15:41 ICT Thứ tư, 16/04/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 247
    • Khách viếng thăm: 208
    • Máy chủ tìm kiếm: 39
    • Hôm nay: 54017
    • Tháng hiện tại: 1138765
    • Tổng lượt truy cập: 81131838

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Hòa giải ở cơ sở - Nét văn hóa pháp lý quan trọng trong xây dựng cộng đồng vững mạnh tại tỉnh Quảng Bình

    Thứ ba - 15/04/2025 09:15

    Th.s Hoàng Thị Kim Cương, CN. Hoàng Thị Lê Trang
    Với bản chất nhân văn sâu sắc, hòa giải ở cơ sở (HGOCS) từ bao đời nay đã trở thành một nét văn hóa pháp lý thấm sâu trong đời sống của người dân Việt Nam. Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng được coi trọng, không chỉ vì tầm quan trọng trong giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp, mà còn vì những giá trị nhân văn và pháp lý mà nó mang lại cho cộng đồng. Luật Hòa giải ở cơ sở được ban hành đã mở ra hướng đi mới, là công cụ quan trọng giúp giải quyết tận gốc các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, xây dựng cộng đồng nhân ái, khoan dung và tôn trọng pháp luật.
    Trong đời sống hàng ngày, các mâu thuẫn giữa các cá nhân, gia đình hay cộng đồng dễ dàng phát sinh do sự khác biệt về lợi ích kinh tế, quan điểm nhận thức, lối sống, tính cách hay kinh nghiệm sống. Những tranh chấp này nếu không được giải quyết kịp thời và thỏa đáng, có thể leo thang từ những xung đột dân sự thành các vụ án hình sự nghiêm trọng, gây mất đoàn kết trong cộng đồng. Vì vậy, hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp hiệu quả mà còn là công cụ quan trọng trong việc giáo dục pháp luật, duy trì đoàn kết và đồng thuận trong xã hội.
    Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Bình đã có gần 1200 tổ hòa giải, với gần 8000 hòa giải viên đang thực hiện nhiệm vụ của mình.[1] Các tổ hòa giải được tổ chức đầy đủ với thành phần tham gia bao gồm các bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, trưởng ban mặt trận, các hội đoàn thể như hội nông dân, hội phụ nữ, cựu chiến binh, cùng những người có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các tổ hòa giải còn có sự tham gia của đại diện dân tộc thiểu số, giúp nâng cao tính hiệu quả trong việc hòa giải mâu thuẫn.
    Thực tế cho thấy, trong hơn 10 năm qua, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và giải quyết hơn 14.000 vụ việc, trong đó hơn 11.500 vụ việc được hòa giải thành công, đạt tỷ lệ lên đến 83,4%. Hầu hết các tranh chấp mà các tổ hòa giải giải quyết thuộc lĩnh vực dân sự, đặc biệt là tranh chấp về hôn nhân gia đình và đất đai. Những kết quả này không chỉ góp phần ổn định trật tự xã hội mà còn thể hiện rõ vai trò của hòa giải trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cộng đồng.
    Trong năm 2024, công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục bám sát Luật Hòa giải ở cơ sở; các văn bản hướng dẫn thi hành; Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 16/01/2024 về triển khai thực hiện Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025” năm 2024; Kế hoạch số 1158/KH-UBND ngày 25/6/2024 về triển khai thực hiện Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 17/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024 - 2030” trên địa bàn tỉnh để triển khai thực hiện[2]. Chỉ đạo Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra công tác hòa giải ở đơn vị cấp huyện và cấp xã[3]; tổ chức hội nghị phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan đến Quyết định số 315/QĐ-TTg cho các tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện và 10 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho 1.000 hòa giải viên[4]. Tại các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức 13 hội nghị tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho trên 1.100 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đã thụ lý 559 vụ việc; hòa giải thành 416 vụ việc; hòa giải không thành 137 vụ việc; số vụ việc chưa giải quyết xong 06 vụ việc. Trong đó, hòa giải thành đạt tỷ lệ 75,2%.[5]
    Dù công tác hòa giải ở cơ sở đã đạt được nhiều thành công, nhưng vẫn còn không ít khó khăn và thách thức cần phải khắc phục, cụ thể:
    Thứ nhất, một trong những vấn đề lớn hiện nay là thiếu hụt nguồn lực và nhân lực chất lượng.
    Nhiều hòa giải viên mặc dù được tập huấn nhưng còn thiếu kỹ năng và kiến thức chuyên sâu về các lĩnh vực pháp luật, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công tác hòa giải. Bên cạnh đó, một số hòa giải viên chưa có trình độ pháp luật cao, thậm chí có người chưa biết chữ, điều này càng làm tăng thêm khó khăn trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp phức tạp, đặc biệt là những tranh chấp liên quan đến đất đai. Từ đó dẫn đến việc hiểu và áp dụng các quy định của pháp luật còn hạn chế, phần lớn hòa giải viên thực hiện công tác hòa giải bằng kinh nghiệm sống của mình.
    Chưa khuyến khích, huy động được cán bộ, công chức, viên chức đang công tác hoặc nghỉ hưu có đủ tiêu chuẩn để tham gia làm hòa giải viên tại địa bàn sinh sống hoặc hỗ trợ, giúp đỡ hòa giải viên thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở. Ngoài ra, việc huy động các phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa tham gia công tác hòa giải còn gặp nhiều trở ngại do phong tục tập quán và tâm lý địa phương.
    Việc tập huấn cho đội ngũ hòa giải viên chưa được thực hiện một cách toàn diện và thường xuyên, điều này làm giảm hiệu quả công tác hòa giải trong cộng đồng.
    Thứ hai, giá trị pháp lý của kết quả thỏa thuận hòa giải thành trọng tự nguyện, trọng tự quản, chưa có cơ chế pháp lý cưỡng chế thực hiện.
    Điều 25 Luật Hòa giải ở cơ sở 2013 quy định các bên có trách nhiệm thực hiện thỏa thuận hòa giải thành và Điều 26 quy định hòa giải viên, tổ trưởng tổ hòa giải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành do mình trực tiếp giải quyết; kịp thời thông báo cho tổ trưởng tổ hòa giải để báo cáo Trưởng ban công tác Mặt trận những vấn đề phát sinh trong quá trình theo dõi, đôn đốc thực hiện... Như vậy, khi quy định về việc thực hiện thỏa thuận hòa giải thành thì BLTTDS 2015 cũng như văn bản quy phạm pháp luật có liên quan chỉ quy định “trách nhiệm” chung chung mà chưa quy định cụ thể về trách nhiệm, biện pháp xử lý hay hậu quả pháp lý mà các bên đương sự phải gánh chịu trong trường hợp không thực hiện thỏa thuận, v.v... Điều này dẫn đến việc thực hiện kết quả hòa giải trong trường hợp không được Tòa án công nhận hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự nguyện của đương sự. Trong trường hợp có một bên thay đổi và không thiện chí trong việc thực hiện thỏa thuận thì quyền lợi của đương sự còn lại sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
    Thứ ba, kinh phí cấp cho hoạt động của các tổ hòa giải và hòa giải viên hạn chế và cũng chưa huy động được nguồn lực xã hội cho hoạt động hòa giải ở cơ sở.
    Để nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở cần có những giải pháp và hướng đi mới trong thời gian tới, đó là:
    Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp thực hiện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với công tác hòa giải ở cơ sở.
    Thứ hai, cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn về đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu cho đội ngũ hòa giải viên, đặc biệt là trang bị cho họ kiến thức pháp luật đầy đủ và kỹ năng giải quyết tranh chấp hiệu quả, tạo điều kiện cho hòa giải viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải. Chính quyền các cấp tiếp tục củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên ; trang bị cơ sở vật chất tạo điều kiện cho hòa các giải viên trong việc tiếp cận thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin.
    Thứ ba, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về lợi ích của hòa giải, để mọi người cùng tham gia vào công tác này, giúp giảm thiểu tranh chấp, tạo dựng một môi trường sống hòa bình, tôn trọng pháp luật. Thực tế cho thấy, việc duy trì công tác hòa giải ở cơ sở có ảnh hưởng tích cực đến việc xây dựng cộng đồng thượng tôn pháp luật, góp phần xây dựng một xã hội ổn định và phát triển bền vững. Cần thông qua các phong trào hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, đặc biệt là hoạt động giám sát, phản biện xã hội để từ đó nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở.
    Thứ tư, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo; công tác thanh tra, kiểm tra; sơ kết, tổng kết và khen thưởng, nhân rộng mô hình, điển hình đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, phê bình, nhắc nhở để các hòa giải viên luôn luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.
    Thứ năm, huy động các nguồn lực từ bên ngoài hỗ trợ cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, sớm bố trí kinh phí cấp cho công tác hoà giải, cho hoạt động của tổ hòa giải và hòa giải viên.
    Với những thành tựu đạt được trong hơn một thập kỷ qua, công tác hòa giải ở cơ sở đã chứng minh vai trò quan trọng của mình trong việc xây dựng cộng đồng vững mạnh, giữ gìn an ninh chính trị và phát triển xã hội. Tuy nhiên, để công tác hòa giải phát huy tối đa hiệu quả, cần có sự đầu tư đúng mức về nhân lực, vật lực, cũng như các cơ chế pháp lý hỗ trợ. Khi đó, hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp, mà còn là một phần không thể thiếu trong nền tảng pháp lý và đạo đức của xã hội Việt Nam.


    [1] Báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024 của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật - UBND tỉnh Quảng Bình
    [2] Công văn số 1946/HĐPH ngày 22/7/2024 v/v hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch số 1158/KH-UBND ngày 25/6/2024 của UBND tỉnh.
    [3] Các Kế hoạch và Quyết định: số 1082/KH-STP ngày 25/4/2024 về kiểm tra công tác tư pháp năm 2024; số 1796/QĐ-STP ngày 05/7/2024 về việc kiểm tra công tác tư pháp tại Phòng Tư pháp huyện Tuyên Hóa và UBND các xã: Thuận Hóa, Lê Hóa huyện Tuyên Hóa.
    [4] Các Công văn: số 1079/STP-PBGDPL ngày 24/4/2024 v/v phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho hòa giải viên các huyện, thị xã, thành phố; số 1910/STP-PBGDPL ngày 19/7/2024 v/v cử cán bộ, công chức tham gia đội ngũ tập huấn viên hòa giải ở cơ sở cấp tỉnh.  
    [5] Báo cáo kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2024 của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật - UBND tỉnh Quảng Bình

     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình