21:07 ICT Thứ ba, 21/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 129521
    • Tháng hiện tại: 2740764
    • Tổng lượt truy cập: 69725915

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Một số điểm mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024

    Thứ năm - 15/08/2024 15:29

    Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 24/6/2024, gồm 09 chương, 152 điều, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025. Theo đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân 2024 có các điểm mới so với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 như sau:
    1. Bổ sung quy định về nội hàm Tòa án thực hiện quyền tư pháp
    Cụ thể hóa quy định tại khoản 1 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, đồng thời, thể chế hóa nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 27-NQ/TW đề ra “xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp”, Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã bổ sung quy định về nội hàm Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp bao gồm quyền xét xử, quyết định về các tranh chấp, vi phạm pháp luật, về những vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của luật; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.
    2. Sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án
    Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã bổ sung 02 nhiệm vụ, quyền hạn mới đối với Tòa án là: (i) Xét xử vi phạm hành chính theo quy định cùa luật và (ii) Giải thích áp dụng pháp luật trong xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc (các Điều 3, 27 và 31).  Đồng thời, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 không quy định nhiệm vụ, quyền hạn Tòa án có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa.
    Luật Tổ chức Tòa án năm 2024 cũng bổ sung quy định nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án theo thẩm quyền xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm (các Điều 23, 24 và 25). Theo đó, Tòa án cấp sơ thẩm có quyền xem xét, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án, vụ việc trên cơ sở tài liệu, chứng cứ, kết quả tranh tụng và căn cứ vào quy định của pháp luật để quyết định các vấn đề của vụ án, vụ việc (khoản 1 Điều 23). Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền xem xét, đánh giá, nhận định về kháng cáo, kháng nghị; các tình tiết của vụ án, vụ việc; căn cứ áp dụng pháp luật và việc xét xử, giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm có thẩm quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị; giữ nguyên, hủy, sửa bản án, quyết định sơ thẩm; bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử, giải quyết đúng pháp luật; khắc phục những sai sót và thực hiện thẩm quyền khác theo quy định của luật (khoản 1 Điều 24). Giám đốc thẩm có nhiệm vụ xét lại bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật; kiểm tra tính đúng đắn của bản án, quyết định; bảo vệ bản án, quyết định đã xét xử, giải quyết đúng pháp luật; khắc phục những sai sót trong bản án, quyết định; bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Tái thẩm có nhiệm vụ xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị do có tình tiết mới theo quy định của luật (khoản 1 Điều 25).
    3. Đổi mới tổ chức của Tòa án nhân dân
    Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, cụ thể:
    Tổ chức của Tòa án nhân dân bao gồm:
    - Tòa án nhân dân tối cao;
    - Tòa án nhân dân cấp cao;
    - Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
    - Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;
    - Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản (sau đây gọi chung là Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt);
    - Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực (sau đây gọi chung là Tòa án quân sự).
    Trước đó, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 không có Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, cũng không có sự phân cấp giữa Tòa án quân sự.
    4. Tòa án chỉ hỗ trợ thu thập chứng cứ
    Theo Điều 15 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024, trong vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác, các bên thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án theo quy định.
    Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp, các bên giao nộp, làm rõ tại phiên tòa, phiên họp theo quy định của pháp luật và kết quả tranh tụng để xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc.
    Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ bằng việc yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, vụ việc dân sự và các vụ việc khác theo quy định của pháp luật trong trường hợp các bên đã thực hiện các biện pháp cần thiết nhưng không thu thập được tài liệu, chứng cứ và đề nghị Tòa án hỗ trợ.
    Như vậy, có thể thấy quy định mới một lần nữa khẳng định việc thu thập chứng cứ trong vụ án không phải nghĩa vụ của Tòa mà các đương sự trong vụ án chủ động thu thập chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Trong quá trình giải quyết vụ án, HĐXX sẽ dựa vào các chứng cứ của các bên đương sự cung cấp để thẩm tra, xác minh, đánh giá chứng cứ, kết quả tranh tụng tại phiên tòa để giải quyết vụ việc.
    Cũng cần làm rõ một vấn đề là việc Tòa án khi xác minh tại các cơ quan, tổ chức không phải là đang đi thu thập chứng cứ mà việc làm này là để thẩm tra, xác minh tính chính xác của các chứng cứ mà đương sự cung cấp nhằm giải quyết vụ án một cách chính xác.
    5. Quy định về cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao
    Theo quy định tại Điều 51 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 thì cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao bao gồm:
    - Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao;
    - Các Tòa chuyên trách gồm Tòa Hình sự, Tòa Dân sự, Tòa Hành chính, Tòa Kinh tế, Tòa Lao động, Tòa Gia đình và người chưa thành niên;
    Trường hợp cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;
    - Văn phòng;
    - Vụ.
    Tòa án nhân dân cấp cao có Chánh án, các Phó Chánh án, Chánh tòa, các Phó Chánh tòa, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động.
    Một trong những điểm mới về cơ cấu, tổ chức của Tòa án nhân dân cấp cao là nâng cấp các phòng Giám đốc, kiểm tra thành các Vụ thuộc Tòa án nhân dân cấp cao. Việc tái cơ cấu để phù hợp với tính chất, số lượng công việc mà các đơn vị này đang đảm nhiệm, nhằm nâng cao năng lực, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị tham mưu.
    6. Thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt
    Điều 62 và Điều 63 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã bổ sung quy định thành lập các tòa sơ thẩm chuyên biệt như: Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Hành chính, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt Sở hữu trí tuệ, Tòa án nhân dân chuyên biệt Phá sản
    Về cơ cấu tổ chức, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, công chức khác và người lao động. Thẩm phán Tòa án nhân dân công tác tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền xét xử, giải quyết của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt.
    Việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt dựa trên tính cấp thiết và tình hình hiện nay vì thực tế phát sinh rất nhiều loại án khó, phức tạp, số lượng vụ án giải quyết ngày càng gia tăng nên đòi hỏi đội ngũ thẩm phán có chuyên môn sâu để giải quyết. Ngoài ra, việc thành lập các tòa án sơ thẩm chuyên biệt cũng thể hiện tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan tư pháp và góp phần tăng uy tín quốc tế trong hệ thống tư pháp Việt Nam.
    7. Quy định về Thẩm phán.
    - Đối với ngạch, bậc thẩm phán: Được sửa đổi theo hướng chỉ quy định thẩm phán gồm 02 ngạch là thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và thẩm phán Tòa án nhân dân (Điều 90).
    - Đối với tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân (các Điều 94, 95): Bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (phải từ đủ 28 tuổi trở lên). Đối với người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại các Tòa án thì không cần điều kiện phải được “đào tạo nghiệp vụ xét xử” nhưng phải có thời gian làm công tác pháp luật từ đủ 10 năm trở lên nêu được điều động sang làm lãnh đạo tại các Tòa án nhân dân câp huyện; từ đủ 15 năm trở lên nếu được điều động đến để đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự trung ương.
    - Về tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (Điều 96): Bổ sung tiêu chuẩn về độ tuổi (từ đủ 45 tuổi trở lên) và phải có từ đủ 20 năm trở lên công tác tại Tòa án, trong đó có từ đủ 10 năm trở lên làm thẩm phán Tòa án nhân dân. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền quyết định nhưng phải có từ 05 năm trở lên làm thẩm phán Tòa án nhân dân. Bổ sung quy định về giới hạn số lượng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tuyển chọn, bo nhiệm từ nguồn ngoài Tòa án không quá 02 người.
    - Về nhiệm kỳ của thẩm phán (Điều 100): Nhiệm kỳ của thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được tính từ khi được bổ nhiệm đến khi nghỉ hưu hoặc chuyển công tác khác. Thẩm phán Tòa án nhân dân được bổ nhiệm lần đầu có nhiệm kỳ 05 năm, thẩm phán Tòa án nhân đân được bổ nhiệm lại có nhiệm kỳ đến khi nghỉ hưu hoặc chuyên công tác khác.
    - Về chế độ, chính sách đối với thẩm phán: Bổ sung quy định về chế độ bảo vệ, miễn trừ trách nhiệm đối với thẩm phán (các Điều 11, 102 và 105). Bổ sung quy định thẩm phán được hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật khi bị tổn hại tính mạng, sức khỏe vì lý do công vụ... (các Điều 101, 110). Bổ sung nhiều quy định đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương và giám sát thẩm phán: Tòa án thực hiện công khai hoạt động xét xử và hoạt động khác theo quy định của pháp luật để nhân dân giám sát; thẩm phán được bổ nhiệm phải tuyên thệ; quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của thẩm phán và những điều thẩm phán không được làm (các Điều 8, 21, 89, 103 và 104)
    8. Về thẩm tra viên Tòa án, thư ký Tòa án, công chức khác, viên chức và người lao động của Tòa án
     Bổ sung quy định về trách nhiệm chung của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại Tòa án (Điều 73). Bổ sung quy định về các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân gồm: Chánh án; Phó Chánh án Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp; thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; thẩm phán Tòa án nhân dân; thẩm tra viên Tòa án; thư ký Tòa án (Điều 74).
    Sửa đổi, bổ sung quy định tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn của thẩm tra viên Tòa án, thư ký Tòa án (các điều từ 111 đến 119).
    9. Về Hội thẩm (Chương VI)
    Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về chế định Hội thẩm như: Luật đã bổ sung quy định về vị trí, vai trò của Hội thẩm, khẳng định rõ “Hội thẩm là người đại diện của Nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án”. Bổ sung một số tiêu chuẩn của Hội thẩm như: Tiêu chuẩn về độ tuổi (Hội thẩm phải là người từ đủ 28 tuổi đến 70 tuổi); người được chọn để bầu, cử làm Hội thẩm phải không đang trong thời gian thi hành quyết định kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức; không bị xử lý kỷ luật bằng hình thức bãi nhiệm, cách chức, buộc thôi việc; không thuộc trường hợp đang bị xử lý hình sự hoặc đã bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật; không thuộc trường hợp đã bị bãi nhiệm hội thẩm. Bổ sung tiêu chuẩn có kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt đối với Hội thẩm tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Bổ sung quy định về những người không được làm Hội thẩm. Bổ sung quy định về việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm tại Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền bầu, cử, miễn nhiệm, bãi nhiệm hội thẩm; chế độ, chính sách đối với Hội thẩm và các điều kiện bảo đảm hoạt động của hội thẩm.
    10. Lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán để giải quyết vụ án
    Điều 135 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024 cũng quy định rõ về nguyên tắc lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán, Hội thẩm tham gia xét xử.
    Theo đó, Chánh án Tòa án nơi Thẩm phán, Hội thẩm làm nhiệm vụ quyết định phân công Thẩm phán, Hội thẩm xét xử, giải quyết vụ án, vụ việc bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan, ngẫu nhiên theo quy định của pháp luật và quy định của Tòa án nhân dân Tối cao.
    Việc lựa chọn ngẫu nhiên Thẩm phán giải quyết vụ án để đảm bảo tính độc lập của Thẩm phán, chỉ tuân theo pháp luật, tránh trường hợp Chánh án phân công Thẩm phán giải quyết dựa vào cảm tính, ý chí chủ quan. Quy định này là hết sức cần thiết và tiến bộ, thể hiện sự khách quan, công tâm của Chánh án.
    Tác giả bài viết: ThS. Võ Thị Thu Hằng
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình