban hành kèm theo Thông tư số 22/2021/TT-BCT đều thể hiện mục "Lưu: VT, hồ sơ vụ việc" là không phù hợp, lý giải cho điều này theo quy định tại Điều 6 Thông tư số 22/2021/TT-BCT thì số và ký hiệu của văn bản được quản lý, cấp theo từng loại biểu mẫu bằng Hệ thống đăng ký, cấp số văn bản do Tổng cục Quản lý thị trường xây dựng, vận hành và quản lý thống nhất. Do đó, các mẫu Quyết định được cấp số thông qua hệ thống INS nên việc thể hiện lưu văn bản tại Văn thư là không phù hợp.
    Thứ tư, nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật khác
    Một là, quy định về áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả
    Tại điểm a khoản 8 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 126/2021/NĐ-CP quy định:"Đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này được thực hiện theo thứ tự ưu tiên sau: buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông; buộc thu hồi và tiêu hủy nhãn hàng hóa vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng hàng hóa có nhãn vi phạm trong trường hợp không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa;”.
    Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả "buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu lại không thuộc thẩm quyền của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường. Vì vậy, đối với những hành vi vi phạm áp dụng mức xử phạt rất thấp nhưng Đội trưởng Đội Quản lý thị trường cũng phải thực hiện chuyển vụ vi phạm đến người có thẩm quyền xử phạt. Điều này dẫn đến tình trạng dồn quá nhiều vụ việc lên cơ quan cấp trên và thẩm quyền xử phạt của Đội trưởng Đội Quản lý thị trường bị giới hạn.
    Hai là, quy định về thời hạn thẩm tra, xác minh tại Pháp lệnh Quản lý thị trường
    Quy định về thời hạn thẩm tra, xác minh tại điểm a và b khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh Quản lý thị trường là chưa phù hợp với thực tiễn thực hiện biện pháp nghiệp vụ, thu thập, thẩm tra, xác minh. Trong một số trường hợp thời hạn thu thập, thẩm tra xác minh thông tin bị phụ thuộc bởi yếu tố khách quan như phải chờ kết quả kiểm nghiệm, giám định, ý kiến chuyên môn của chuyên gia hoặc tổ chức, cơ quan có liên quan nên việc quy định thời hạn thẩm tra xác minh như trên là không hợp lý, nhất là việc xử lý kết quả thẩm tra, xác minh trong trường hợp hết thời hạn thẩm tra, xác minh mà có vi phạm nhưng vẫn còn thời hạn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
    Thứ năm, một số quy định khác
    Một là, Quy định về ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính (bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ) trong đó có 05 ngày thực hiện quyền giải trình là chưa phù hợp. Để hoàn tất hồ sơ và chuyển cho người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt phải mất một khoảng thời gian, trong khi hồ sơ vụ việc phải được chuyển từ các Đội lên nên khi nhận được hồ sơ người ra quyết định xử phạt sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo về mặt thời gian.
    Hai là, Tại Khoản 3 Điều 18 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định “Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có quyết định tịch thu tài sản hoặc có quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản, cơ quan có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều này có trách nhiệm lập phương án xử lý tài sản và trình cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 19 Nghị định này phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân” là chưa phù hợp, vì có những loại tài sản cần thời gian để kiểm nghiệm xác định chất lượng (thực phẩm, mỹ phẩm…) mới có cơ sở để lập phương án xử lý, gây khó khăn cho cơ quan chủ trì xử lý tài sản.
    Ba là, Tại Khoản 3 Điều 1 Quyết định số 179/QĐ-BCT ngày 28/01/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc phân cấp quyết định phê duyệt phương án xử lý tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu theo quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc lực lượng Quản lý thị trường quy định Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh, Cục trưởng Cục nghiệp vụ quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục Quản lý thị trường quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản có giá trị dưới 100 triệu đồng/01 đơn vị tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền trực thuộc quyết định tịch thu, trước khi ban hành quyết định phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cấp tỉnh có văn bản xin ý kiến phê duyệt phương án xử lý tài sản của Tổng cục trưởng, vì vậy đối với các vụ việc có trị giá tài sản thấp (ví dụ: 10 bao thuốc lá điếu nhập lậu có trị giá 200.000 đồng, 10 gói bột ngói nhập lậu có trị giá 300.000 đồng…) Cục Quản lý thị trường vẫn phải thực hiện các thủ tục xin ý kiến phê duyệt phương án xử lý tài sản của Tổng cục trưởng, gây rườm rà về thủ tục hành chính.
    Ba là, về thời hạn xuất trình hóa đơn, chứng từ
    Theo quy định tại Điều 3 và Điều 6 Thông tư liên tịch số 64/2015/TTLT-BTC-BCT-BCA-BQP ngày 08/5/2015 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu lưu thông trên thị trường thì hàng hóa nhập khẩu khi lưu thông trên thị trường không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa ngay tại thời điểm kiểm tra hoặc trong vòng 24 giờ liên tục kể từ thời điểm kiểm tra thì bị coi là hàng hóa nhập lậu.
    Tuy nhiên theo quy định tại khoản 9 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan thì tờ khai hải quan điện tử có giá trị sử dụng trong việc chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa lưu thông trên thị trường. Và theo quy định tại Nghị định 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ thì không quy định về thời hạn xuất trình hóa đơn điện tử. Như vậy có sự chồng chéo giữa các văn bản trên, gây khó khăn cho quá trình xử lý vi phạm.
    Bốn là, vướng mắc liên quan đến việc xử lý hàng hóa là đồ chơi trẻ em
    Luật Đầu tư năm 2020 đã ban hành danh mục ngành nghề đầu tư cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên không hướng dẫn có thay thế nội dung quy định về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện quy định tại Nghị định số 59/2006/NĐ-CP ngày 12/6/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện hay không, gây khó khăn trong việc áp dụng quy định vào thực tế. (cụ thể hàng hóa là đồ chơi như súng nhựa, kiếm nhựa…)
    Bên cạnh đó, hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể những loại hàng hóa là đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách và sức khỏe của trẻ em, thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định tại số thứ tự 6, Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 59/2006/NĐ-CP.
    Ngoài ra, theo quy định tại Thông tư số 09/2019/TT-BKHCN ngày 30/9/2019 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về An toàn đồ chơi trẻ em ”- QCVN 3:2019/BKHC: đối với đồ chơi trẻ em thuộc phạm vi của quy chuẩn kỹ thuật này phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại Mục 2 của quy chuẩn QCVN 3:2019/BKHCN, gắn dấu hợp quy và ghi nhãn hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên theo quy định tại số thứ tự 7 Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 09/2019/TT-BKHCN, đồ chơi làm bằng vật liệu từ nhựa không phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật của quy chuẩn kỹ thuật này gây khó khăn trong việc xác định tính an toàn và chất lượng sản phẩm do không có Quy chuẩn kỹ thuật để áp dụng, đối chiếu.
    2. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu
    Để góp phần hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu tác giả đề xuất một số giải pháp như sau:
    Thứ nhất, rà soát sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020 và các văn bản khác như sau:
    Một là, trường hợp lập Biên bản vi phạm hành chính đối với trường hợp vi phạm chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng và không xác định được đối tượng vi phạm hành chính, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật cần có quy định cụ thể về việc lập Biên bản vi phạm hành chính trong trường hợp trên, trong đó quy định rõ thời điểm lập biên bản, các nội dung thể hiện trong biên bản.
    Hai là, quy định về thành phần tham gia Hội đồng định giá như đã phân tích ở trên, cần có quy định mang tính linh hoạt về thành phần nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý thị trường có trụ sở đóng tại các huyện, thị xã khi phát sinh vụ việc để đảm bảo kịp thời xử lý các vi phạm.
    Ba là, quy định về thời hạn chuyển Biên bản vi phạm hành chính đến người có thẩm quyền xử phạt, Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành cần có sự sửa đổi về thời hạn này theo hướng quy định linh hoạt về thời gian nhưng không quá 72 giờ đảm bảo tính phù hợp trong trường hợp chuyển đến cho các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa.
    Bốn là, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành cần bổ sung thêm quy định về thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và thời hạn ra quyết định xử phạt trong trường hợp phải thực hiện việc xác minh tình tiết vụ việc đối với “sự kiện bất khả kháng” như: thiên tai, dịch bệnh…Đồng thời quy định linh hoạt về thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị trong trường hợp vụ việc vi phạm có tang vật không thể áp dụng được các căn cứ để xác định giá trị theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính, bởi lẽ trong trường hợp này cần phải mời các thành viên của Hội đồng định giá, trong đó có liên quan tới nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau.
    Thứ hai, sửa đổi một số quy định về Mẫu biên bản của Nghị định số 118/2021/NĐ-CP:
    Đối với mẫu biên bản tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, cần bổ sung thêm các thông tin (họ và tên, địa chỉ…) của người chứng kiến trong nội dung biên bản.
    Đối với mẫu biên bản niêm phong tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ theo thủ tục hành chính bỏ nội dung “Căn cứ Biên bản tạm giữ…”, điều này phù hợp với trường hợp sau khi tạm giữ và niêm phong tang vật vi phạm, phải mở niêm phong tang vật để xử lý vụ việc (ví dụ để xác định giá trị tang vật…) sau khi mở niêm phong phải niêm phong lại tang vật.
    Bổ sung trong các mẫu biên bản, mẫu quyết định kèm theo Nghị định số 118/2021/NĐ-CP đối tượng xử phạt hành chính là “Hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật”.
    Thứ ba, sửa đổi một số quy định Thông tư số 27/2020/TT-BCT ngày 30/9/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 20/2021/TT-BCT ngày 10/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương; Thông tư số 22/2021/TT-BCT ngày 10/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương cụ thể: bổ sung nội dung “tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có liên quan” trong mẫu số 09 (Đề xuất kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ/Khám…theo thủ tục hành chính); bổ sung nội dung “Lý do khám” vào mẫu số 10 (Phương án kiểm tra đột xuất việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ/Khám…theo thủ tục hành chính).
    Thứ tư, sửa đổi quy định về thời hạn ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo hướng quy định tăng số thời hạn và chỉ quy định ngày làm việc không kể ngày lễ, ngày nghỉ nhằm phù hợp với thực tiễn thực hiện hoạt động xử lý vi phạm trong thực tiễn./.
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình