20:51 ICT Thứ ba, 21/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 127335
    • Tháng hiện tại: 2738578
    • Tổng lượt truy cập: 69723729

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Một số nội dung mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023

    Thứ sáu - 29/03/2024 14:07

    Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 5 ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có một số điểm mới sau đây:
    1. Đối tượng áp dụng
    Luật mới bổ sung thêm đối tượng áp dụng là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tổ chức chính trị - xã hội; làm rõ tổ chức xã hội bao gồm tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
    Luật cũng bổ sung, làm rõ khái niệm về một số chủ thể mới, bao gồm: Người tiêu dùng theo hướng làm rõ người tiêu dùng là cá nhân mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không vì mục đích thương mại.
    Khái niệm người có ảnh hưởng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, tổ chức bán hàng đa cấp và cá nhân tham gia bán hàng đa cấp. Đối với các giao dịch có yếu tố xuyên biên giới, các giao dịch trên không gian mạng, Luật đã bổ sung đối tượng mới là cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
    2. Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng
    Nhằm nâng cao vai trò, vị trí của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, đồng thời, bảo đảm cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, Luật bổ sung một số quyền mới của người tiêu dùng như: Quyền được tạo điều kiện lựa chọn môi trường tiêu dùng lành mạnh và bền vững; quyền yêu cầu tổ chức hoặc hỗ trợ thương lượng để giải quyết tranh chấp phát sinh, đồng thời bổ sung một số nghĩa vụ như: Tuân thủ quy định về kiểm định, bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc cung cấp không chính xác hoặc không đầy đủ về thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật.
    3. Sản xuất và tiêu dùng bền vững
    Nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời, thể hiện rõ vai trò của người tiêu dùng trong xu hướng tiêu dùng mới, Luật bổ sung quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững, bao gồm: khái niệm về tiêu dùng bền vững” là việc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đáp ứng mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức một cách hiệu quả, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực về môi trường, kinh tế - xã hội.”; quy định các hoạt động thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và quy định về trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững.
    4. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương
    Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương là quy định mới, thể hiện rõ nét chủ trương, chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước trong việc bảo vệ toàn diện quyền lợi chính đáng của người dân. Luật xác định rõ tại Điều 8 gồm 07 nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
    Luật quy định một số trách nhiệm cụ thể của tổ chức, cá nhân kinh doanh, trong đó nổi bật là trách nhiệm áp dụng cơ chế giải quyết khiếu nại, tranh chấp theo quy định của pháp luật phù hợp với từng đối tượng người tiêu dùng dễ bị tổn thương.
    5. Các hành vi bị cấm
    Luật bổ sung một số hành vi bị cấm, trong đó, bao gồm hành vi bị cấm chung, hành vi bị cấm đối với tổ chức, cá nhân bán hàng đa cấp; tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số.
    6. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng
    Luật bổ sung quy định về trách nhiệm bảo đảm an toàn, đo lường, số lượng, khối lượng, chất lượng, công dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bán, cung cấp cho người tiêu dùng; quy định cụ thể trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng; làm rõ thời hạn tính lại bảo hành trong trường hợp đổi mới sản phẩm, hàng hóa; bổ sung quy định về trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết phản ánh, yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng và trách nhiệm trong việc cung cấp dịch vụ không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, niêm yết, quảng cáo, giới thiệu, giao kết, cam kết.
    Đối với quy định về thu hồi sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật: Luật phân loại 02 nhóm sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật, gồm nhóm A và nhóm B. Đối với mỗi nhóm, Luật quy định trách nhiệm thu hồi tương ứng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc xác định nhóm khuyết tật và thực hiện thu hồi theo phương thức phù hợp.
    7. Một số giao dịch đặc thù
    Luật bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch đặc thù, bao gồm:
    - Quy định rõ các thông tin cần cung cấp trong giao dịch từ xa; trách nhiệm đặc thù của tổ chức, cá nhân kinh doanh với người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng, trong đó, bao gồm trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian và tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số lớn.
    - Quy định trách nhiệm thông báo công khai về đại diện theo pháp luật tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam và thông báo công khai về đại diện theo ủy quyền tại Việt Nam trong cung cấp dịch vụ liên tục.
    - Bổ sung bán hàng đa cấp, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, đồng thời, quy định thêm trách nhiệm đặc thù của các tổ chức, cá nhân kinh doanh khi thực hiện giao dịch trên với người tiêu dùng.
    8. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội
    Luật mở rộng phạm vi các tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên cơ sở khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả các loại hình tổ chức tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, Luật bổ sung sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Sự tham gia đa dạng, toàn diện của các tổ chức trên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả thực thi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên phạm vi cả nước.
    9. Phương thức giải quyết tranh chấp
    Thực tế cho thấy người tiêu dùng ở Việt Nam khi bị xâm hại thường im lặng, đó là một trong những đặc điểm của người tiêu dùng VN được ghi nhận trong Báo cáo kết quả khảo sát người tiêu dùng về các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa được công bố. Báo cáo do Cục Quản lý cạnh tranh phối hợp với Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương) và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) thực hiện.
    Theo kết quả công bố, đã có 3.000 bản khảo sát được gởi đến 12 tỉnh, thành phố lớn của cả nước. Hơn một nửa số người tiêu dùng tham gia trả lời đã từng bị xâm phạm quyền lợi với tư cách là người tiêu dùng trong khoảng thời gian từ năm 2011 đến 2015 (chiếm 56%).
    Nhưng có tới 44% số người được hỏi chọn phương án “im lặng và bỏ qua vụ việc” ; 20% chọn phương án “yêu cầu hỗ trợ từ cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD)”;  36% thực hiện việc “khiếu nại đến tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ”.
    Lý do được người tham gia khảo sát đưa ra cho việc im lặng, bỏ qua vụ việc là vì giá trị tranh chấp nhỏ (38, 56%); thấy thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp (22,05%); cho rằng đơn vị kinh doanh sẽ không giải quyết (15,2%); không biết đến quy định pháp luật có liên quan (11,1%); không biết đến cơ quan, tổ chức hỗ trợ giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng (10,75%)…
    Khảo sát cũng cho thấy 27% số người tham gia khảo sát đánh giá “chưa tốt” đối với công tác giải quyết khiếu nại người tiêu dùng tại các cơ quan quản lý nhà nước vì quy trình, thủ tục giải quyết phức tạp, rườm rà ; 21% thấy không nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cán bộ chuyên trách;  19% cho rằng thẩm quyền trong giải quyết vụ việc tranh chấp người còn hạn chế;  16% nói không có cán bộ chuyên trách…
    Để khắc phục cơ bản những bất cập trên, Luật bổ sung quy định về quyền của người tiêu dùng yêu cầu tổ chức, cá nhân kinh doanh thương lượng hoặc quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hỗ trợ thương lượng khi quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
    Đối với phương thức tại tòa: Luật hoàn thiện quy định về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Quy định này nhằm tạo ra sự đột phá, có khả năng nâng cao hiệu quả xét xử các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại tòa án. Theo đó, vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng thì được giải quyết theo thủ tục rút gọn mà không phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
    Luật bổ sung quy định về tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng: trong trường hợp không xác định được đối tượng thụ hưởng, tiền bồi thường thiệt hại trong vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng do tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khởi kiện được sử dụng để phục vụ cho các hoạt động chung vì quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Chính phủ.
    10. Quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
    Luật bổ sung trách nhiệm cụ thể của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Bổ sung để làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện việc giao nhiệm vụ cho tổ chức xã hội có tôn chỉ, mục đích tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng cơ chế phối hợp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương và tại địa phương.

    Tác giả bài viết: ThS. Phan Thị Phương Huyền

    Những tin cũ hơn

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình