21:02 ICT Thứ ba, 21/01/2025 1
     

    Chuyên mục

    thành viên

    Lượt truy cập

    • Đang truy cập: 0
    • Hôm nay: 128866
    • Tháng hiện tại: 2740109
    • Tổng lượt truy cập: 69725260

    Trang nhất » Tin Tức » Nghiên cứu khoa học » Nghiên cứu trao đổi

    Pháp luật về quyền gia nhập thị trường của một số quốc gia trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam

    Thứ năm - 19/10/2023 14:07

    Trong những năm gần đây, cùng với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa về kinh tế, nhận thức về quyền gia nhập thị trường ở nước ta ngày càng được nâng cao. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, vấn đề vi phạm quyền gia nhập thị trường còn xảy ra và có những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của doanh nghiệp trên thị trường. Để góp phần hoàn thiện pháp luật về quyền gia nhập thị trường và giúp các doanh nghiệp gia nhập thị trường thuận lợi phù hợp với xu hướng chung của quốc tế, trong bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu pháp luật về quyền gia nhập thị trường của một số nước trên thế giới, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.
    1. Pháp luật về quyền gia nhập thị trường của một số quốc gia trên thế giới
    1.1. Pháp luật Hoa Kỳ
    Hợp chúng quốc Hoa Kỳ là một quốc gia rộng lớn, bao gồm 50 tiểu bang. Quá trình hình thành quốc gia tạo cho Hoa Kỳ những đặc điểm riêng biệt về hệ thống pháp luật. Tại Hoa Kỳ, tồn tại hệ thống pháp luật phân cấp, bao gồm pháp luật liên bang và pháp luật tiểu bang, được thể hiện thông qua Hiến pháp Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Do đó, pháp luật của các bang có quyền khác biệt nhưng không thể trái ngược pháp luật liên bang.
    Nhìn một cách tổng thể, việc quản lý gia nhập thị trường kinh doanh ở Hoa Kỳ sử dụng phương thức quản lý theo cấp độ (cấp liên bang và cấp tiểu bang), quản lý theo chuyên ngành và quản lý kết hợp hai phương thức trên.
    Từ năm 1953, việc quản lý cũng như hướng dẫn việc kinh doanh tại Hoa Kỳ (trong đó có các ngành kinh doanh được đảm nhiệm bởi Cơ quan quản lý kinh doanh vừa và nhỏ - U.S Small Business Administration (USBA). Khi được thành lập, USBA được quy định: “Có vai trò hỗ trợ, tư vấn, bảo vệ bằng khả năng của mình trong mọi vấn đề liên quan đến lĩnh vực kinh doanh quy mô vừa và nhỏ”[1]. Theo quy định chính thức được thông báo và đăng tải trên trang web của USBA, việc kinh doanh một số ngành sau cần được cấp phép bởi cơ quan quản lý cấp liên bang: Nông nghiệp; Các sản phẩm đồ uống có cồn; Kinh doanh hàng không; Vũ khí; Khai mỏ; Truyền thanh và thông tin đại chúng; Vận tải (bao gồm cả vận tải hàng hải); Kinh doanh liên quan đến môi trường hoang dã.[2]
    Ở cấp độ tiểu bang, nhiều bang ở Hoa Kỳ có những đạo luật riêng áp dụng trong phạm vi lãnh thổ của bang đó. Để tiến hành việc kinh doanh tại lãnh thổ một tiểu bang, chủ thể kinh doanh cần đăng ký kinh doanh, xin giấy phép cũng như những sự chấp thuận khác (license and permits) và nộp thuế. Những điều kiện kinh doanh và đặc biệt là thuế suất sẽ khác nhau theo từng bang. [3]
    Việc quản lý nhà nước về trình tự thủ tục đăng ký kinh doanh tại Hoa Kỳ được hướng dẫn công khai và ngắn gọn trên các trang web liên kết, với nền tảng là website chính thức của Cơ quan quản lý kinh doanh vừa và nhỏ Hoa Kỳ (www.usba.gov). Khi chủ thể muốn tham gia kinh doanh cần xác định quy mô doanh nghiệp, cách thức đăng ký. Sau khi xác định những yếu tố đầu tiên việc đăng ký trở nên rất đơn giản. Một số tiểu bang cho phép đăng ký trực tuyến và một số tiểu bang cho phép nộp trực tiếp tài liệu giấy hoặc qua thư.
    Tại hầu hết các tiểu bang, cơ quan quản lý việc đăng ký này là Văn phòng thư ký tiểu bang (Secretaty State’s Office), Phòng Kinh doanh (Business Bureau) hoặc Cơ quan Kinh doanh (Business Agency). Trong trường hợp doanh nghiệp có phạm vi kinh doanh tại hai hay nhiều tiểu bang, việc đăng ký sẽ trở nên phức tạp hơn chính vì cơ chế quản lý cho phép các tiểu bang đặt ra các quy định khác nhau cho doanh nghiệp.
    Bên cạnh đó, việc quản lý điều kiện kinh doanh tại Hoa Kỳ đi sâu vào đánh giá khả năng đáp ứng những điều kiện chuyên môn của chủ thể kinh doanh, quản lý điều kiện kinh doanh tại Hoa Kỳ chính là phương thức quản lý theo chuyên ngành.
    Bên cạnh giấy phép kinh doanh cấp cho doanh nghiệp, tại Hoa Kỳ cũng tồn tại cơ chế quản lý cá nhân thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến năng lực, chuyên môn của cá nhân này nhằm bảo đảm lợi ích công cộng. Việc quản lý này được thể hiện trên các phương thức cấp phép, cấp giấy chứng nhận, đăng ký…
    1.2. Pháp luật Trung Quốc
    Trải qua hơn 2000 năm tồn tại và phát triển, đến nay, Trung quốc đã trở thành một cường quốc với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nơi tập trung một số lượng không nhỏ các nhà đầu tư lớn ở khắp thế giới. Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy nền kinh tế nói riêng cũng như hoạt động thương mại nói chung, Nhà nước Trung Quốc luôn quan tâm đến việc xây dựng hệ thống pháp luật. Trong đó các quy định về điều kiện kinh doanh cũng sớm được xây dựng và thay đổi liên tục để phù hợp với yêu cầu quản lý và tạo ra môi trường kinh doanh tốt thu hút các nhà đầu tư. Tại Trung Quốc, điều kiện gia nhập thị trường chính là những yêu cầu Nhà nước đặt ra buộc các chủ thể kinh doanh phải đáp ứng được khi tiến hành hoạt động kinh doanh trong một số trường hợp, một số những ngành nghề nhất định. Các chủ thể thực hiện hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Trung Quốc bao gồm: các cá nhân, tổ chức, pháp nhân đều có thể là đối tượng chịu sự điều chỉnh này.
    Xét về mặt hình thức tồn tại, điều kiện gia nhập thị trường ở Trung Quốc về cơ bản cũng tồn tại ở các hình thức cụ thể như: Giấy phép kinh doanh tạm thời, giấy phép kinh doanh bắt buộc, xác nhận vốn đăng kí, chứng chỉ hành nghề…
    Mỗi một hình thức có giá trị pháp lý khác nhau, được áp dụng theo từng trường hợp cụ thể. Nhìn chung hình thức tồn tại của các điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc khá giống với Việt Nam. Dựa vào bản chất của các loại điều kiện kinh doanh này chúng ta cũng có thể chia điều kiện kinh doanh ở Trung Quốc thành 2 nhóm chủ yếu:
    Nhóm thứ nhất là nhóm điều kiện kinh doanh cần phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Nhóm thứ hai là nhóm điều kiện kinh doanh không cần phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
    Về thời điểm phải đáp ứng điều kiện kinh doanh: nếu như ở Việt Nam hiện nay, mọi vấn đề liên quan đến điều kiện kinh doanh đều được đưa về khâu hậu kiểm (sau khi doanh nghiệp được thành lập), thì ở Trung Quốc vẫn giữ nguyên quan điểm điều kiện kinh doanh được áp dụng cả trước và sau khi thành lập doanh nghiệp. Như vậy sẽ có những điều kiện kinh doanh là cơ sở để khai sinh ra doanh nghiệp, có những điều kiện kinh doanh quyết định đến việc tiến hành hoạt động kinh doanh của các nhà đầu tư.
    Cũng giống như Việt Nam, ở Trung Quốc điều kiện kinh doanh không được quy định riêng trong một văn bản mà được quy định rải rác trong rất nhiều các văn bản khác nhau. Trong đó các vấn đề chung được quy định tại các đạo luật có giá trị pháp lý cao như: Luật công ty (sửa đổi, bổ sung năm 2013); Luật cấp phép hành chính/kinh doanh năm 2003…, các vấn đề cụ thể sẽ được quy định tại các văn bản hướng dẫn cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác.
    1.3. Pháp luật Hàn Quốc
    Hàn Quốc xếp thứ 5 ngay sau HongKong trong Báo cáo xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 [4]. Nếu tính riêng chỉ số gia nhập thị trường thì Hàn Quốc đứng 9/190 nền kinh tế.
    Pháp luật Hàn Quốc cũng phân loại rõ hai giai đoạn mà các chủ thể có nhu cầu kinh doanh tại Hàn Quốc phải thực hiện để thực tế kinh doanh tại Hàn Quốc, đó là việc đăng ký kinh doanh để thành lập một doanh nghiệp (công ty) mới và việc thực hiện các thủ tục đảm bảo đầy đủ các điều kiện để kinh doanh trong một số ngành nghề nhất định (ngành nghề kinh doanh có điều kiện).
    Hệ thống pháp luật về kinh doanh của Hàn Quốc sau khi cải cách, quy định về đăng ký kinh doanh hết sức đơn giản. Gồm 5 bước và tổng thời gian cho 5 bước (được tích hợp với nhau) để đăng ký doanh nghiệp mất khoảng 3 ngày. Sau đây là 5 bước, nhưng có một số bước được tiến hành đồng thời) để một doanh nghiệp bắt đầu hoạt động kinh doanh tại Hàn Quốc.
    Như vậy có thể thấy, việc đăng ký kinh doanh của một doanh nghiệp ở Hàn Quốc được thực hiện tại Cơ quan quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ (Small and Medium Business Administration - SMBA).
    Đối với nhà đầu tư nước ngoài, Trong tổng số 1.145 danh mục ngành nghề được phân loại theo hệ thống phân loại công nghiệp tiêu chuẩn Hàn Quốc (Korean Standard Industrial Classification - KSIC), nhà đầu tư nước ngoài không được phép kinh doanh trong 61 ngành nghề, bao gồm: hành chính công, ngoại giao và quốc phòng (Danh mục ngành nghề kinh doanh bị cấm). Trong khi đó, nhà đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh trong 28 ngành nghề hạn chế (Danh mục ngành nghề kinh doanh bị hạn chế), theo quy định của Luật Xúc tiến đầu tư nước ngoài (Foreign Investment Promotion Act).
    Cũng tương tự như các quy định ở Việt Nam, để được kinh doanh trong các ngành nghề bị hạn chế, nhà đầu tư nước ngoài tại Hàn Quốc phải đáp ứng các điều kiện về mức trần sở hữu vốn trong công ty, loại hình công ty được phép thành lập, cũng như các loại giấy phép kinh doanh khác. Tất cả các điều kiện này được công bố tại Quy định về đầu tư nước ngoài và Thông báo công khai về đầu tư nước ngoài của Hàn Quốc[5].
    Ví dụ như việc mở một cơ sở massage truyền thống kiểu Thái Lan tại Hàn Quốc, nhà đầu tư từ Thái Lan không thể mở cơ sở 100% vốn của mình, chỉ có thể kinh doanh dưới hình thức hợp danh hoặc liên doanh với người Hàn Quốc. Nhân viên tại cơ sở phải có chứng chỉ chuyên môn trị liệu, và chứng chỉ này chỉ được cấp cho người khiếm thị Hàn Quốc theo Luật Phúc lợi cho người khuyết tật Hàn Quốc (Welfare of Disabled Persons Act). Những người này phải hoàn thành khóa học và có chứng chỉ của thống đốc thành phố (hoặc tỉnh).
    Qua những quy định trên, việc đăng ký gia nhập thị trường của doanh nghiệp tại Hàn Quốc là hết sức đơn giản. Đây là hiệu quả của áp dụng sức mạnh công nghệ thông tin trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0.
    2. Một số đánh giá và kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc hoàn thiện pháp luật về quyền gia nhập thị trường
    Sau khi tổng hợp nghiên cứu pháp luật của các quốc gia nêu trên về quyền gia nhập thị trường, đặc biệt là thủ tục hành chính và các quy định về điều kiện gia nhập thị trường, có thể thấy những kinh nghiệm cho pháp luật Việt Nam về quyền gia nhập thị trường như sau:
    Thứ nhất, quy định rõ ràng thủ tục gia nhập thị trường bao gồm nhóm thủ tục đăng ký kinh doanh và nhóm thủ tục thỏa mãn các điều kiện kinh doanh trong các ngành nghề kinh doanh đặc biệt, không bị cấm nhưng cần kiểm soát.
    Các quốc gia đều cố gắng liệt kê những ngành nghề kinh doanh cần quản lý và đưa ra các điều kiện để có thể quản lý. Việc phân loại các ngành nghề này thực sự không khả thi, bởi mỗi quốc gia đều có những tiêu chí riêng của mình.
    Theo quan niệm đó, các quốc gia cũng phân chia ngành nghề kinh doanh theo các lĩnh vực khác nhau. Một là các lĩnh vực kinh doanh bị cấm, theo đó, nhà đầu tư, doanh nghiệp không được phép kinh doanh trong các ngành nghề này. Ví dụ: ở Mỹ, tuy các bang khác nhau nhưng đều cấm những sản phẩm, dịch vụ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội như ma túy, chất gây nghiện, nội tạng cơ thể người…
    Ở Việt Nam thì cấm sản xuất kinh doanh vũ khí, các chất ma túy, động vật hoang dã nằm trong sách đỏ... Hai là các ngành nghề không bị cấm, nhưng cần phải đáp ứng các điều kiện bắt buộc trước khi tiến hành kinh doanh. Nếu hiểu theo logic đó, sẽ có một nhóm thứ ba còn lại, là những ngành nghề còn lại được tự do kinh doanh mà không phải tuân thủ điều kiện gì. Tuy nhiên, trên thực tế, tiếp cận phân loại ngành nghề kinh doanh theo cách cấm, có điều kiện và không có điều kiện như thế này vẫn tồn tại một vấn đề, đó là: Không một ngành nghề nào là bị cấm tuyệt đối. Kể cả sản xuất kinh doanh vũ khí, việc cấm chỉ giới hạn trong khu vực tư nhân. Đối với các chất gây nghiện, một số chất vẫn cần thiết trong các dịch vụ y tế, và được kinh doanh, sử dụng dưới một số điều kiện nhất định. Không có hoạt động kinh doanh nào, thuộc ngành nghề nào là “không có điều kiện” - tức không phải đáp ứng yêu cầu hay quy định nào.
    Từ đơn giản như một người bán hàng ăn trên đường phố, người đó vẫn phải đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; quy định về khu vực cho phép/không cho phép bán hàng của chính quyền địa phương. Nghĩa là ngành nghề không có điều kiện, nhưng thực chất cần tuân thủ các quy định hành chính khác. Tuy nhiên, các quốc gia vẫn cố gắng phân loại để điều chỉnh, chủ yếu liên quan tới sự ảnh hưởng của các ngành nghề này đối với con người, môi trường, lợi ích công cộng.
    Pháp luật Việt Nam hiện nay khi quy định các tiêu chí để có thể phân loại một ngành, nghề kinh doanh cần quản lý bằng điều kiện còn chung chung như vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng… những yếu tố này là không rõ ràng, không minh bạch.
    Thứ hai, minh bạch trong các quy định về điều kiện cụ thể khi gia nhập thịtrường của các chủ thể kinh doanh.
    Việc quản lý điều kiện kinh doanh hiện nay ở Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào sự kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền, do đó số lượng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề… vẫn rất nhiều. Ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện vẫn có thể bãi bỏ thêm, một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện bị quản lý chồng lấn, tạo gánh nặng về thủ tục cho doanh nghiệp và các điều kiện kinh doanh chưa đảm bảo tính hợp lý, chưa minh bạch.
    Thứ ba, về cơ sở hạ tầng thông tin của hệ thống cấp phép
    Khi tiến hành nghiên cứu thủ tục đăng ký gia nhập thị trường của các quốc gia được đề cập, có thể nhận thấy hệ thống hạ tầng thông tin liên quan tới việc cấp phép các điều kiện kinh doanh rất rõ ràng. Chỉ cần truy cập các websites của các cơ quan quản lý chuyên ngành là có thể đọc hiểu và biết được các thủ tục cần tiến hành, các loại hồ sơ giấy tờ cần phải có. Các website được thiết kế khoa học, liên kết giữa các cơ quan quản lý khác nhau trong quá trình gia nhập thị trường như Bảo hiểm, Ngân hàng, Lao động…
    Hệ thống công nghệ thông tin của Việt Nam cũng đã được đánh giá cao, thông qua các chỉ số khởi sự kinh doanh được báo cáo trong Doing Bussiness hàng năm, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề có thể cải cách, sửa đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh.
    Những kinh nghiệm trên có thể gợi mở cho Việt Nam, đặc biệt trong việc cải cách các thủ tục hành chính đăng ký gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh.
     

    [1] Điểm a, Điều 2, Đạo luật số 85 - 536 về Kinh doanh quy mô vừa và nhỏ Hoa Kỳ năm 1953
    [2] https://www.sba.gov/business-guide/launch-your-business/apply-licenses-permits#section-header-0
    [3] Theo Thông báo số 44, Cơ quan quản lý thuế, phí California và Bản trích yêu về thuế tháng 3/2017 của Sở thuế tiểu bang Pensylvania.
    [4]https://tcdata360.worldbank.org/indicators/fisc.free.scr?country=BRA&indicator=752&viz=line_chart&years=2013,2016
    [5] http://www.moleg.go.kr/english/korLawEng?pstSeq=57158


    Tác giả bài viết: ThS. Lê Thị Hiền - ThS. Hoàng Thị Kim Cương
     

    Hỏi đáp pháp luật

    Hình ảnh hoạt động

    • 1
    • 1
    • 1
    • 1
    • 1

    Liên kết website

    Video

    Trường Trung cấp Luật Đồng Hới- Quảng Bình