07:14 ICT Chủ nhật, 05/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 43606
    • Tháng hiện tại: 550846
    • Tổng lượt truy cập: 67535997

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Thứ hai - 12/08/2024 12:21

    Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ thiên tài và người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, một chiến sĩ cách mạng kiên cường và người bạn rất thân thiết của các dân tộc trên thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng phong phú, cao đẹp và đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tên tuổi và sự nghiệp của Người sẽ còn mãi với non sông đất nước, sống mãi trong lòng mỗi chúng ta. Trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc và chấn hưng đất nước từ đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh không chỉ được ghi danh là Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá lớn mà Người đồng thời còn là một nhà ngoại giao kiệt xuất. Một trong những tư tưởng ngoại giao của Hồ Chí Minh là vận dụng thành công triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vào cách mạng Việt Nam.
    Ngày 31/5/1946, trước khi lên đường sang Pháp dự Hội nghị Phôngtennơblô với tư cách là thượng khách của chính phủ Pháp. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho cụ Huỳnh Thúc Kháng đảm trách quyền Chủ tịch nước. Cụ Huỳnh Thúc Kháng đã hỏi Bác nếu ở nhà xảy ra những chuyện phức tạp thì nên xử sự như thế nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với cụ Huỳnh Thúc Kháng rằng: “Tôi vì nhiệm vụ quốc dân giao phó phải đi xa ít lâu, ở nhà trăm sự khó khăn nhờ cậy ở Cụ cùng anh em giải quyết cho. Mong Cụ: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Câu nói “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là tư duy biện chứng, là phương châm, nguyên tắc xem xét và giải quyết những vấn đề chiến lược và sách lược trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh.
    “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” có thể hiểu là lấy cái “bất biến” - cái không thay đổi, để ứng phó với cái “vạn biến” - cái thay đổi, nhưng dù có “vạn biến” như thế nào đi nữa cũng không được quên đi cái “bất biến”. Nói một cách cụ thể hơn, triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là sự kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa tính nguyên tắc, tính kiên định, tính vững chắc của mục tiêu chiến lược với tính linh hoạt, tính uyển chuyển của sách lược trong từng thời kỳ cách mạng cụ thể; giữa đường lối cách mạng và phương pháp cách mạng; giữa kế thừa và đổi mới. Giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, “xây dựng đất nước mười lần đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” - đó là nguyên tắc, là mục tiêu cơ bản của cách mạng nước ta, phải kiên định nguyên tắc, mục tiêu ấy một cách “bất biến”. Mọi cái khác còn lại, từ chủ trương, chính sách, biện pháp, hình thức, bước đi,...đều phải “ứng vạn biến”, phong phú và uyển chuyển, linh hoạt và chủ động.
    “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” không chỉ là một triết lý cụ thể mà cón là phép biện chứng Hồ Chí Minh. Có thể hiểu triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập, giữa cái “bất biến” và cái “vạn biến”. Trong cách mạng Việt Nam “sự thống nhất” theo tư tưởng Hồ Chí Minh chính là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó cũng chính là cái “bất biến” không thể nào thay đổi. Tuy nhiên không thể một sớm, một chiều, ngày một, ngày hai là đạt được cái “bất biến” mà đó là cả một quá trình đấu tranh bền bỉ, lâu dài và gian khổ. Với từng kẻ thù ta lại có những sách lược, chiến thuật đấu tranh khác nhau, linh hoạt “vạn biến” trong mọi trường hợp, giành thắng lợi từng bước, để củng cố và phát triển thực lực, từng bước thay đổi tiến đến thay đổi hoàn toàn cán cân lực lượng, giành thắng lợi hoàn toàn, đạt được mục tiêu “bất biến” trong cách mạng.
    Theo Hồ Chí Minh, trước hết phải xác định được cái “bất biến”, sau đó mới chủ động “ứng vạn biến”, con người và xã hội cũng không nằm ngoài quy luật “bất biến” và “vạn biến”. Người nói “Tuy phong tục mỗi dân mỗi khác, nhưng có một điều dân nào cũng giống nhau ấy là dân nào cũng ưa sự lành, ghét sự dữ”.
    Theo Người “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” vì tình hình tự nhiên, xã hội, con luôn luôn biến đổi, thiên biến vạn hoá. Tuy nhiên có những nhân tố bất biến, vĩnh hằng. Người khẳng định: Nước ta là một, dân tộc ta là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi; Người nói: lòng thương yêu đối với nhân dân và nhân loại không bao giờ thay đổi. Nhưng Người cũng nói: “Thế giới, con người đều đổi mới, cách nhìn, cách xử lý cũng phải đổi mới, linh hoạt. Do đó, trong mỗi giai đoạn cơ bản của cách mạng, chiến lược cách mạng không thay đổi phải nắm thật vững; còn chỉ đạo chiến lược, vận dụng sách lược, hình thức, biện pháp cách mạng thì phải hết sức linh hoạt, thay đổi cho phù hợp với tình hình cụ thể.
    Chiến lược cách mạng chính là cái “bất biến”, cái “bất biến” ở Hồ Chí Minh tập trung ở bốn yếu tố: Độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ. Độc lập là yếu tố có ý nghĩa quyết định nhất, bởi nước không có độc lập thì dân không thể có tự do, không có tự do thì không thể nào có hạnh phúc, dân chủ được. Vì vậy, bốn yếu tố này có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau. Theo Hồ Chí Minh, có độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc, dân chủ thì độc lập cũng chẳng để làm gì; nhưng để có tự do, hạnh phúc, dân chủ thì trước hết phải giành cho được độc lập đã. Độc lập đó là tiền đề “bất biến” không thể thiếu, nhưng tự do, hạnh phúc, dân chủ mới là mục đích cuối cùng của sự nghiệp cách mạng.
    Như vậy, triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là chiến lược là “bất biến” không thể nào thay đổi, nhưng sách thì mềm dẻo, linh hoạt, “vạn biến” cho phù hợp với từng thời kỳ cách mạng. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Mục đích bất di bất dịch của chúng ta vẫn là hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Nguyên tắc của ta thì phải vững chắc, nhưng sách lược của ta thì linh hoạt”.
    “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là quan điểm, phương pháp cách mạng khoa học. Nó không chỉ là triết lý đơn thuần mà còn là triết lý hành động Hồ Chí Minh, là phương châm xem xét và hành động đúng đắn. khoa học được Người vận dụng, xử lý thành công trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh, mọi tình huống, tạo nên tính chất độc đáo của Hồ Chí Minh, như một nhà báo Pháp đã nhận xét: “Chính sự kết hợp mà không ai bắt chước nổi, giữa tính mềm dẻo và tính cương nghị, giữa việc vận dụng truyền thống yêu nước với sự phân tích macxit đã tạo nên tính chất độc đáo của ông Hồ Chí Minh”. 
    Triết lý ngoại giao Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” là triết lý hành động, gắn chặt với hoạt động thực tiễn, với cái “bất biến” đó là độc lập dân rộc và chủ nghĩa xã hội. Triết lý ngoại giao Hồ Chí Minh “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” cũng chỉ ra rằng muốn đạt được cái “bất biến”, cần hành động một cách hết sức linh hoạt trên cơ sở kiên trì nguyên tắc, nắm vững đường lối chiến lược, ứng xử linh hoạt, thể hiện giản dị, dễ cảm hoá và thuyết phục, ngắn gọn, hàm súc dễ hiểu.
    Triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm chỉ đạo của Đảng, có vai trò rất quan trọng trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi. Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực và trong nước có cả những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen, đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần quán triệt sâu sắc và vận dụng  linh hoạt, sáng tạo triết lý “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
    DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
    1. Hồ Chí Minh toàn tập, tập II, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000.
    2. Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
    3. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Một số vấn đề về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2007.
    4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991.
    5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021.
     

    Tác giả bài viết: ThS. Lê Thị Ngọc Cẩm
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình